Cước vận tải chây ì: “Người ta nói mình như tội phạm, tôi thấy nhục lắm!”
(Dân trí) - Trong khi Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải “nóng mặt” vì nghìn lẻ một lí do “giữ giá” của doanh nghiệp, thì Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng gay gắt bày tỏ: “Người ta nói cứ như mình là tội phạm, họ bảo chây ì, móc túi… Tôi thấy nhục lắm!”.
Cuộc họp đột xuất về vấn đề nóng liên quan đến cước vận tải tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT) dự kiến diễn ra trong buổi sáng nay (22/2) đã kéo dài đến quá trưa mà vẫn chưa hết ý kiến tranh luận.
"Sao mình giống như tội phạm thế?"
Ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam - cho biết, ông phải bay từ Kiên Giang ra Hà Nội để dự cuộc họp quan trọng này vì đây là vấn đề rất nóng hiện nay.
“Xăng giảm giá nhưng cước vận tải không giảm nên người dân và báo đài rất bức xúc, họ nói doanh nghiệp móc túi người tiêu dùng… khiến chúng tôi rất đau lòng, sao mình lại giống tội phạm như thế? Như thế cảm thấy bị xúc phạm. Báo chí họ bảo là vận tải “chây ì”… Tôi thấy nhục lắm!” - ông Thanh bày tỏ.
Phân tích về giá vận tải, ông Thanh cho hay, giá thành vận tải cấu thành từ rất nhiều yếu tố. Ngay như giá xe rất khác nhau (có xe vài ba tỷ, có xe vài ba trăm triệu) nên giá thành cũng khác nhau; áp lực từ phí đường bộ; taxi có rất nhiều hãng với nhiều loại xe chất lượng khác nhau nên không thể đòi tất cả phải 6.000 đồng/km … Giá nhiên liệu tăng - giảm nhưng những cái khác chưa chắc giảm, vì thế cũng cần công bằng với doanh nghiệp vận tải, giá cước vận tải có sự điều tiết của thị trường.
“Tôi không đồng tình ý kiến cho rằng xăng tăng thì giá cước tăng nhanh quá. Khi điều chỉnh tăng - giảm thì không đơn giản, đối với taxi thì phức tạp, tốn kém tiền nong, muốn tăng hay giảm cũng phải “năn nỉ”. Tôi thấy cần giảm thủ tục để doanh nghiệp làm nhanh, để doanh nghiệp không bị mang tiếng chây ì. Bên cạnh đó, phải có chế tài nhưng cũng không thể yêu càu doanh nghiệp điều chỉnh ngay lập tức mà vẫn phải có độ trễ nhất định” - ông Thanh kiến nghị.
“Đáng ra giá cước còn phải… tăng” (!?)
Bày tỏ sự đồng tình với quan điểm của Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhưng ông Tạ Long Hỷ - Chủ tịch Hiệp hội Taxi TPHCM - “minh họa” thêm: Giá cước taxi từ tháng 1/2016 đến nay đã có 2 đợt giảm giá, hầu hết các hãng taxi giảm giá từ 300 - 500 đồng/km.
Ông Hỷ dẫn chứng, như hãng taxi Vinasun mỗi năm trên 3 tỷ đồng tiền thuế, phí bảo hiểm xã hội đè lên giá cước (mỗi tháng 1,5 tỷ/tháng); kiểm định kỹ thuật 340.000 đồng/lượt. Trong cấu thành giá cước, lương và bảo hiểm chiếm 45%... vì thế giá nhiên liệu không phải nhiều... Lẽ ra giá cước còn phải tăng (!?)
“Thâm tâm chúng tôi thực sự không thích tăng/giảm và muốn ổn định, vì mỗi lần điều chỉnh rất tốn kém. Đối với taxi, xăng dầu khoán cho tài xế nhưng khi nhiên liệu tăng thì phải bù để lái xe họ có phấn đấu trong khi giảm thì lái xe bỏ túi hết, doanh không được gì cả. Doanh nghiệp không dại gì ôm mức giá quá cao nhưng cũng không dại gì chúng tôi hạ giá để phải phá sản” - ông Hỷ khẳng định.
Trong khi đó, ông Đỗ Quốc Bình - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội - cho rằng, giá cước được tính toán phù hợp với thị trường để bảo đảm quyền lợi của cả doanh nghiệp và người dân, vì nếu chỉ bảo đảm quyền lợi của người dân thì lái xe chỉ muốn... bỏ xe vì không đảm bảo đời sống.
“Chúng tôi rất sợ lái xe không đảm bảo được đời sống thì lãn công, gây bất ổn xã hội. Vì thế cần chọn đúng điểm rơi để giảm giá” - ông Bình nhấn mạnh.
Đại diện doanh nghiệp vận tải, ông Vũ Đức Hoàng - Phó Tổng Giám đốc xe khách Hoàng Long - cho biết mình đã có 7 năm tu nghiệp ở nước ngoài về lĩnh vực vận tải nên rất hiểu tình hình. Theo vị này, những gì đang nói ở đây chỉ là nói theo giá nhiên liệu, vì có những chi phí không thể hạch toán, không thể viết ra giấy.
Phải giảm cước ngay sau cuộc họp!
Trên thực tế, các đơn vị kinh doanh vận tải luôn “tuyên bố” cước phí tăng-giảm theo xu hướng của thị trường, nhưng nay giá xăng liên tục giảm còn các nhà vận tải vẫn bàng quan và không mấy mảy may đến chuyện giảm cước. Thậm chí, doanh nghiệp vận tải viện ra nghìn lẻ một lí do cho việc chậm trễ giảm giá.
“Nóng mặt” với những lập luận của các đơn vị vận tải, Thứ trưởng Lê Đình Thọ thẳng thắn: “Đây là việc có từ lâu rồi chứ không phải hôm nay nói ra mới biết. Tôi tin chắc là ngồi họp ở đây nhiều người học Đại học chuyên ngành kinh tế vận tải nên thừa biết trong cơ cấu giá thì nhiên liệu chiếm 25-30% chứ không phải là chiếm không nhiều như một số vị nói. Theo cơ chế thị trường, xăng dầu giảm giá thì dứt khoát cước vận tải phải giảm! Đây là nguyên tắc cơ bản về cơ chế thị trường”.
Thứ trưởng Thọ cho rằng, có doanh nghiệp kê khai đầy đủ nhưng thực tế lại rất bức xúc, doanh nghiệp làm ăn chân chính rất khốn đốn với doanh nghiệp làm ăn chộp giật. Cơ chế thị trường điều tiết giá là điều khẳng định và dựa trên cơ chế cạnh tranh.
Kết luận về vấn đề giá cước vận tải, Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường yêu cầu sau cuộc họp hôm nay, các doanh nghiệp phải giảm giá cước vận tải và trong tháng 2 này phải công khai bảng giá. Thứ trưởng Trường đề nghị các Hiệp hội vận tải và doanh nghiệp phải có trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội, phải có văn hóa doanh nghiệp, đồng thời thời phải công bằng trong việc phục vụ người dân.
Châu Như Quỳnh