1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Cuộc sống mới của 10 cháu bé được giải cứu khỏi tay bọn buôn người

(Dân trí) - Không rõ tên tuổi, địa chỉ, sau khi được giải cứu khỏi tay bọn buôn người và được đưa vào Trung tâm Bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, những đứa trẻ được "mami" (mẹ) dạy lại tiếng Việt vì các em đều đang bập bẹ nói... tiếng Trung.

10 đứa trẻ được Bộ Công an đặt tên

15h45 chiều 26/11, trong cái giá rét đầu đông, chúng tôi có mặt tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh Quảng Ninh, thăm những đứa trẻ vừa thoát khỏi tay bọn buôn người đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại đây.

 


10 cháu bé được giải cứu khỏi tay bọn buôn người. 

Từ trái qua phải là Cộng, Hoà, Xã, Hội, Chủ, Nghĩa, Việt, Nam, Hùng, Mạnh.

10 cháu bé được giải cứu khỏi tay bọn buôn người.

Từ trái qua phải là Cộng, Hoà, Xã, Hội, Chủ, Nghĩa, Việt, Nam, Hùng, Mạnh.

Cộng, Hoà, Xã, Hội, Chủ, Nghĩa, Việt, Nam, Hùng, Mạnh là 10 cái tên của các cháu trai được các chiến sĩ Phòng Cảnh sát Phòng, chống tội phạm mua bán người và tội phạm liên quan trẻ em (Cục Cảnh sát hình sự, Bộ CA), phối hợp với CA Trung Quốc giải thoát khỏi tay bọn buôn bán trẻ em năm 2013, đang được nuôi dạy tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (tỉnh Quảng Ninh).

Cô Đỗ Thị Hải Yến, Trưởng phòng Giáo dục dạy nghề của Trung tâm, chia sẻ: Tháng 5/2013, trung tâm được Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45) của Bộ Công An bàn giao 10 cháu bé được giải cứu từ bên kia biên giới. Thời điểm đó, cháu nhỏ nhất mới 18 tháng tuổi, cháu lớn nhất 28 tháng tuổi. Hầu hết các cháu đều chưa biết nói. Có vài cháu biết bập bẹ mấy tiếng, nhưng là tiếng Trung Quốc.

 

te3-1448592974883

 Cháu Phạm Văn Hội chụp ảnh cùng phóng viên Dân trí.

Cũng theo cô Hải Yến, 10 cháu bé khi được đưa về Trung tâm, do không xác định được danh tính nên gọi chung là "Cộng" và xếp theo thứ tự tên "Cộng 1", "Cộng 2...". Sau đó, các cháu đã được những cán bộ của C45 (Bộ CA) đặt tên, lần lượt từ bé đến lớn là Cộng, Hòa, Xã, Hội, Chủ, Nghĩa, Việt, Nam, Hùng, Mạnh với đủ các họ Nguyễn, Phạm, Hoàng, Trần. “Phổng phao nhất hiện nay là cháu Mạnh, cháu được xem là thông minh nhất là cháu Cộng” – cô Hải Yến nói.

Mami Thanh Hà và cuộc vật lộn dạy tiếng Việt

Căn phòng rộng chừng 30m2, nền nhà lát gạch kê đủ 8 chiếc giường, ở giữa là khoảng trống dành cho các con sinh hoạt đó là ngôi nhà chung của 10 anh em Cộng, Hoà, Xã, Hội, Chủ, Nghĩa, Việt, Nam, Hùng, Mạnh.

Chị Vũ Thanh Hà cho biết, “ở đây các con vẫn gọi em là mami”.

Vừa bước vào ngôi nhà chung, 10 anh em lần lượt cất giày, dép lên rá rồi đồng loạt lột áo rét đưa cho mami Hà cất vào tủ. Thấy người lạ, cả 10 anh em ùa ra đón khách, đứa nào cũng bi bô gọi chúng tôi bằng bố, bằng mẹ. Điều đặc biệt các con không hề tỏ ra lạ lẫm mà lăn xả vào vòng tay chúng tôi. Cháu Cộng (Nguyễn Văn Cộng), có vẻ bé nhất đòi tôi bế lên tay và tỏ ra rất tinh nghịch...

te1-1448593482493

Bữa cơm của các bé chỉ là một khay cơm trộn với thịt băm, sau đó được chia ra từng bát để các bé tự xúc.

