TPHCM:
Cuối 2011, TPHCM “khống chế” được ngập nước, kẹt xe?
(Dân trí) - Các công trình trọng điểm chống ngập, kẹt xe… trong đó có công trình “rùa bò”… kỷ lục như cầu vượt Gò Dưa dự kiến quý 3 năm 2011 sẽ hoàn thành. Lúc đó, TPHCM có thực sự “khống chế” được vấn đề nhức nhối: kẹt - ngập?
Ngập nước, kẹt xe… đang là vấn đề dân sinh nhức nhối nhất tại TPHCM. Người dân trông chờ vào những “kế sách” từ lãnh đạo. Còn chính quyền của thành phố năng động bậc nhất Việt Nam vẫn đang loay hoay tìm giải pháp.
Theo ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch thường trực UBND TPHCM, chống ngập nước, kẹt xe đang là một trong những vấn đề nóng, được ưu tiên giải quyết hàng đầu của TP.
Nhiều dự án sẽ hoàn thành cuối năm 2011
Tín hiệu vui đến với gần 10 triệu dân của thành phố khi tại cuộc họp HĐND TPHCM lần thứ 19 vừa qua, lãnh đạo cho biết đến năm 2011, sẽ cơ bản kiểm soát được tình hình ngập nước, kẹt xe.
Cơ sở để có câu nói “chắc cú” này là việc sẽ hoàn thành hệ thống cống kiểm soát ngăn triều chống ngập khu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Dự án cống thoát nước Bình Lợi (P.13, Q. Bình Thạnh) dự kiến sẽ hoàn thành cuối năm 2011. Tiếp đó, cầu vượt Gò Dưa (Thủ Đức) và tuyến tỉnh lộ 25B - cửa ngỏ ra vào cảng Cát Lái sẽ được triển khai ngay sau khi… giải tỏa đền bù xong.
Theo báo cáo của Trung tâm điều hành chống ngập thành phố, trong năm qua dù đã giảm 46% nhưng toàn TP vẫn còn 58 điểm ngập, 272 vị trí cống thoát nước bị xâm hại, 216 vị trí giao cắt trong hệ thống cấp thoát nước bị nhà cửa, sân, vải hè làm nghẽn dòng chảy…
Một nguyên nhân khác dẫn đến cả Sài Gòn chìm trong “biển nước” vào các ngày 10/10, 7/11, 19/11, 22/11 vừa qua mà lãnh đạo Trung tâm điều hành chống ngập “đỗ lỗi” là: do… ông trời mưa nhiều.
Để khắc phục tình trạng ngập nước kéo dài, ngày 9/12 vừa qua, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước, UBND TPHCM đã khởi công cống kiểm soát ngăn triều chống ngập khu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Dự án này được đầu tư với mức vốn ban đầu gần 300 tỷ đồng, sẽ hoàn thành trong 24 tháng. Cống ngăn triều Nhiêu Lộc - Thị Nghè được xây dựng và khi đưa vào hoạt động sẽ giúp giảm tình trạng ngập úng do mưa hay triều cường trên quy mô 7 quận nội thành bao gồm: quận 1, 3, 10, Bình Thạnh, Tân Bình, Phú Nhuận và Gò Vấp. Ngoài ra, đối với “Rốn ngập” Bùng Binh - Cây Gõ (quận 11) thì sẽ được tăng cường thêm 320 van ngăn triều một chiều.
Trong nhiều năm qua, khi mưa lớn, triều cường lại gây ngập nặng, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống dân sinh của người dân TPHCM. Vì vậy, các công trình này hứa hẹn giảm nạn ngập nước, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội ở thành phố lớn nhất nước.
Liên tiếp trong nhiều năm qua, dư luận cũng lên tiếng bất bình vì tình trạng kẹt xe ngay dưới chân cầu vượt Gò Dưa (Quốc lộ 1A, đoạn qua địa bàn quận Thủ Đức). Công trình xây dựng cầu vượt này đang bị “treo” vì chưa giải quyết xong khâu đền bù cho dân. Đường liên tỉnh 25B vào cảng Cát Lái cũng chung số phận.
Tuy nhiên, theo ông Trần Quang Phượng - Giám đốc Sở GTVT TPHCM, nếu làm xong khâu giải tỏa đền bù thì chuyện hoàn thiện dự án chỉ trong một thời gian ngắn.
Lời hứa có bị gió bay?
Tín hiệu có vẻ khá khả quan theo cách nhìn nhận vấn đề của lãnh đạo ngành chức năng thành phố. Tuy nhiên, để đi đến thực tiễn của vấn đề thì còn khá xa, dù cái khoảng thời gian “cuối năm 2011” như đang hiển hiện trước mặt. Liệu đến mốc thời gian quá ngắn này, các công trình có kịp tiến độ không? tình trạng kẹt xe, ngập nước được kiểm soát không khi mà thực tế các dự án còn bộn bề… khó khăn?.
Trong năm 2011, TPHCM sẽ chi 11.000 tỷ đồng để giải quyết khâu chống ngập nước. Hai dự án cống kiểm soát ngăn triều chống ngập Nhiêu Lộc, Bình Lợi… dự kiến sẽ hoàn thành cuối năm 2011.
Ai cũng mong muốn công trình hoàn thành đúng tiến độ nhưng một số công đoạn trong dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè bị chậm vì nhà thầu chây ì. Với cái “bệnh cũ” này, nỗi lo công trình “rùa bò” đối với 2 dự án chống ngập như vẫn còn ám ảnh người dân.
Ông Nguyễn Phước Thảo - Giám đốc Trung tâm điều hành chống ngập TP cũng thừa nhận: “Vấn đề cải tạo, nạo vét kênh rạch… thực hiện còn yếu. Hệ thống thoát nước thì có, nhưng thoát ra tới rạch thì bị kẹt, không đổ ra sông được, thế là bị ngập…”.
Cầu vượt Gò Dưa hiện vẫn còn 71 hộ dân chưa được giải phóng mặt bằng. Tỉnh lộ 25B, cứ mỗi tối khoảng 21h là kẹt xe… “kinh khủng” thì đang vướng bởi nhiều đơn thư khiếu nại, khiếu kiện…
Với những vướng mắt còn chưa được giải quyết như trên, liệu “điệp khúc”: kẹt - ngập đến bao lâu nữa mới hết? Lời hứa của lãnh đạo TP có bị gió bay?!.
Công Quang