1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Cuối năm nay "cửa ngõ kẹt cứng" của Hà Nội sẽ hết ùn tắc?

(Dân trí) - Nói về vấn đề ùn tắc giao thông nghiêm trọng đang diễn ra tại Hà Nội, đặc biệt là trên tuyến đường Nguyễn Trãi - Thanh Xuân, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khẳng định đến cuối năm nay tình trạng này sẽ cơ bản được giải quyết, sẽ hết ùn tắc giao thông.

Chủ trì cuộc họp báo quý III Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chiều 13/10, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đã dành thời gian quan tâm đến vấn đề gây bức xúc với người dân Hà Nội hiện nay là ùn tắc giao thông. Ông Trường thừa nhận thực trạng ùn tắc giao thông rất nan giải và cho biết ngành giao thông đang cố gắng giải quyết.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT, vấn đề hết sức nan giải trong khi đầu tư hạ tầng để giải quyết ùn tắc, đặc biệt là trên trục Nguyễn Trãi - Thanh Xuân có nhiều công trình hạ tầng đang xây dựng cùng lúc. Vấn đề chính là phối hợp để phân luồng. Vừa qua, Hà Nội phân luồng rất mạnh, nhưng thói quen người dân không đi theo sự phân luồng đó nên dẫn đến ùn tắc.

“Chúng tôi khẳng định trên trục đường xây dựng  công trình đường sắt Cát Linh - Hà Đông hết năm nay sẽ cơ bản hết tắc. Cuối năm nay trên tuyến sẽ thông hầm, và các vị trí thi công tuyến đường sắt trên cao sẽ xong, vì vậy sẽ giảm ùn tắc” - Thứ trưởng Trường cho hay.

 

Người dân Hà Nội đang phải chịu đựng tình cảnh ùn tắc giao thông hàng ngày (ảnh: Nguyễn Dương)
Người dân Hà Nội đang phải chịu đựng tình cảnh ùn tắc giao thông hàng ngày (ảnh: Nguyễn Dương)

Nhấn mạnh về Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết đây là dự án “nóng” về nhiều mặt, gồm cả tiến độ, chất lượng và an toàn giao thông. Dự án do phía tài trợ vốn Trung Quốc làm tổng thầu nhưng thầu phụ là nhà thầu Việt Nam, mà các thầu phụ được tổng thầu lựa chọn đều không phải hoạt động trong ngành GTVT nên có nhiều khó khăn.

“Hiện nay, Bộ GTVT đang điều chỉnh làm thế nào để có sự ràng buộc giữa tổng thầu và nhà thầu phụ, để nâng cao trách nhiệm thực hiện dự án. Cố gắng đến tháng 6 sẽ xong phần thô, phần dầm, phần nhà ga... Phần trang trí sẽ mất khoảng 3 tháng. Sau đó chạy thử 3 tháng nữa mới chạy chính thức. Cố gắng trong năm 2016 đưa vào hoạt động” - Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định.

Đối với tuyến Nhổn - ga Hà Nội, đoạn tắc chủ yếu từ Đại học Quốc gia về Cầu Giấy, Thứ trưởng Trường cho biết giải pháp khả thi được triển khai là Hà Nối sẽ tiếp tục xén vỉa hè để mở rộng đường cho người dân đi lại, đồng thời yêu cầu nhà thầu thi công thu gọn hàng rào và thi công 24/24h để nhanh chóng hoàn thành nhằm rút ngắn thời gian thực hiện dự án đến năm 2017 thay vì kế hoạch ban đầu là năm 2019.

Cũng trong cuộc họp này, các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên đường cao tốc xảy ra liên tiếp trong thời gian gần đây cũng được đề cập tới. Nguyên nhân xảy ra tai nạn trên đường cao tốc chủ yếu do lái xe vi phạm tốc độ, chạy xe ban đêm nên tài xế buồn ngủ và do thời tiết.

“Không phải chỉ ở Việt Nam mà ở bất cứ quốc gia nào tai nạn trên đường cao tốc là rất khốc liệt” - Thứ trưởng Trường cho biết.

Được biết, hiện nay khi xảy ra tai nạn giao thông trên cao tốc đã có đội cứu hộ giải quyết sự cố rất nhanh, còn giải pháp sắp tới được Thứ trưởng Bộ GTVT cho hay là sẽ lắp camera giám sát vi phạm giao thông trên cao tốc và tiến hành phạt “nguội” hoàn toàn.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường chủ trì cuộc họp chiều 13/10
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường chủ trì cuộc họp chiều 13/10

“Hiện Chính phủ đã phê duyệt đề án phạt nguội vi phạm giao thông trên cao tốc thông qua hệ thống camera giám sát. Hai tuyến cao tốc sẽ thí điểm Nội Bài - Lào Cai, Pháp Vân - Cầu Giẽ, thời gian thí điểm trong khoảng 6 tháng sau đó sẽ đánh giá kết quả và báo cáo Chính phủ để triển khai trên bộ hệ thống đường cao tốc cả nước.” - Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nhấn mạnh.

Sẽ dừng hẳn thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy

Nghị định 18 trước đây đưa ra thu phí đối với xe máy, theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, khi đặt ra vấn đề này Bộ GTVT  đã xin ý kiến rộng rãi của các tỉnh, trong đó có quy định toàn bộ số tiền thu được sẽ để lại cho địa phương sửa chữa đường. Xuất phát của việc thu, không phải là do hỏng đường mà thực chất là góp môt phần nhỏ bé của người dân vào công cuộc nâng cấp đường.

Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết: “Khi quy định thu phí đường bộ thì cả nước có 30 triệu xe máy, giờ tăng lên 45 triệu. Bình quân thu phí 70.000/xe, thu thì sẽ được gần 3.000 tỷ/năm. Nếu con số này thu đúng, thu đủ thì góp phần to lớn vào việc duy tu đường địa phương.

Thế nhưng, khi áp dụng thu thực tế thì mới nảy sinh vấn đề  là chưa có chế tài xử phạt người không nộp, hay có trường hợp “bố mua xe ở Vinh cho con mang ra Hà Nội đi” thì thu thế nào, nên người đóng cũng như người chưa đóng như nhau và, người dân nhìn nhau cùng không đóng”.

Vì sự thiếu công bằng nói trên nên Bộ GTVT đã trình Chính phủ tạm dừng thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy, nhưng hướng tới sẽ dừng hẳn, không thu nữa.

Châu Như Quỳnh