Bão số 2 cách đất liền hơn 450km, Hà Tĩnh bắt đầu mưa to
(Dân trí) - Do ảnh hưởng của bão số 2, từ sáng sớm tại Hà Tĩnh đã xuất hiện mưa. Dự báo từ đêm nay (1/8) đến hết ngày 2/8, trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa to, có nơi mưa rất to và giông.
Theo Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh Trần Đức Bá, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 2 có tên Quốc tế là Sinlaku.
Tổng lượng mưa tính từ 1 giờ ngày 1/8 đến 10 giờ ngày 1/8 phổ biến 30 – 70mm, có nơi trên như: Cẩm Nhượng 84,5mm; Kỳ Anh 106,6mm; Hoành Sơn 116,4mm.
Hiện nay, mực nước trên các sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố ở xu thế lên chậm với biên độ mực nước lên tính đến 10h ngày 1/8 từ 9 - 53cm. Sông La, Rào Cái và Cửa Nhượng chịu ảnh hưởng của thủy triều.
Theo ông Đức, từ đêm nay (1/8) đến hết ngày 2/8 trên địa bàn tỉnh tiếp tục có có mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Tổng lượng mưa cả đợt dự báo phổ biến 200 - 400mm, cục bộ có nơi trên 500mm.
Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh khuyến cáo cần đề phòng mưa lớn cục bộ trong thời gian ngắn gây lũ, lũ quét, sạt lở đất ở trung du và vùng núi; khu vực đô thị và vùng trũng thấp cần đề phòng ngập úng.
Trong đó theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão trên các phương tiện thông tin, truyền thông để chủ động triển khai phương án ứng phó phù hợp; tiến hành rà soát, bổ sung vào phương án ứng phó với thiên tai phù hợp với tình hình, điều kiện cụ thể trong tình huống dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Tiểu ban An toàn nghề cá trên biển và các địa phương ven biển duy trì liên lạc thường xuyên, thông tin đến thuyền trưởng, chủ phương tiện hoạt động trên biển, người dân tại các khu du lịch biển, các khu nuôi trồng hải sản biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.
Hiện nay, lúa hè thu đã bắt đầu trổ, đề phòng mưa lớn gây ngập úng, yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, giám đốc các Công ty TNHH MTV Thủy lợi: Bắc Hà Tĩnh, Nam Hà Tĩnh khẩn trương chỉ đạo tổ chức kiểm tra, đánh giá ngay các hệ thống tiêu thoát lũ, đảm bảo vận hành tiêu úng kịp thời không gây ngập úng cho lúa hè thu.
Các địa phương vùng núi cần rà soát ngay vùng nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất để chủ động thông báo cho người dân chủ động ứng phó; phân công cán bộ theo dõi cụ thể, cập nhật ngay số điện thoại các hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ cao để chủ động thông tin cho người dân ứng phó khi có tình huống khẩn cấp.
Yêu cầu các địa phương, các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án các công trình đang xây dựng dở dang phải có phương án đảm bảo an toàn cho người, thiết bị và công trình; rà soát, triển khai giải pháp đảm bảo an toàn cho các hồ chứa nước, đặc biệt là các hồ chứa nước xuống cấp có nguy cơ mất an toàn cao.
Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, trưởng các tiểu ban và các thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động triển khai các phương án của đơn vị mình để kịp thời ứng phó và hỗ trợ ứng cứu khi cần thiết.
Đài Khí tượng thủy văn tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão,cung cấp thông tin kịp thời đến các cấp, ngành và nhân dân biết, chủ động ứng phó.
Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h và thường xuyên báo cáo về UBND tỉnh và Ban Chỉ huy PCTT và TKKN tỉnh biết để chỉ đạo kịp thời.
Văn Dũng