DMagazine

Cuộc gặp lịch sử và chuyện hậu trường chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư

(Dân trí) - Nhiều chuyện hậu trường thú vị, nhiều sự kiện đặc biệt trong quan hệ Việt - Mỹ đã được Đại sứ Phạm Quang Vinh chia sẻ với Dân trí nhân kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Cuộc gặp lịch sử và chuyện hậu trường chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư - 1

25 năm trôi qua, bỏ lại đằng sau nhiều nghi kỵ và hận thù, quan hệ hai nước đã bước sang một trang hoàn toàn mới trên tất cả các lĩnh vực. Nhiều người gọi bước tiến trong hai quan hệ hai nước là "thần kỳ", nhưng chắc chắn mọi điều không đến từ ngẫu nhiên.  Nhìn lại những chặng đường đã qua, ông ấn tượng với điều gì nhất trong quan hệ Việt - Mỹ?

 25 năm qua, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã trải qua chặng đường dài từ thù địch, bình thường hóa quan hệ rồi trở thành đối tác toàn diện. Cho đến nay, cả hai nước đã đạt được những thành tựu vượt bậc trên tất cả mọi lĩnh vực, từ chính trị, ngoại giao, kinh tế thương mại, đến an ninh quốc phòng, giáo dục, y tế, du lịch... Điều mà vào thời điểm những năm 1990 rất ít người có thể hình dung ra được.

Đó là chặng đường vượt qua đau thương chiến tranh, cấm vận thù địch, nghi kị, để cùng nhau xây dựng mối quan hệ phát triển với những thành tựu vượt bậc.

Chỉ tính riêng về kim ngạch thương mại song phương của Việt Nam và Hoa Kỳ, sau 25 năm đã tăng lên 160 lần, từ mức chưa đầy 500 triệu USD năm 1995 lên 77,5 tỷ USD vào cuối năm 2019. Đầu tư của Mỹ tại Việt Nam hiện đứng thứ 11.

Tôi cho rằng, sẽ là không quá lời khi nói rằng, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã chứng kiến những bước phát triển phi thường. Tuy nhiên, mọi thứ không đến từ ngẫu nhiên. Đó là cả một quá trình dài với sự nỗ lực và quyết tâm mạnh mẽ từ cả hai phía.

Đó là một Việt Nam muốn "gác lại quá khứ, hướng tới tương lai", một nước Mỹ phải vượt qua hội chứng chiến tranh, nhìn nhận một nước Việt Nam độc lập và đang vươn lên mạnh mẽ trong khu vực. Có thể nói, nền tảng để tạo nên mối quan hệ hợp tác sâu rộng này, trước hết, chính là sức mạnh của lòng tin và sự tôn trọng lẫn nhau.

Cuộc gặp lịch sử và chuyện hậu trường chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư - 2

Quan hệ Việt - Mỹ được đánh dấu bằng nhiều chuyến thăm cấp cao giữa lãnh đạo hai bên. Trong đó, chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ tháng 7/2015, sau 40 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam và đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao được báo chí thế giới đánh giá là cuộc gặp gỡ lịch sử…

Nhìn lại càng thấy rõ hơn, điểm nổi bật trong quan hệ hai quốc gia là các chuyến thăm cấp cao thường xuyên giữa hai nước. Cả 4 Tổng thống Mỹ gần đây đều đã thăm Việt Nam, từ chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Bill Clinton (năm 2000), sau đó là các chuyến thăm của Tổng thống George Bush (năm 2006), Barack Obama (năm 2016) và Donald Trump, Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam trong năm đầu nhiệm kỳ.

Việt Nam cũng có các chuyến thăm của Thủ tướng Phan Văn Khải (năm 2005), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (năm 2007), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (năm 2008) và của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (năm 2013) - khi hai bên thông qua tuyên bố về thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện.

Đặc biệt, năm 2015 là chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chuyến thăm Mỹ đầu tiên của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tiếp đó, tháng 5/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên thăm Mỹ thời Tổng thống Donald Trump…

Cuộc gặp lịch sử và chuyện hậu trường chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư - 3

Được biết, công tác chuẩn bị cho chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ đã được các cơ quan hữu trách của hai nước chuẩn bị từ nhiều năm trước, vượt qua rất nhiều trở lực?

Từ năm 2012, phía Mỹ đã chuyển đến Việt Nam lời mời Tổng Bí thư ta thăm Mỹ, tuy nhiên khi đó còn nhiều vấn đề, trong đó có về thủ tục, lễ tân, tiếp đón... nên vẫn chưa thể khớp nối với nhau ngay được. Tôi được trao quyết định bổ nhiệm là Đại sứ Việt Nam tại Mỹ vào tháng 7/2014 nhưng đến tháng 11/2014 mới chính thức sang Mỹ nhận nhiệm vụ.

Năm 2015 là năm đánh dấu 20 năm quan hệ Việt - Mỹ, là một chặng đường dài trong quan hệ hai nước. Vì thế, chắc chắn nhiệm kỳ này có rất nhiều việc phải làm, nhất là câu chuyện về chuẩn bị các chuyến thăm cấp cao.

