1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Cuộc sống bất an nơi “vùng nổ mìn”

(Dân trí) - Ở dưới chân đèo Sao Mai (xã Hòa Bình, thị xã Kon Tum, tỉnh Kon Tum) này, để được sống một ngày không phải chịu tiếng mìn nổ rung chuyển thật khó. Không ngôi nhà nào không nứt toác, chẳng mấy ngày không có đá nổ văng tung tóe.

Ông Huỳnh Bá Bảy (58 tuổi) sống tại thôn 4 từ trước 1975, bức xúc nói: “Nhà tôi làm kiên cố thế mà bây giờ vách tường nứt khắp nơi. Tổng cộng có gần 40 vết dài ngắn khác nhau, vết dài nhất 1,5m”.

 

Cụ bà Nguyễn Thị Ngũ (82 tuổi) than vãn: “Có ngày nào mà họ không nổ mìn đâu. Người già như tui cứ mất ngủ liên tục mấy năm nay. Nhà cũng nứt toác cả”. Anh Đặng Mậu Thọ (27 tuổi), nhà sát cạnh cụ Ngũ, cho biết mỗi khi mìn nổ, đất ở đây lại rung lên như động đất, sau những cơn “địa chấn” đó là nhà nứt, đá “bay”, tường mái bong tróc,… rất nguy hiểm.

 

Đứng từ bãi đá dưới chân đèo Sao Mai, nhìn xuống thấy thôn 4 nằm lọt thỏm trong tầm bắn của đá. Ông Bảy cho biết, có lần ông đang làm vườn, bị một viên đá nặng nửa ký rơi sát chân; có nhà còn bị hòn đá to văng vào góc vườn, trên viên đá vẫn còn nguyên lỗ khoan của công nhân để bỏ thuốc nổ vào.

 

Theo lời ông Bảy, bãi đá này có từ năm 2002. Mỗi ngày công nhân cho nổ đá 2 lần, vào lúc 11 giờ trưa và 17 giờ chiều. Một lần nổ có từ 15-20 kíp nổ lần lượt nhau, tạo ra chuỗi âm thanh đùng đoàng liên tục khiến mọi người dân đều cảm thấy bất ổn tâm thần, đặc biệt là người già và trẻ em.

 

Anh Nguyễn Đức Hưng - công nhân bãi đá - nói: “Chúng tôi là người làm công ăn lương của chủ bãi đá Đinh Văn Nhân. Thường xuyên ở đây có 4 công nhân thay ca nổ mìn để lấy đá”. Anh Nhân cho biết, để lấy đá, các anh phải khoan lỗ sâu chừng 1,5m, bỏ thuốc nổ AD1 vào kèm theo kíp nổ. Trước đây mỗi lần nổ thường cho nhiều thuốc để có được nhiều đá, nhưng do dân phản ứng quá nên nay giảm xuống. Bình quân mỗi ngày khai thác được khoảng 200 khối đá.

 

Làm việc với xã Hòa Bình, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã, ông Huỳnh Tâm, thừa nhận: “Việc xí nghiệp nổ đá ảnh hưởng đến người dân thôn 4 là có. Người dân có phản ánh lên, chúng tôi đã cho công an xuống lập biên bản và yêu cầu chủ bãi đá phải bồi thường cho dân. Tuy nhiên, giải pháp lâu dài vẫn phải là cấp thị xã, cấp tỉnh, nơi có thẩm quyền cho phép khai thác…”.

 

Đại Hòa