1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Cuộc sống mới của cháu bé bị bỏ rơi trong hang đá

(Dân trí) - Trong tiết trời lạnh giá cuối năm, vượt qua quãng đường hơn 100km từ Hà Nội về xóm Ưng, xã Phú Vinh, Tân Lạc (Hòa Bình), chúng tôi đã ghé thăm cậu bé bất hạnh bị bỏ rơi trong hang đá, bị gắn với tin đồn “ma rừng”.

Đứa trẻ bị bỏ rơi trong hang đá

Ngược dòng thời gian cách đây hơn một năm trước, người dân xóm Ưng bàng hoàng khi nghe tin một đứa bé sơ sinh bị bỏ lại phía rừng hoang. Đứa bé được bà Đinh Thị Nhộn (59 tuổi, người xóm Ưng) phát hiện và kịp thời cứu ra khỏi hang đá. Bà Nhộn nhớ lại: “Hôm ấy là khoảng 11h trưa ngày 29/4/2013. Trên đường cắt cỏ về, tôi phát hiện có tiếng trẻ con khóc từ phía rừng hoang vọng lại. Định thần, tôi quan sát thì thấy đám cỏ um tùm trước mặt đổ rạp xuống phát ra tiếng khóc. Bình tĩnh trong giây lát, lần theo đám cỏ tôi phát hiện ra bên trong một hang đá nhỏ có đứa trẻ sơ sinh được bọc sơ sài trong chiếc áo khoác màu đen. Tôi vội vàng bỏ gùi cỏ trâu xuống và chạy đến kéo đứa bé ra”.

Bé Đinh Chiến Thắng ngày mới được tìm thấy trong hang đá

Bé Đinh Chiến Thắng ngày mới được tìm thấy trong hang đá

Cháu bé réo khóc trong tình trạng mặt mũi bị xây xát, chân tay bầm tím, dây rốn chưa được cắt… Sau đó, bà Nhộn đã đưa đứa bé lên trạm xá để các nhân viên Y tế sơ cứu và đã may mắn thoát nạn.

Khu rừng hoang nơi phát hiện bé Chiến Thắng.
Khu rừng hoang nơi phát hiện bé Chiến Thắng.

Khi bà Nhộn báo cáo sự việc đến chính quyền địa phương, ông Đinh Trọng Thực, Bí thư Đảng ủy xã Phú Vinh đã chỉ đạo phía Chi Hội phụ nữ, công an viên tiến hành vận động mẹ đẻ của cháu bé ra nhận con. Ngay trong ngày, mọi người đã xác định được mẹ đẻ của cháu bé là chị Đ.T.U (SN 1983), có hoàn cảnh gia đình khó khăn, không chồng đang sống trên địa bàn xã.

Ông Thực cho biết: “Khi tìm thấy cháu bé, do chưa có tên nên các bác sĩ không thể làm hồ sơ bệnh án cho bé. Tôi đứng ra đặt tên cho cháu là bé Đinh Chiến Thắng do thời điểm tìm thấy bé trùng với dịp kỉ niệm giải phóng miền Nam. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên mẹ cháu bé không thể nuôi được. Sau đó, chị Đinh Thị Nhung, một người trong xã đến đăng ký làm thủ tục nhận nuôi”.

Đừng gọi cháu bé là “ma rừng”!

Cũng từ khi Chiến Thắng được chị Nhung đón về nuôi, người làng bắt đầu đồn thổi rằng, cháu bé được sinh ra trên vùng đất của người chết nên đã bị “ma rừng” ám vào người, cháu bé xuất hiện ở đâu sẽ mang tai họa đến đó. Dân làng xa lánh, sợ hãi, thậm chí muốn xua đuổi đứa bé ra khỏi làng, bất chấp sự bảo vệ của người mẹ nuôi… Tàn nhẫn hơn, một số người thân của chị Nhung còn bảo rằng cháu bé là “thần chết” nên ép chị Nhung mang cháu bé trả lại “khu rừng ma”.

Bé Chiến Thắng được mẹ nuôi chăm sóc
Bé Chiến Thắng được mẹ nuôi chăm sóc

Không chịu để mọi người khinh miệt, chị Nhung quyết định làm sáng tỏ xem lời đồn đó xuất phát từ đâu. Chị ngỡ ngàng nhận ra kẻ tung tin đồn đó chính là Đinh Công Tứa, em trai mình. Từ ngày chị Nhung đưa bé Chiến Thắng về nuôi, ngày nào Tứa cũng tụ tập rượu chè, rêu rao rằng chị gái đã đưa con ma rừng về ám gia đình anh.

Theo chị Nhung, em trai chị đồn thổi như vậy vì muốn chiếm đoạt phần đất đai mà bố mẹ khi qua đời để lại cho chị gái. Không chỉ vậy, từ khi chị đón Chiến Thắng về nuôi cũng có người đàn ông đến ngỏ ý muốn cùng chị Nhung chăm sóc bé nhưng Tứa đánh đuổi khiến cho người đàn ông đó không dám đến nữa.

Dù hoàn cảnh khó khăn, đau ốm liên miên nhưng chị nhất quyết không từ bỏ đứa bé. Dần dần, dân làng cũng cảm thông hơn với câu chuyện của chị.