Vì vậy, khi nhận nhiệm vụ Đại sứ, đây là ưu tiên rất cao của đại sứ mới, với nhiều cuộc gặp gỡ các quan chức chủ chốt phía Mỹ.

Giữa tháng 2/2015, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có cuộc điện đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, truyền đạt thông điệp và thay mặt chính quyền Tổng thống Obama mời Tổng Bí thư nước ta sang thăm. Đến đầu tháng 5/2015, Nhà Trắng thông báo ngày giờ, chương trình. Chuyến thăm đã diễn ra vào tháng 7/2015, vượt qua các khác biệt, rào cản về thủ tục, lễ tân thông thường.

Cuộc gặp lịch sử và chuyện hậu trường chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư - 4

Hai nhà lãnh đạo cao nhất của hai nước đã từng đối đầu và có chế độ chính trị khác nhau, Tổng Bí thư  Nguyễn Phú Trọng cùng Tổng thống Obama hội đàm và gặp gỡ báo chí tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng. Đây là một điều rất đặc biệt bởi từ trước đó, nước Mỹ chưa từng có tiền lệ đón tiếp người đứng đầu một đảng với các nghi lễ như vậy.

Đúng như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khi mở đầu hội đàm: Cách đây 20 năm, không ai có thể hình dung tại Nhà Trắng diễn ra cuộc gặp thú vị giữa Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam và Tổng thống Hoa Kỳ.

Điều đặc biệt còn ở chỗ, cùng Tổng thống Barack Obama tiếp Tổng Bí thư, còn có Phó Tổng thống Joe Biden, Cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice, Bộ trưởng Tài chính Jack Lew và Đại diện Thương mại Micheal Froman. Phó Tổng thống Joe Biden chủ trì tiệc chiêu đãi với hơn ba trăm quan khách hai phía dự.

Ban đầu chương trình hội đàm và họp báo dự kiến chỉ 60 phút, nhưng hai nhà lãnh đạo đã có cuộc trao đổi xây dựng, chân tình và thẳng thắn kéo dài đến 90 phút. Đây cũng là một ngoại lệ, vì thông thường, lịch các cuộc hội đàm của các nhà lãnh đạo cấp cao các nước đều rất sát sao về mặt thời gian.

Cuộc gặp lịch sử và chuyện hậu trường chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư - 5

Tôi còn nhớ, chuyến thăm của Tổng Bí thư và cuộc gặp với Tổng thống Obama được dư luận Mỹ hết sức quan tâm. Hình ảnh về "cái bắt tay lịch sử" giữa Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam và Tổng thống Mỹ tại Phòng Bầu Dục, Nhà Trắng đã được đăng tải nổi bật và trên trang nhất của nhiều báo chí, hãng thông tấn lớn.

 Một ngày trước chuyến thăm, Thượng Nghị sỹ John McCain đã ra Tuyên bố chào mừng và ông chính là người đầu tiên dùng chữ "lịch sử" để nói về chuyến thăm này. Tuyên bố tầm nhìn quan hệ hai nước được hai nhà lãnh đạo thông qua dịp này. Báo chí sau đó cũng đồng loạt đưa tin, gọi đây là chuyến thăm lịch sử.

Chuyến thăm thực sự là một dấu mốc, không chỉ với quan hệ hai nước, mà còn thể hiện sự tôn trọng cao nhất, đầy đủ nhất của phía Mỹ đối với thể chế chính trị của Việt Nam và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Cuộc gặp lịch sử và chuyện hậu trường chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư - 6

Cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 đã tạo ra bất ngờ với thế giới và rất nhiều người Mỹ. Việc Tổng thống Donald Trump thắng cử với khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết" đã đặt ra câu hỏi gai góc cho giới nghiên cứu chính sách: nước Mỹ sẽ điều chỉnh mối gắn kết với thế giới như thế nào? Thời điểm đó, chúng ta đã chọn phương án tiếp cận nào với chính quyền mới của nước Mỹ, thưa ông?

Nhìn lại cuộc bầu cử của Mỹ tháng 11/2016, việc ông Donald Trump thắng cử Tổng thống thứ 45 có thể coi là bất ngờ lớn. Trước đó, các cuộc thăm dò dư luận hay dự báo chung của nước Mỹ, từ các chính trị gia, các doanh nghiệp, đến đa số người dân Mỹ đều tin rằng cửa thắng cử của bà Hillary cao hơn rất nhiều.

Rõ ràng, câu chuyện đã đảo ngược hoàn toàn vào đêm 8/11. Quá trình bàn giao cũng khác biệt. Theo luật, khi ông Donald Trump thắng cử, nước Mỹ có khoảng 2 tháng (từ tháng 11/2016-1/2017) để chuyển giao và tiếp quản các công việc giữa nhóm đại diện của ông Trump và ông Obama.

Nhưng khác với những Tổng thống Mỹ khác, ông Donald Trump tranh cử nhiều hơn bằng các khẩu hiệu như "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại", chứ không theo cương lĩnh chính sách, cũng chưa có khung nhân sự sẵn sàng cho chính phủ mới, nên khó cho cả dự báo chính sách và tiếp cận nhân sự.

