1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Cuối năm lênh đênh cùng chợ nổi

(Dân trí) - Càng gần tới Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, không khí buôn bán ở các chợ nổi vùng sông nước miền Tây càng náo nhiệt. Thương hồ từ khắp nơi hối hả tụ họp về chợ nổi bán những chuyến hàng cuối cùng trước khi về quê đón Tết sau chuỗi ngày lênh đênh.

Chợ nổi đặc trưng miền Tây
Chợ nổi đặc trưng miền Tây

Nhộn nhịp chợ nổi cuối năm

Mới hơn 5 giờ sáng, không khí lạnh bao trùm khắp bến sông nhưng chợ nổi Cái Răng (quận Cái Răng, TP Cần thơ) đã có mấy trăm chiếc ghe tụ họp về buôn bán các mặt hàng nông sản phục vụ Tết, như củ kiệu, hành tím, dưa hấu, bắp cải, trái cây…

Mỗi chiếc ghe đều có cây bẹo để treo món đồ cần bán

Mỗi chiếc ghe đều có cây bẹo để treo món đồ cần bán

Vợ chồng thương lái Nguyễn Minh Tân (ngụ huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) chở hơn 1 tấn củ kiệu từ Đồng Tháp sang chợ nổi Cái Răng bán, tâm sự: “Vợ chồng tôi quanh năm buôn bán khắp các chợ nổi từ Ngã Năm (Sóc Trăng), Ngã Bảy (Hậu Giang) đến Cái Răng (Cần Thơ), cứ mùa nào bán loại nông sản ấy. Đến ngày cận Tết thì bán dưa hấu, hành tím, củ kiệu rồi lại dong ghe về quê đón Tết. Có những năm bán ế, ngày 30 Tết mới bắt đầu về quê, có khi đón giao thừa ngay trên đường về giữa bốn bề sông nước”.

Cũng theo anh Tân, gần Tết buôn bán dễ dàng hơn vì ai cũng muốn mua mau, bán lẹ để về quê. Tết này vợ chồng anh dự định bán thêm vài chuyến hàng nữa rồi mới về.

Sau khi giao dịch xong, cả ghe của vợ chồng anh Tân và bạn hàng đều nhổ neo mỗi ghe đi một hướng. Cứ như thế, nhiều ghe ở chợ nổi chỉ cần thấy cây bẹo treo món nông sản gì là biết để đến mua bán. Có những ghe chẳng cần treo để chào mời vì hàng hóa chất đầy trên ghe, những chiếc từ đằng xa thấy đã chạy tới hỏi han. Gần đến Tết có thêm những ghe nhỏ chở giỏ hoa làm chợ nổi thêm đẹp mắt.

Chợ nổi Ngã Bảy (vàm Ba Ngàn, xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) tuy không đông đúc bằng chợ nổi Cái Răng nhưng những ngày giáp tết cũng có hàng trăm chiếc ghe từ khắp mọi nơi đổ về buôn bán.

Vợ chồng anh Trần Minh Đăng, ngụ huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng lên chợ nổi Ngã Bảy bằng chiếc ghe trọng tải 5 tấn chở hành tím, bắp cải bán rồi mua khoai, dừa chở về miệt Sóc Trăng, Bạc Liêu bán lại. Cứ khoảng nửa tháng vợ chồng anh Đăng lại lên chợ nổi một lần. Anh Đăng cho biết: “Hơn 10 năm sinh sống bằng nghề mua bán trên sông năm nào tôi cũng về quê ăn Tết vì cả năm trời suốt ngày lênh đênh, muốn về để sum họp gia đình”.

Ông Dương Văn Giang, Chủ tịch UBND xã Đại Thành cho biết, chợ nổi mấy năm gần đây trở thành điểm tập kết hàng nông sản của cả vùng, cặp bờ sông còn có các bến lên xuống hàng để vận chuyển nông sản từ ghe lên xe tải chở đi tiêu thụ ở  TPHCM hay Cần Thơ. Bình thường chợ nổi Ngã Bảy chỉ hơn 100 chiếc ghe cặp bến buôn bán mỗi ngày nhưng đến tết thì số lượng tăng lên gấp 2, 3 lần.

Ăn Tết lênh đênh

Đã 20 năm qua, gia đình ông Thái Ngọc Ẩn luôn đón Tết ở chợ nổi và coi nơi đây chính là nhà của mình. Ông Ẩn quê ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang còn vợ ông là bà Lê Thị Thu Vân quê ở huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Trước đây, do ít ruộng đất nên gia đình ông rời quê, bỏ luôn nghề thợ mộc để làm khánh thương hồ lênh đênh trên sông nước kiếm sống. Sau đó cả gia đình chọn chợ nổi Cái Răng mưu sinh cho đến nay.

Ở chợ nổi món gì cũng có
Ở chợ nổi món gì cũng có

Hằng ngày 2 vợ chồng ông Ẩn nấu cơm rồi dùng xuồng nhỏ chạy lòng vòng ở chợ nổi bán cho khách thương hồ. Lúc mới về đây lập nghiệp, cả gia đình ông chỉ có 1 chiếc ghe và tiền vốn 1 triệu đồng nhưng nhờ gom góp đã sắm được 3 chiếc ghe lớn để mấy đứa con mưu sinh.

Ông Ẩn tâm sự: “Mấy mươi năm sống ở sông nước riết rồi cũng quen bây giờ lên bờ là chịu không nổi. Tết đến thì sáng về quê thăm bà con đến chiều cũng trở lại chợ nổi. Bây giờ chợ nổi này tôi coi như là nhà, là quê hương thứ 2 của mình rồi”. Mỗi năm khi Tết đến, cả gia đình ông cũng sắm sửa, trang trí chiếc bè dưới bến sông để có không khí.

Ở chợ nổi món gì cũng có

Bây giờ gia đình ông Ẩn đã có 3 thế hệ sống lênh đênh trên sông; nghề buôn bán cũng đã nuôi sống cả gia đình ông suốt mấy chục năm. Đứa con trai ông Ẩn tên Thái Ngọc Toàn sau khi lấy vợ được ông sắm cho chiếc ghe tiếp tục vô vườn mua hàng nông sản ra chợ bán. Ông Ẩn cho biết: “Tui có 2 đứa con gái gả nên theo chồng lên bờ sống còn đứa con trai thì ở chung và sinh ra cháu gcũng ở dưới bến sông này. Không biết mai mốt thế hệ sau có nối nghiệp theo nghề này không nhưng giờ có 3 thế hệ quây quần với nhau sinh sống trên bến sông”.

Minh Giang