Ông Đinh Trọng Thực, Bí thư Đảng ủy xã Phú Vinh
kể về trường hợp của bé Chiến Thắng.
Ông Đinh Trọng Thực, Bí thư Đảng ủy xã Phú Vinh kể về trường hợp của bé Chiến Thắng.

Trò chuyện với PV, Bí thư Đảng ủy xã Phú Vinh khẳng định: Những tin đồn về bé Đinh Chiến Thắng với biệt danh con “ma rừng” hay “thần chết” đều là thêu dệt. Từ khi phát hiện bé Chiến Thắng, chính quyền địa phương cũng như dân bản đã tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể để bé sớm hòa nhập với mọi người. Đừng gọi cháu bé là “ma rừng” hay “thần chết”, phải tội lắm. Bây giờ cũng không còn chuyện bà con xa lánh hay khinh miệt bé và gia đình chị Nhung”.

Chúng tôi tới thăm chị Đinh Thị Nhung, người nhận nuôi bé Đinh Chiến Thắng. Trong căn nhà ẩm thấp, người đàn bà ở tuổi ngoài 50 này cho biết: “Từ ngày đón cháu về nuôi có tiếng cười của trẻ nhỏ nên nhà cửa vui vẻ hẳn lên. Mặc dù hiện tại hai mẹ con gặp rất nhiều khó khăn do nhà neo người. Nhưng được bà con trong xóm luôn quan tâm giúp đỡ nên hai mẹ con cũng đỡ phần nào. Bây giờ chẳng còn ai đồn thổi không hay về cháu bé nữa”.

Giờ đây, không khí yên bình ở vùng quê này và tình thương của người dân xóm Ưng dành cho chị Nhung và bé Chiến Thắng đã trở lại…

Xuân vui vầy đến với xóm Ưng…

Từ ngày bé Chiến Thắng được mẹ nuôi nhận về, hai mẹ con chị Nhung phải sống trong cảnh khó khăn, thiếu thốn đủ bề. Cháu Chiến Thắng còn quá nhỏ nên chị Nhung phải bỏ việc nương rẫy để ở nhà chăm sóc con. Chị Nhung tâm sự: “Do dành dụm được ít vốn từ trước nên thời gian đầu hai mẹ con chị cũng đủ chi phí sinh hoạt. Về sau khó khăn hơn, có dạo cháu Thắng ốm tôi phải bán đi một số tài sản trong nhà để có tiền mua thuốc thang và sữa cho con”.

Nói đoạn, chị Nhung đưa tay lên quệt ngang dòng nước mắt trên khuôn mặt, chị tâm sự: “Mẹ đẻ cháu vì hoàn cảnh khó khăn nên vừa sinh cháu ra đã phải bỏ rơi giữa rừng vì không có điều kiện nuôi dưỡng. Giờ mà vì khó khăn, tôi phải bỏ cháu thì không đành. Thời gian đầu, do thằng bé khát sữa mẹ nên tôi phải đón mẹ đẻ cháu xuống chăm giúp một tháng. Nhà khó khăn nhưng cũng may bà con làng xóm thương tình giúp đỡ nên hai mẹ con cũng bớt cực. Đông về rét mướt, người thì cho cái áo cũ, người thì cho bát gạo, bắp ngô, mừng lắm. Từ khi có cháu Thắng nhà cửa lúc nào cũng vui”.

Bản thân chị Nhung không được may mắn như những người khác, hơn 50 tuổi mà vẫn chưa một lần kết hôn. Bé Đinh Chiến Thắng là niềm hạnh phúc vô bờ của chị.

Do hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nên chị Nhung đang được UBND xã Phú Vinh giới thiệu và hướng dẫn hoàn thành thủ tục để hưởng chính sách hộ nghèo theo quy định của nhà nước. Đây cũng là tâm nguyện mà chi hội phụ nữ cũng như các ban ngành đoàn thể trong xã mong muốn giúp đỡ để gia đình chị Nhung có thể vơi bớt khó khăn, ổn định cuộc sống.

Mặc dù đang đứng trước hoàn cảnh khó khăn nhưng chị Nhung rất lạc quan khi chia sẻ với PV rằng tết này sẽ rất vui. Chị bảo, mọi người trong xã hay đến thăm mẹ con chị. Người thì cho cháu Thắng bộ quần áo, người cho tấm bánh. Có người còn dặn Tết sẽ qua chơi và biếu hai mẹ con chị cho thêm ấm cúng. Chính quyền địa phương cũng rất quan tâm và trao quà Tết đến hai mẹ con. Đó là niềm hạnh phúc lớn lao mà mẹ con chị nhận được.

“Cũng chẳng biết sau này tôi già yếu có nuôi được cháu Thắng lớn khôn không. Nhưng dù khó khăn tôi cũng sẽ cố gắng để cháu được ăn học đàng, sau này bớt khổ. Bà con làng xóm cũng động viên, giúp đỡ hai mẹ con rất nhiều để cuộc sống tươi vui hơn”, chị Nhung tâm sự.

Cao Cường

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm