“Cuộc sống vẫn tiếp diễn”

(Dân trí) - “3 năm sau tôi đi tìm lại những người bạn đã đóng góp hình ảnh cho triển lãm <i>Cuộc sống vẫn tiếp diễn</i> năm 2005. Có người dường như khoẻ mạnh, ổn định hơn và từng bước khẳng định vai trò xã hội, nhưng cũng có người không vượt qua được chính mình...”.

Tác giả Phạm Hoài Thanh mang tâm trạng vui buồn lẫn lộn khi tiếp tục với triển lãm “Cuộc vống vẫn tiếp diễn”. 3 năm trước, cuộc triển lãm với tên gọi tương tự đã diễn ra. Họ là những “người mẫu”, dũng cảm bộc lộ danh tính và cuộc sống của mình khi đã nhiễm HIV.

“Có những em bé, những cô gái và chàng trai đã từng chạm ngưỡng cửa cái chết bởi AIDS nhưng nay khỏe mạnh trở lại. Họ vẫn còn những ưu lo về sự kì thị, nhưng nhiều người trong số họ đang vươn lên, đang từng bước khẳng định vai trò xã hội và tìm thấy sự bình an trong đời sống cá nhân.Thế nhưng cũng có những người không thể vượt qua được chính mình, gặp những khó khăn trắc trở, họ tự giam cầm trong cái vòng luẩn quẩn của cám dỗ và tự đánh mất niềm tin... Lắng nghe những câu chuyện của những người bạn này, chính tôi cũng thấm thía hơn câu châm ngôn “Hãy tự giúp mình trước khi chờ Trời giúp”- anh Thanh tâm sự.

Tự thoát khỏi bóng ma HIV/AIDS

Ông chủ trại Nguyễn Xuân Cường (sinh năm 1972, ở TP Thái Nguyên) vui tính năm nào bây giờ đã là một trưởng nhóm tự lực đầy kinh nghiệm kiêm “chuyên gia hỗ trợ cai nghiện”. Ngôi nhà 485 Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên luôn rộng cửa đón khách. Người thì trông qua cũng biết có nhiều năm nghiện chích hoặc ra vào trung tâm cai nghiện như đi chợ, rồi cả những bậc phụ huynh khuôn mặt đầy âu lo. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, họ tìm đến trụ sở của nhóm Vì ngày mai tươi sáng 2 Thái Nguyên do Cường là trưởng nhóm.

Với kinh nghiệm nhiều lần tự cai và đã tự tin là từ bỏ được ma túy, mấy năm qua Cường dốc sức giúp đỡ anh em bạn bè cai nghiện. Cường kể: “Lúc đầu biết em cai được nên bạn bè đến nhờ cai giúp. Nhiều người thấy kết quả nên bảo nhau đến nhiều quá, lắm lúc em không dám nhận”. Chẳng phải có phương pháp gì mới đâu. Nắm rõ tâm lý và cảm thông với người nghiện, cùng với sự chăm sóc tận tình khéo léo của Cường, hàng trăm người đã bước đầu thoát khỏi sự cám dỗ của chất bột trắng.

Có một phụ huynh thấy biện pháp tự xích chân mà Cường áp dụng trước đây quá vất vả liền ủng hộ bằng cách làm cho Cường một gian lồng sắt để các bạn tự giam mình trong giai đoạn cắt cơn. Đó là một biện pháp “cực chẳng đã” nhưng cũng giúp nhiều người vượt qua được sự cám dỗ của thuốc.

Đôi lần cũng có ý kiến phản ánh về việc “khách hàng” làm ồn trong khi vật vã chống lại cơn thèm thuốc, nhưng rồi hiểu được sự cố gắng của Cường và các bạn, chính quyền địa phương và mọi người cũng thông cảm.

Vẫn nụ cười sảng khoái, vô tư, Cường khẳng định: “Càng làm em càng vui vì những người mình giúp cai nghiện thành công ngày một nhiều và đều trở thành bạn bè”. Thấy thấp thoáng sau lưng Cường có một “bóng hồng” cùng chung vai “vác tù và...” suốt mấy năm qua!

Vẫn là một người vợ, người mẹ dịu dàng, nàng dâu thảo của năm xưa, nay Phạm Thị Huệ Huệ (sinh năm 1980, ở Hải Phòng) còn dẫn dắt những dự án tạo công ăn việc làm cho người đang sống chung với HIV trong nhóm Hoa Phượng Đỏ cũng như người có HIV nói chung. Lần lượt nhóm may, nhóm rửa xe máy, nhóm nuôi hải sản ra đời, không những tạo công việc và thu nhập ổn định cho hơn hai chục người mà còn góp phần mang lại bình yên cho gia đình họ.

