1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Cuộc hồi sinh khó nhọc

Nước đã lìa chân đê, biển và gió lại hiền hòa như một ngư dân mộc mạc. Thế nhưng ở trên bờ, từng nổi tiếng là một vùng quê trù phú, thanh bình nay đã trở nên hoang tàn, đổ nát.

Giấu nỗi đau vào lòng, người dân xứ đạo Hải Hòa, Hải Hậu (Nam Định), một trong những nơi mất mát nhất của cơn bão số 7, trong những ngày này cứ bước vào cuộc sống, dẫu rằng cuộc sống trước mắt họ có quá nhiều khó khăn, thiếu, khổ...

 

Cơm chín - kín lều

 

Trong cảnh đổ nát, nhếch nhác bùn đất mà cơn bão ác nghiệt để lại là sự ồn ã, náo nhiệt khác thường của hàng đoàn người hối hả kín những con đường hướng ra phía biển. Tôi theo họ lên những triền đê vỡ lở đang ồn ào máy móc, xe cộ, quân đội, công nhân, gái trai già trẻ...

 

Hàng núi bao tải đất cát, hàng trăm tấn đá hộc trong rọ sắt đang được hàn vá thân đê. Anh Phạm Thanh Sơn, phó chủ tịch HĐND xã, nói: “Nhờ bộ đội Quân khu 3, chính quyền và nhân dân Hải Hòa cũng không có thời gian để đau khổ, than thở mà ngày đêm ra sức ngăn chặn nước mặn”. 170m đê tuyến hai bị vỡ, nay đã đắp xong phần xương. 900m đê biển cũng đang từng bước hàn vá.

 

Lực lượng quân đội luôn có mặt ít nhất 200 người, cùng hàng ngàn lao động địa phương và của 35 xã, thị trấn khác cũng có mặt 24/24 giờ để thực hiện nhiệm vụ này. “Đến nay (1/10) chúng tôi đã ngăn được tất cả các dòng nước mặn xâm nhập vào đồng. Phần khẩn cấp nhất đã làm xong” - anh Sơn nói.

 

Xuôi theo phía nam, tôi thấy một người đàn bà cặm cụi mò mẫm trong một vũng nước mênh mông. Vũng nước chạy lan tới khúc đê vỡ toác, xói sâu xuống tận chân nền. Cạnh đó là đống gạch vụn, chơ vơ một góc tường vỡ lẫn vài miếng gỗ của chiếc giường cũ cùng những mảnh áo quần nhàu ướt.

 

Tôi phải gợi chuyện mấy lần, cái nón mê rách mới được hất lên cùng ánh mắt thất thần, sâu trũng. Đó là bà  Nguyễn Thị Chung, 53 tuổi, người xóm Cồn Tròn, xã Hải Hòa. Hôm nay Trung Anh - con gái bà - đi học, còn bà vẫn cần mẫn từ sáng đến trưa mò mẫm trong đống đổ nát và dưới hố nước sâu nhặt những mảnh ngói, viên gạch còn có thể sử dụng.

 

Để làm gì vậy? Bà bảo tài sản không còn gì, trở lại cái hồi bà ôm con từ nhà chồng về đây (khi ông ấy qua đời), nhưng “trời vẫn còn dành cho mình đôi mắt sáng với hai bàn tay lành, mặc, nhặt những viên ngói, hòn gạch vỡ này để xây cái nhà khác”. Bà vẫn tin như thế dù chưa biết đến bao giờ...

 

Không mất mát nhiều như bà Chung, nhưng ở xã Hải Hòa này có tới 514 hộ dân bị tốc mái, sập bếp, đổ chuồng trại, hàng rào, cổng, cửa... Giờ đây, làng trên, xóm dưới kẻ giặm lại mái nhà, người xếp lại gạch đổ, dựng tạm cọc tre, căng mái bạt...

 

Khó hai bàn tay

 

Hất vành nón mê, ngửa mặt nhìn lên nền trời xanh ngắt, anh Trần Văn Bảy, người thôn Táo Khoai, nói trong ngao ngán: “Mọi năm được cái nắng này là cánh đồng ngập màu muối trắng...”. Dứt lời, Bảy cùng người em trai xách cào, cuốc, bình tưới xăm xăm lội ra bờ ruộng.

 

Cánh đồng Táo Khoai mênh mang một màu vàng đục, gợn lên những lớp bùn dày. Bảy nói: muốn làm ra những ống (bơ) muối có thể bán được thì phải rửa sạch từng hạt cát, cọng lá… Dưới cái nắng chói lói, hai anh em hòa vào cánh đồng nhấp nhô từng chiếc nón của những diêm dân cùng cảnh. Họ không nói gì. Người múc nước, người dùng xẻng, cào đẩy nhẫn nại và lặng lẽ. Nhìn mảnh sân phơi, máng, rãnh, nề... ngập ngụa như bãi lầy, tôi không biết bao giờ họ mới kết thúc công việc của mình.

 

Anh Sơn, công an xã Hải Hòa, bảo: “Quê tôi có bốn nguồn thu lớn, đó là làm muối, trồng cây cảnh, nuôi thủy sản và làm ruộng. Bão tàn phá gần như toàn bộ hạ tầng và vốn liếng của họ. Trồng cây cảnh là thiệt hại nhất...”, rồi anh đưa chúng tôi đến một vườn sanh úa lá, trơ cành ở giữa thôn.

 

Bên vườn một thanh niên cứ thẫn thờ trước những gốc sanh đã ngấm mặn úa rũ từng mảng lá mà trước đây nó đã được khum vòm, tỉa nhánh, cắt gốc rất công phu. Anh là Nguyễn Văn Đản, 33 tuổi, và đã hơn 10 năm đầu tư tiền của, công sức cho vườn sanh này. Đản phàn nàn: trước ngày bão có người hỏi mua 10 cây. Cây đẹp nhất đã trả tới 7 triệu đồng nhưng anh chưa bán.

 

Nay thì anh đang cố “chạy chữa” cho chúng chỉ mong bán lấy vài trăm ngàn một gốc. Cách chữa là cắt bớt cành lá, lấy nước ngọt rửa gốc rễ cho từng cây. Đản nói: “Hoàn toàn tự nghĩ ra ấy mà”. Nhưng chẳng lẽ bỏ đấy! 80% số hộ của xã đều trồng sanh. Nay gặp nạn, mỗi người đều cố xoay một cách mong vớt vát phần nào.

 

Những hộ nuôi thủy sản thì gần như mất trắng vốn liếng. Tiền đầu tư của cả xã lên đến gần chục tỉ đồng nên hầu hết ai cũng phải vay ngân hàng. Trần Văn Sơn, chủ đầm cá lớn nhất thôn Táo Khoai trị giá 160 triệu đồng, nay chỉ còn tấm lưới rách và vài cây luồng vỡ.

 

Anh đã bán nhà và đưa vợ con ra đầm này ở ba năm nay. Đang bắt đầu thu vốn thì gặp bão. Sơn buồn nhiều nhưng anh biết mình sẽ vẫn phải đắp đập, xây bờ và trở lại với vuông đầm đó. Còn lãnh đạo xã đang trông chờ phương án khắc phục tuyến đê biển có hàng kilômet vỡ tận chân nền. Rồi nước sạch, dịch bệnh, trường học, giao thông, điện lưới... Bao nhiêu lo toan, khó nhọc nhưng Hải Hòa không thể ngồi oán trách ông trời.

 

Theo Quang Thiện
Tuổi trẻ