Thấy tôi đang ẵm trên tay em Cộng, cháu Phạm Văn Hội cũng lao đến nhảy lên đòi được bế và đòi được chụp ảnh.

Chị Hà bảo: “Ở đây các con không gọi bằng cô chú đâu anh ạ! Hễ thấy các bác trai thì chúng gọi bằng bố còn các cô thì gọi bằng mẹ. Bọn em ở đây chúng gọi bằng mami”.

Đến giờ ăn cơm, tất cả các con ngồi bệt xuống nền nhà lát gạch, dù được lau sạch sẽ nhưng khá lạnh. Không bàn ghế, chỉ có một khay nhôm hình chữ nhật bên trong là cơm trộn sẵn thịt băm được các mami bưng lên đặt giữa nhà.

10 đứa con quây xung quanh khay cơm, mỗi đứa được các mami xúc cho một bát cơm và tự ngồi xúc ăn. Thỉnh thoảng mami Hà lại phải nhắc: “Các con tập trung ăn, không được cười đùa lại bị sặc cơm”.

Đang ăn, bất ngờ Cộng quẳng vội bát cơm, kéo quần chạy thẳng ra nhà vệ sinh. Mami Hà lại phải lẽo đẽo theo sau.

Không chỉ có Cộng, những đứa trẻ khác đua nhau vừa ăn vừa đòi đi vệ sinh khiến các mami lúc nào cũng tất bật, vất vả.

te-1448592974835

Mami Hà và cháu Hoàng Tiến Hùng.

Mami Hà chia sẻ, thời gian đầu khi các con mới được tiếp nhận về Trung tâm, hầu hết các con còn chưa biết nói, con nào bập bẹ  nói thì toàn bằng tiếng Trung Quốc. Bất đồng ngôn ngữ khiến cho mami Hà cùng nhiều mami khác ở đây khổ sở dạy con mà con không hiểu. Nhiều lúc gọi con vào ăn cơm, con lại mang đồ chơi ra xếp…

Theo chị Hà, sau một thời gian được các mami ở Trung tâm kiên trì dạy tiếng Việt, giờ đây con nào cũng biết tiếng Việt nhưng chưa thạo hẳn.

Trong số 10 anh em, mami Hà đặc biệt chú ý đến Hoàng Văn Nam. Chị Hà cho biết, Nam là cháu bé rất hiếu động, học hành thông minh, yêu văn nghệ, rất thích múa hát.

Cùng chăm sóc các cháu ở đây, ngoài Hà còn có 2 mami khác. “Em thì chưa có gia đình, 2 chị còn lại đều đã lập gia đình, nhiều khi con ở nhà ốm đau còn phải “cầu viện” bên nội, bên ngoại trông con giúp để đến Trung tâm chăm các con. Nếu có việc, hay nghỉ ốm vài ngày lại thấy nhớ 10 anh em chúng nó lắm anh ạ!”, Hà chia sẻ.

Cô Đỗ Thị Hải Yến cho biết, ngoài 10 anh em Cộng, Hoà, Xã, Hội, Chủ, Nghĩa, Việt, Nam, Hùng, Mạnh là những trẻ sơ sinh bị các đối tượng buôn người đưa sang Trung Quốc và được giải cứu đưa về Trung tâm, thời gian qua, Trung tâm còn tiếp nhận 2 trường hợp khác cũng bị bọn người đưa sang Trung Quốc và được cơ quan chức năng giải cứu, là cháu trai M.Q.K. và cháu gái M.N.L..

Như vậy, hiện tại Trung tâm đang chăm sóc 12 trẻ em bị các đối tượng buôn người đưa sang Trung Quốc. Trong số đó cơ quan chức năng xác định có 2 em đã tìm được mẹ, nhưng oái oăm thay, cả 2 người mẹ này đều là tội phạm trong đường dây buôn bán trẻ em. Một trong số 2 người mẹ đó, một người đã mãn hạn tù còn một người mẹ vẫn đang bị thi hành án tại Trung Quốc.

Ngoài ra tại Trung tâm này còn đang nuôi dưỡng khoảng trên 400 cháu có hoàn cảnh đặc biệt như bị bỏ rơi, bại não, nhiễm HIV...

(Còn nữa)

Tuấn Hợp