Quảng Ninh:

Giải cứu 11 trẻ nhỏ, 4 trẻ sơ sinh khỏi tay bọn buôn người

(Dân trí) - Thông tin từ CATP Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), thời gian qua lực lượng chức năng đã giải cứu được 116 nạn nhân bị bán sang Trung Quốc nhằm mục đích phục vụ mại dâm. Ngoài ra có 11 trẻ nhỏ, 4 trẻ sơ sinh cũng được giải thoát khỏi các đối tượng buôn người.

 

Những đứa trẻ sau khi được giải cứu khỏi tay bọn buôn người.
Những đứa trẻ sau khi được giải cứu khỏi tay bọn buôn người.

Thông tin từ CATP Móng Cái cho biết, trong 5 năm qua, các đơn vị chức năng TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh phát hiện, bắt giữ 30 vụ, 46 đối tượng phạm tội mua bán người, giải cứu 40 phụ nữ, 11 trẻ nhỏ và 4 trẻ sơ sinh.

Công an TP Móng Cái phối hợp với các Đồn Biên phòng và Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận từ Cục Công an thị xã Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc 116 nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc.

Cơ quan chức năng TP Móng Cái và tổ chức Trẻ em Rồng xanh tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về bằng nhiều hình thức; tư vấn tâm lý, hỗ trợ kinh phí, bàn giao cho gia đình nạn nhân. Các nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn, không có nơi nương tựa được tạo điều kiện tham gia các lớp đào tạo nghề, hỗ trợ theo học tại bậc học khác nhau tạo điều kiện tốt nhất để các nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng.

Liên quan đến nạn mua bán trẻ em ở Quảng Ninh, ngày 29/6/2015, Công an TP Móng Cái nhận đơn trình báo của chị Đặng Thị Hằng Nga (SN 1968, trú tại thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) về việc con gái chị là Nguyễn Thị Như N. (SN 1996) bị lừa bán sang Trung Quốc.

Sau đó, gia đình chị Nga liên tục nhận được điện thoại của một người phụ nữ yêu cầu gia đình mang tiền ra TP Móng Cái chuộc người. Từ những thông tin do gia đình chị Nga cung cấp, bằng biện pháp nghiệp vụ, Công an TP Móng Cái xác định và bắt giữ được đối tượng liên lạc, đòi tiền chuộc của gia đình chị Nga là Lưu Thị Dung, (SN 1995, trú tại xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng).

Một trẻ sơ sinh được lực lượng CATP Móng Cái giải cứu.
Một trẻ sơ sinh được lực lượng CATP Móng Cái giải cứu.

Qua đấu tranh, Lưu Thị Dung thừa nhận và khai báo việc bán Nguyễn Thị Như N. cho một ổ mại dâm tại TP Sáo Châu (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) với số tiền 7.000 nhân dân tệ.

Công an TP Móng Cái trao đổi thông tin qua đường dây nóng và gửi thông báo hợp tác điều tra, đề nghị Cục Công an thị xã Đông Hưng phối hợp giải cứu. Đến ngày 3/7/2015, Công an TP Móng Cái phối hợp với Cục Công an thị xã Đông Hưng, Trung Quốc giửi cứu được N. đưa về Việt Nam.

Ngày 7/7/2015, Công an TP Móng Cái khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lưu Thị Dung về tội mua bán người và chuyển hồ sơ cho phòng CSĐT tội phạm về TTXH, Công an tỉnh Quảng Ninh giải quyết.

Ngày 24/8/2015, tại khu vực nhà văn hóa khu 2, phường Ka Long (TP Móng Cái), Công an TP Móng Cái bắt quả tang Lường Thị Hiền (quê quán tại Sơn La, lấy chồng và sống tại khu vực Vroong Phố, huyện Chắm Coong, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) đang bế một bé trai khoảng 1 tháng tuổi từ TP Móng Cái sang Trung Quốc giao cho người khác bán lại làm con nuôi. Qua đấu tranh, cơ quan CSĐT Công an TP Móng Cái ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Vương Thị Thành (SN 1971, HKTT tại xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội, hiện trú tại xã Thùng Chui, huyện Chắm Coóng, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) về hành vi mua bán trẻ em.

Ngày 25/8/2015, Cơ quan CSĐT Công an TP Móng Cái tiếp tục ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Hoàng Thị Thắm, SN 1990, trú tại phường Quỳnh Phương; Trương Văn Giáp, SN 1987, trú tại xã Quỳnh Lộc; Hoàng Thị Phương, SN 1972, trú tại phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An; về hành vi mua bán trẻ em.

Theo lực lượng chức năng, đối tượng phạm tội chủ yếu là phụ nữ Việt Nam lấy chồng Trung Quốc hoặc cư trú trái phép tại Trung Quốc. Trong đó, một số trước đây là nạn nhân bị mua bán câu kết với số đối tượng ở trong nội địa, đối tượng ở khu vực biên giới.

Nạn nhân thường là những người không có nghề nghiệp hoặc việc làm không ổn định, thu nhập thấp, kinh tế khó khăn, kém hiểu biết; số phụ nữ, trẻ em gái có lối sống buông thả, dễ dãi, thích ăn chơi, đua đòi; trẻ sơ sinh nam bị bỏ rơi...

Hầu hết các nạn nhân đều tự nguyện đi theo các đối tượng phạm tội. Một số trường hợp cưỡng ép nạn nhân qua biên giới, nơi mà nạn nhân không biết tiếng, không có quan hệ, không biết đường về...

Ngoài ra có những đối tượng đã lao động hoặc đang sinh sống tại Trung Quốc quay trở lại Việt Nam dụ dỗ, lôi kéo nạn nhân là những người nông dân có thu nhập thấp, kinh tế khó khăn, không có trình độ hiểu biết sang Trung Quốc lao động tại các nhà máy, nông trường với thu nhập cao.

Thực tế các nạn nhân này được đưa đi làm các công việc nặng nhọc, vất vả nhưng không được trả lương và không được ăn uống đầy đủ. Sau khi thu hoạch xong vụ mùa hoặc hoàn thành hợp đồng sản xuất, chủ lao động người Trung Quốc báo lực lượng chức năng bắt giữ, trao trả số lao động này về nước với lý do cư trú trái phép.

Qua khai thác thông tin từ các nạn nhân cho thấy có dấu hiệu của việc mua bán người nhằm mục đích lao động khổ sai tại các công, nông trường, nhà máy, xí nghiệp. Do không xác định được đối tượng môi giới, đối tượng chủ mưu lại cư trú tại Trung Quốc nên không xử lý được.

Trao đổi với PV Dân trí, Đại úy Nguyễn Quang Huy, Phó đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về TTXH, Công an TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, cho biết, Công an TP Móng Cái và Cục Công an thị xã Đông Hưng, Trung Quốc là hai đơn vị đầu mối giúp công an hai tỉnh trao đổi thông tin, hợp tác về phòng chống tội phạm mua bán người ở khu vực hai bên biên giới và giải cứu nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc.

Tuấn Hợp