Cường độ và đường đi của bão số 2 rất khó lường!
(Dân trí) - Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, cường độ và đường đi của bão số 2 (tên quốc tế là Sinlaku) rất khó lường.
Liên quan đến diễn biến cơn bão số 2 đang hoạt động trên Biển Đông và dự báo sẽ đi vào đất liền các tỉnh Bắc Trung Bộ và Đồng bằng Bắc Bộ trong vài giờ tới.
PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia.
- Thưa ông hiện nay tình hình cơn bão số 2 như thế nào?
Lúc 13h chiều nay, vị trí tâm bão ở khoảng 18,5 độ Vĩ Bắc; 109,5 độ Kinh Đông, trên đất liền phía Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách bờ biển các tỉnh Thái Bình-Nghệ An khoảng 450km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 130km tính từ tâm bão. Hoàn lưu của nó đang bao phủ hầu khắp khu vực Bắc biển Đông, vùng mây phía Tây của bão đang gây mưa cho khu vực Bắc Trung Bộ với trọng tâm mưa ở Nghệ An và Hà Tĩnh.
- Diễn tiến tiếp theo của bão thế nào, thưa ông?
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 13h ngày 2/8, vị trí tâm bão ở khoảng 19,5 độ Vĩ Bắc; 105,8 độ Kinh Đông, ngay trên vùng bờ biển các tỉnh Bắc Trung Bộ và Nam đồng bằng Bắc Bộ.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km, đi vào đất liền các tỉnh Bắc Trung Bộ và đồng bằng Bắc Bộ, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu thành vùng áp thấp. Đến 13h ngày 3/8, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 20,7 độ Vĩ Bắc; 103,9 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt-Lào.
- Ông cho biết, liệu có những tác động nào của điều kiện khí quyển có khả năng ảnh hưởng đến quỹ đạo của bão không?
Theo số liệu chúng tôi thu thập được thì hiện nay ngoài cơn bão số 2 đang hướng về nước ta thì ở khu vực phía Đông của Philippines còn tồn tại thêm một áp thấp nhiệt đới nữa. Chính sự tồn tại của áp thấp nhiệt đới này sẽ có tác động đến cường độ và hướng di chuyển của cơn bão số 2 gần Việt Nam.
Áp thấp nhiệt đới phía ngoài Philippines sẽ ngăn cản không cho áp cao cận nhiệt đới tiếp cận với bão ở gần Việt Nam. Khi không có yếu tố dẫn đường của áp cao cận nhiệt đới, cơn bão gần Việt Nam sẽ di chuyển chủ yếu theo nội lực.
Do đó, bão sẽ di chuyển lúc nhanh, lúc chậm và có khả năng thay đổi cường độ, vì đang tồn tại trên vùng biển nóng, khiến cho diễn biến về cường độ và đường đi của bão sẽ rất khó lường.
- Với những điều kiện chi phối hiện nay liệu rằng mưa bão có diễn ra liên tiếp trên Biển Đông và đất liền hay không, thưa ông?
Tháng 8 là thời gian bắt đầu có những cơn bão ảnh hưởng tới miền Bắc, tuy nhiên đây vẫn chưa phải là cao điểm của mùa bão. Phải sang tháng 9 và tháng 10 mới là cao điểm của mùa bão trên Biển Đông.
Chúng tôi dự báo từ nay tới cuối năm còn khoảng 8-10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới nữa trên Biển Đông. Vì thế, không loại trừ khả năng sẽ có nhiều cơn bão cùng hoạt động hoặc liên tiếp xuất hiện trên Biển Đông trong những tháng tới.
Đối với cơn bão số 2 hiện nay, chúng tôi cảnh báo khả năng cao sẽ xảy ra một đợt mưa rất lớn ở Bắc Bộ và các tỉnh Trung Bộ cũng như khu vực Tây Nguyên. Do đó, chúng tôi lưu ý các hồ thủy lợi xuống cấp, đang nâng cấp, các thủy điện nhỏ có nguy cơ cao, các khu khai thác khoáng sản ở 3 vùng trọng tâm mưa cần rà soát và đánh giá hiện trạng các công trình, có phương án sẵn sàng ứng phó khi tình huống mưa rất to xảy ra.
Ngoài ra, người dân ở các tỉnh vùng núi phía Bắc, khu vực vùng núi miền Trung cần hết sức cảnh giác giông, lốc và gió giật mạnh ở rìa ngoài hoàn lưu bão. Khi mưa lớn xảy ra sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất, người dân vùng đô thị ở các khu vực trên cần lưu ý tới hiện tượng ngập úng đô thị.
Ngoài ra, ở vùng ven biển khu vực bão ảnh hưởng đề phòng sóng lớn và nước biển dâng, đặc biệt nếu bão đổ bộ vào thời điểm thủy triều cao, cụ thể là vào buổi chiều các ngày đầu tháng 8/2020.
- Xin cảm ơn ông!