Cuộc sống của hơn 300 công dân Sri Lanka sau khi thoát nạn trên biển
(Dân trí) - Sau 3 ngày được cứu khỏi con tàu trôi vô định ngoài khơi, hơn 300 công dân Sri Lanka đã vui vẻ, thoải mái sinh hoạt tại những nơi ở được bố trí tại Bà Rịa-Vũng Tàu.
Theo ghi nhận của PV Dân trí, tại trụ sở Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũ (TP Vũng Tàu) có 125 công dân Sri Lanka được hỗ trợ nơi ăn, chốn ở đủ đầy.
Cứ 6h30, 12h và 18h mỗi ngày, những công dân Sri Lanka xỏ dép tổ ong màu xanh bộ đội tự giác xếp thành hai hàng trước sảnh nhận những phần ăn. Trước đó khi gặp nạn trên biển, họ còn đi chân trần, không dám bước khỏi chiếc tàu sắp chìm...
Ngày 6/11, tàu cá Lady R3 xuất phát từ Myanmar, không lâu sau đã bị hỏng động cơ. Theo lời kể của những người gặp nạn, nước tràn vào tàu. Con tàu trôi dạt trong điều kiện thời tiết rất xấu tại vị trí cách mũi Vũng Tàu khoảng 258 hải lý về phía Đông Nam.
Gần 40 giờ lênh đênh trên biển, những người trên tàu chỉ còn một ít lương thực, mấy chai nước uống đục như nước bùn, tình trạng sức khỏe suy kiệt, tinh thần hoang mang...
Tại nơi ở được Ban Chỉ huy Quân sự TP Vũng Tàu bố trí, những công dân Sri Lanka cảm thấy an toàn và nhận được sự chăm sóc chu đáo. Đám trẻ nhỏ vô tư chạy nhảy, cười đùa...
Một số cán bộ chiến sĩ cho biết, tâm lý những công dân Sri Lanka này đã thoải mái hơn sau những ngày hoảng loạn. "Anh em mới mua chục bộ cờ vua. Họ đề xuất thích chơi môn này nên chúng tôi đi mua tặng họ luôn. Họ phấn khởi lắm", một cán bộ Ban Chỉ huy quân sự vui vẻ kể.
Đại diện Ban Chỉ huy Quân sự TP Vũng Tàu cho biết, đơn vị đã bố trí chỗ ở tại các phòng tập thể với giường tầng, chia theo từng gia đình. Trong phòng có quạt, đèn, chiếu, chăn, gối và nhà vệ sinh sạch sẽ...
Trong quá trình chăm sóc, đơn vị sắp xếp 2 cán bộ có thể giao tiếp bằng tiếng Anh túc trực liên tục, ngoài ra còn mời một số tình nguyện viên phiên dịch.
"Có một số người biết tiếng Anh, vì họ từng đi học ở Ấn Độ. Chúng tôi thông qua họ để trao đổi thông tin, nếu họ có nguyện vọng gì cứ việc nói với chúng tôi", chiến sĩ làm nhiệm vụ phiên dịch nói.
Theo đại diện ban chỉ huy quân sự, số nhân sự được cử đến hỗ trợ 125 người Sri Lanka là gần 20 người, gồm quân đội, y tế, đô thị, tình nguyện viên phiên dịch…
"Người Việt Nam rất tốt, họ cho chúng tôi nhiều thứ. Những người lính mang cho chúng tôi từng bữa ăn, còn có người dọn vệ sinh tận phòng. Chúng tôi rất cảm kích...", Visvaraduam (30 tuổi, lao động phổ thông) chia sẻ.
Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) thuộc Liên Hợp Quốc cũng có mặt tại 3 cơ sở người Sri Lanka đang lưu trú ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để hỗ trợ hơn 300 người này.
Ông Nguyễn Quốc Nam, đại diện IOM ở Việt Nam cho biết, các nhân viên của tổ chức phỏng vấn từng cá nhân để nắm thông tin nhân thân, hoàn cảnh, lý do rời đất nước, khó khăn họ gặp phải và nhu cầu, nguyện vọng của họ.
Chính quyền tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sắp xếp nơi ăn chốn ở cho hơn 300 công dân Sri Lanka tại 3 địa điểm: TP Vũng Tàu, huyện Đất Đỏ và Xuyên Mộc.
Theo Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Bộ Ngoại giao đã thông báo tới Đại sứ quán Sri Lanka tại Hà Nội và đang phối hợp hết sức chặt chẽ với một số tổ chức quốc tế, các cơ quan liên quan, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu triển khai các biện pháp hỗ trợ nhân đạo theo quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cũng cho biết, các lực lượng trên biển của Việt Nam đã nhiều lần cứu hộ, cứu nạn thành công các tàu nước ngoài gặp nạn trên các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.