"Cương quyết xóa cơ chế xin - cho, loại bỏ quy định cản trở phát triển"

Hoài Thu

(Dân trí) - Nhấn mạnh thể chế phải đi trước, mở đường cho những đột phá phát triển, Thủ tướng yêu cầu phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, cương quyết xóa bỏ cơ chế và không tạo ra hệ sinh thái xin - cho...

Yêu cầu này được Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt ra khi phát biểu kết luận Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành các luật, nghị quyết được thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, chiều 25/12.

Cho rằng xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong ba đột phá chiến lược, Thủ tướng khẳng định thể chế phù hợp sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển, ngược lại, thể chế không phù hợp sẽ kìm hãm sự phát triển.

Tại kỳ họp thứ 8, ngoài 9 luật đã được Chính phủ trình Quốc hội theo quy trình 2 kỳ họp, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét, bổ sung vào chương trình 7 dự án luật và 3 dự thảo nghị quyết quan trọng, trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình 1 kỳ họp. 

Cương quyết xóa cơ chế xin - cho, loại bỏ quy định cản trở phát triển - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Hội nghị (Ảnh: Đoàn Bắc).

Thủ tướng nhấn mạnh đây là những văn bản quan trọng, quy định nhiều chính sách mới, đột phá, có tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội , góp phần xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tháo gỡ những "điểm nghẽn" về thể chế, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển.

Cũng theo đánh giá của người đứng đầu Chính phủ, công tác triển khai thi hành các luật, nghị quyết đã có nhiều chuyển biến tích cực, song vẫn còn hạn chế như tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức Nhà nước trong thi hành pháp luật còn hạn chế; Tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành chưa được xử lý triệt để. 

Nhận định khối lượng công việc cần thực hiện trong thời gian tới là rất lớn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập 8 nhiệm vụ trọng tâm nhằm triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8.

Trong đó, ông lưu ý việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy tính chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức, khuyến khích dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Đi kèm với đó, theo Thủ tướng, cần tăng cường giám sát, kiểm tra phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong thi hành pháp luật; khắc phục triệt để tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu chủ động rà soát, xử lý kịp thời các vướng mắc, bất cập phát sinh, nhất là các bất cập liên quan đến thủ tục hành chính. Loại bỏ những quy định không phù hợp, không cần thiết, gây phiền hà, làm tăng chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp, cản trở sự phát triển, làm chậm lại tiến trình đổi mới… là yêu cầu được lãnh đạo Chính phủ quán triệt.

Ngoài ra, Thủ tướng lưu ý quan tâm bố trí hợp lý các nguồn lực về tài chính, cơ sở vật chất, tổ chức bộ máy, biên chế và các điều kiện cần thiết khác để triển khai thực hiện luật, nghị quyết một cách hiệu quả, tiết kiệm; có phương án tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả gắn với nhiệm vụ xây dựng và thi hành pháp luật.

Cương quyết xóa cơ chế xin - cho, loại bỏ quy định cản trở phát triển - 2

Toàn cảnh Hội nghị (Ảnh: Đoàn Bắc).

Để triển khai những nhiệm vụ này, Thủ tướng nhấn mạnh 3 vấn đề quan trọng.

Một là cần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn nữa đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát theo tinh thần địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm.

Hai là cương quyết xóa bỏ cơ chế xin - cho, không tạo ra hệ sinh thái xin - cho.

Ba là cương quyết cắt bỏ các thủ tục rườm rà, làm tăng chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp, tạo tham nhũng vặt.

Thủ tướng đề nghị các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Chính phủ, bộ, ngành ngay từ giai đoạn đầu trong công tác xây dựng pháp luật, bảo đảm tính khả thi của các quy định trong các dự án luật, nghị quyết, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi hành sau khi được thông qua.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cho rằng cần tăng cường hoạt động giám sát trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật, kịp thời phát hiện những nội dung trái pháp luật, những vi phạm để kiến nghị các biện pháp xử lý phù hợp, bảo đảm pháp luật được thực thi nghiêm minh, hiệu quả.

Với 18 luật, 21 nghị quyết được thông qua, kỳ họp thứ 8 là kỳ họp Quốc hội có số lượng luật được thông qua lớn nhất, chiếm gần 1/3 (18/61 luật) tổng số luật được Quốc hội ban hành từ đầu nhiệm kỳ tới nay. 

Tính cả kỳ họp bất thường lần thứ 5 và thứ 7, riêng năm 2024, Quốc hội đã thông qua 31 luật, nhiều hơn tổng số luật (30 luật) được ban hành trong 3 năm trước đó, 3 năm đầu của nhiệm kỳ.

Ngay sau Kỳ họp thứ 8, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương triển khai hiệu quả các luật, nghị quyết, bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và thi hành pháp luật, cụ thể là tuyên truyền, phổ biến pháp luật; ban hành kế hoạch; phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết…