Vụ cô gái hơn 10 năm bị hành hạ:
Cuộc hội ngộ gia đình… dè dặt vui
(Dân trí) - Người thân đầu tiên mà Bình gặp lại sau 13 năm “đày thân” tại hàng phở không phải dì, cũng chẳng phải người bác mà em còn nhớ đôi chút. Bình bất ngờ khi biết mình có một cậu em trai ruột trong cuộc hội ngộ gia đình đầy dè dặt, ngỡ ngàng tại Công an quận Thanh Xuân.
Chị không nhớ mặt cha, em chưa biết mặt mẹ
Mũi tìm kiếm tung tích, nguồn gốc gia đình cho Nguyễn Thị Bình được triển khai với chỉ một “nhúm” thông tin chắp nối được trong ký ức của em về một người bác ở huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), người mẹ tên Nguyễn Thị Quảng đã lưu lạc hơn chục năm nay.
Việc tìm kiếm chỉ bất chợt đến đích khi người bác của Bình và gia đình xem truyền hình (tối 8/11) về câu chuyện của em, nhận ra cháu và lập tức liên lạc với Công an huyện Vĩnh Tường.
Mảnh giấy khai sinh bất ngờ tiết lộ danh phận thật mà chính bản thân Bình cũng còn chưa biết. Tờ giấy khai sinh do ông ngoại em khai với cái tên Nguyễn Thị Thông, sinh năm 1983, mẹ Nguyễn Thị Quảng. Dòng thông tin về người cha bỏ trống. Không biết cái tên Hữu em “tự điền” cho người cha có còn đúng sau quá nhiều thay đổi bất ngờ như thế.
Những người tìm đến Bình “nhận họ” có một người bác rể, một người anh họ và đặc biệt có một cậu em trai cùng mẹ khác cha, tên Lê Văn Kiến (SN 1984), kém Bình 1 tuổi.
| |
Ông Phan Văn Đồng, bác |
Cô gái không thể nhận ra người nào trong gia đình mình. Những người thân cũng hoàn toàn bỏ qua em nếu không được giới thiệu, chỉ từ xa. Giáp mặt lần đầu tiên, những người từ xa tới ngỡ ngàng nhiều hơn là ý thức về niềm vui. Còn Bình, em vẫn chỉ im lặng, mắt nhìn từng người dò xét.
Cậu em trai dù chắc đã chuẩn bị tâm lý, đã xem đi xem lại đoạn phim đã chiếu trên truyền hình, nhìn nhiều lần hình chị trên báo vẫn đứng gần như “chôn chân”. Không ai trong 2 chị em phá vỡ khoảng cách, bước lại nhận nhau. Cậu em ngồi ở góc bàn chênh chếch chỗ Bình, kiệm lời, chỉ đôi lần ngước mắt nhìn người chị ruột chưa một lần gặp mặt.
Không khí nhiều phần ngậm ngùi hơn là niềm vui đoàn tụ. Bình nói nhỏ, ý giải thích, em thấy mọi người đều lạ, không có ý niệm nào vì từ xưa tới nay chưa hề biết mặt ai. Chỉ có người bác rể (ông Phan Văn Đồng, 60 tuổi) kể lại câu chuyện gia đình với những giọt nước mắt xúc động.
Câu chuyện bắt đầu từ người mẹ của Bình, cô em vợ Nguyễn Thị Quảng có quan hệ với một người đàn ông đã có vợ và sinh ra Bình ngày 18/2/1983, đặt tên là Nguyễn Thị Thông. Cha Bình vì nhiều lý do nên chưa dám nhận con.
Một năm sau, chị Quảng lại bước chân vào phận đời làm lẽ với một người đàn ông đã có vợ hơn chị rất nhiều tuổi, lập gia đình từ lâu nhưng không có con. Sang năm 1984, chị sinh một cậu con trai đặt tên là Lê Văn Kiến.
Nhưng rồi cuộc sống làm lẽ cũng có nhiều mâu thuẫn, chị Quảng quyết định rời bỏ gia đình nhà chồng, gửi Bình về nhà ngoại rồi xuống Hà Nội làm thuê. Khi chị Quảng đi, cậu bé Kiến mới có 9 tháng tuổi. Vậy là hai chị em, đến giờ Bình không rõ mặt cha còn cậu em cũng không biết mặt mẹ.
Dứt áo, bỏ cả hai chị em “trứng gà trứng vịt” đi miết, gần 10 năm sau (1993), chị Quảng mới quay về mang theo Bình đến nhà Đức - Phương giúp việc hàng quán. Chưa đầy một năm sau, chị Quảng đã phải bỏ vợ chồng ông bà chủ hàng phở ra đi, để lại cô bé Bình 10 tuổi bắt đầu cuộc sống một mình nơi “địa ngục”.
3 năm sau, người mẹ có quay về định đón con gái nhưng vợ chồng Đức - Phương không chịu trả cô bé, chị lại đành để con lại ra đi. Theo người bác rể của Bình, chị Quảng đã lưu lạc sang Trung Quốc sau lần quay lại đó và những người thân ở quê vẫn đinh ninh ra đi lần này, chị đã đưa con gái đầu theo.
Đường về quê rộng mở
Trong buổi nhận mặt người thân, gia đình Bình tỏ ý sẵn sàng đón em về nhà. Đại diện các ban, ngành huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) cũng hứa sẽ hết sức tạo điều kiện và giúp đỡ Thông (tên thật của Bình) nếu em trở về địa phương.
| |
Lê Văn Kiến, người em |
Cậu em Lê Văn Kiến khuôn mặt mỗi lúc càng có vẻ trầm tư. Kiến cứ xoay xoay mãi chén nước, di đi di lại trên mặt bàn, dường như buồn nhiều vì vẻ hơi xa cách, bình thản, ít thể hiện tình cảm của người chị.
Cậu kể, từ lâu đã nghe mọi người nói mình có một người chị gái, hiện lưu lạc tại Thanh Xuân, Hà Nội. Năm 2006, Kiến xuống Hà Nội phụ hồ đã không dưới 5 lần cậu đã về khu vực Thanh Xuân để tìm chị nhưng quả thực, giữa phố phường như nêm người, việc đó không khác nào "mò kim đáy bể".
Cậu em trai dè dặt chuyển lời cho người chị ruột lần đầu tiên gặp mặt, cậu đã thỏa lòng mong ước được gặp chị, rất động viên chia sẻ với chị. Nếu Bình đồng ý, cậu muốn được đưa chị về sống cùng.
Cũng trong buổi hội ngộ gia đình của Bình, bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của QH đã có mặt, chia vui, tặng quà cho em. Bà Mai cũng cho biết sự quan tâm của các đại biểu quốc hội với vụ việc của Bình.
Bà Mai cũng tỏ ý mong muốn Bình sẽ được thăm khám để chữa trị vết thương cũng như các sang chấn tâm lý. Về tương lai của em, những người thân, các cơ quan và mọi người thống nhất sẽ để em quyết định, nhưng người lớn phải có trách nhiệm tư vấn giúp em.
Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội của QH gợi mở việc đến nay đã có nhiều nhà hảo tâm, các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị xã hội nhận giúp đỡ Bình bằng cách lo cho em học hành, sắp xếp công việc.
P.Thảo