Huệ kể: “Có nhiều người khi bệnh nặng thì mong được sống, nhưng sống rồi mà khó khăn quá lại nói: chỉ muốn chết”. Vậy nên, Huệ dồn nhiều thời gian và sức lực nhằm tạo thêm công ăn việc làm cho người có HIV. Dường như biết cô tình nguyện viên Liên hợp quốc nhỏ nhắn đang trên đường thực hiện tâm nguyện đáng trân trọng đó nên có nhiều lần Huệ bắt xe khách đi Hà Nội vài phụ xe đã ngỏ ý không lấy tiền vé. Ngày 29/4/2008, Huệ vinh dự là một trong 62 người được chọn rước ngọn đuốc Olympic Bắc Kinh tại TP Hồ Chí Minh...

Gục ngã vì sợ hãi và cô độc

Phạm Hoài Thanh cho biết, việc tìm những người mang HIV dũng cảm đứng ra trước ống kính không còn khó khăn như trước. Tuy nhiên, vẫn tồn tại vô số rào cản từ bản thân người “có hát” và từ xã hội. Điều này khiến cho nhiều người đang phải sống trong sợ hãi, cô độc.

“Khó khăn lắm tôi mới gặp được Đặng Phước Đức, sinh1984, TP Vũng Tàu”. Trung tâm Cai nghiện và Hậu cai Khánh Hoa giải thể. Đức trở về Nha Trang làm thợ sơn vẽ nội thất được một thời gian, nhưng rồi vẫn chưa quên được ma túy. Mẹ Đức hy sinh công việc đưa cậu đi trường cai và luôn theo Đức, lúc Nha Trang lúc ở TP Hồ Chí Minh, chỉ mong sao giữ cho con mình tránh xa chất bột trắng. Tôi gặp lại cậu. Vui nhưng vẫn thật xót xa.

Vui vì từ một người CD4 chỉ còn dưới 20 (có nghĩa mức độ miễn dịch của cơ thể đã ở mức rất thấp - PV) vậy mà ba năm sau, cậu vẫn làm việc gấp đôi người thường và đã có “người thương”. Xót xa vì giờ cậu còn lo sợ sự kỳ thị hơn xưa. Cậu không dám công khai gặp những người cùng cảnh và cả những người giúp cậu tiếp cận điều trị ARV. Nỗi sợ hãi vì sợ mất hạnh phúc, sợ bị mất việc sẽ tuyệt đường sinh nhai khiến cậu không thể đứng trước ống kính của tôi thêm một lần nữa, dù chỉ là quay lưng lại”- anh Thanh kể.

Mẹ của Nguyễn Thành Lộc (sinh năm 1966, TP Nha Trang) mếu máo kể: “Nó bán hết sạch rồi! Nó ký giấy bán cả khung cửa, vì kèo, mái ngói... Tôi già như vầy rồi mà phải bỏ Sài Gòn về đây giữ căn nhà này, đặng nó có hối cải thì còn chỗ mà ở!”. Giờ bà vẫn đang cô quạnh trên manh chiếu cũ trong góc nhà trống hoác, bên cạnh là chiếc rổ với mấy cái bát chỏng chơ dưới bức tường mà trên đó còn sót lại câu khẩu hiệu Lộc viết: “Không bao giờ là thất bại, tất cả là thử thách!”.

Một “người mẫu” khác của 3 năm trước là Nguyễn Thị Vân (sinh năm 1981, ở Vân Đồn - Quảng Ninh). Cô đã từng được mời cùng làm chương trình phim tuyên truyền về HIV với Jacki Chan (diễn viên điện ảnh nổi tiếng thế giới người Hồng Kông - PV), và có một quán cà phê nhỏ. Thế nhưng do công việc kinh doanh không tốt nên Vân đã đóng quán.

Không giấu được tâm trạng xót xa khi nghĩ về Vân, anh Thanh nói: “Bây giờ cô thường đi bán hàng thuê xa, lúc thì Móng Cái khi thì Hạ Long. Nhìn Vân mân mê những tấm ảnh chụp chung với Jacki Chan, tôi mong cô ấy sẽ tìm thấy công việc phù hợp với sức khoẻ như mong muốn để không phải xa nhà”.

P. Thanh (ghi)