Chính vì thế, vào đêm ông Trump đắc cử, hàng loạt câu hỏi được đặt ra, cả về đối nội và đối ngoại, về chính sách của Mỹ với các nước, với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Ngoại trừ Nhật, đồng minh của Mỹ, rất chủ động tiếp cận chính quyền mới, đa phần các nước

Cuộc gặp lịch sử và chuyện hậu trường chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư - 7

còn lại, kể cả ASEAN và nhiều quốc gia đồng minh của Mỹ vẫn mang tâm lý là "chờ thêm một chút" để rõ thêm các chính sách đối ngoại của nước Mỹ thời chính quyền mới.

Với Đại sứ quán ta ở Mỹ, sau khi ông Donald Trump đắc cử, ta cũng đã cử người tiếp cận các nhóm chuyển giao của Tổng thống mới, như ở Bộ ngoại giao và Hội đồng an ninh quốc gia, nhưng họ cũng không nắm được thông tin. Trong cái khó đó, Đại sứ quán đã chủ động đề xuất với trong nước, cách tốt nhất với ta là tiếp cận trực tiếp với tân Tổng thống Mỹ.

 Chúng tôi suy nghĩ rằng, nước Mỹ là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, vậy thì dù ai nắm quyền, vẫn cần duy trì cho được đà quan hệ và hợp tác. Điều này có lợi cho cả hai nước. Do đó, ta cần chủ động, dù chính quyền mới có thể có những ưu tiên khác, có "đặt nước Mỹ lên trên hết", thì chúng ta cũng muốn sẵn sàng cùng bàn, cùng tìm ra những điểm song trùng và đề ra các hướng đi nhằm tiếp tục phát triển quan hệ.

Chủ động tiếp xúc và liên hệ mạng lưới bạn bè ở cả hai đảng, trong giới doanh nghiệp, giới

chính trị, các nghị sĩ, hay học giả, Đại sứ quán đã trực tiếp bố trí được cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống đắc cử Donald Trump vào ngày 14/12/2016. Tức là từ rất sớm, chỉ 1 tháng sau bầu cử và còn hơn 1 tháng trước khi ông Trump chính thức nhậm chức Tổng thống.

Đây là cuộc điện đàm có rất nhiều ý nghĩa, không chỉ vượt qua thông lệ và sự chúc mừng thông thường, mà thực sự đã kết nối với chính quyền mới và tạo đà tiếp tục cho quan hệ, hợp tác phát triển giữa hai nước.

Về phần mình, đây cũng là lần đầu tiên có một cuộc điện đàm chúc mừng Tổng thống Mỹ đắc cử từ phía Việt Nam. Chính cuộc điện đàm đã là cơ sở để thúc đẩy và chuẩn bị cho chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Mỹ vào tháng 5/2017, chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo cấp cao khu vực Đông Nam Á thời kỳ Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Cuộc gặp lịch sử và chuyện hậu trường chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư - 8
Cuộc gặp lịch sử và chuyện hậu trường chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư - 9

Theo ông, quan hệ Việt - Mỹ sẽ thay đổi, phát triển ra sao sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11/2020? Ông kỳ vọng gì vào điểm đột phá trong chặng đường tiếp theo?

Có thể thấy, quan hệ hai nước Việt-Mỹ đã có gốc rễ phát triển trong nhiều năm qua, đây sẽ là nền tảng tạo đà cho mối quan hệ này tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Nhìn lại, dù dưới thời Tổng thống thuộc đảng Dân chủ hay Cộng hòa thì quan hệ Việt-Mỹ vẫn luôn được sự ủng hộ chung và không ngừng phát triển, trên bình diện song phương, cũng như về các vấn đề khu vực và quốc tế.

Mỹ là đối tác thương mại hàng đầu, nhà đầu tư lớn, là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Nước Mỹ cũng rất coi trọng một Việt Nam đổi mới, hội nhập, phát triển và có vị thế ngày càng cao ở khu vực.

Các tập đoàn lớn của Mỹ cũng rất coi trọng đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam, một thị trường gần trăm triệu dân, có môi trường thuận lợi và cạnh tranh. Hàng năm, có trên 1 triệu lượt người Mỹ đến thăm, du lịch Việt Nam.

Quá trình tiến tới bình thường hóa quan hệ, rồi trở thành đối tác và đối tác toàn diện của hai nước có sự hiểu biết, xây dựng lòng tin, tôn trọng và song trùng lợi ích. Dù mỗi Tổng thống Mỹ có thể có những mối ưu tiên và cách tiếp cận khác nhau, nhưng tôi cho rằng, Mỹ sẽ luôn đặt ưu tiên cao và không thể bỏ qua khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có vị trí, vai trò quan trọng của Việt Nam.

Nếu nhìn bao quát danh sách đối tác toàn diện và chiến lược của Việt Nam với các nước, thì chắc chắn quan hệ Việt - Mỹ xứng đáng ở cả tầm chiến lược và toàn diện.

Cuộc gặp lịch sử và chuyện hậu trường chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư - 10

Thời điểm hiện nay, chúng ta đang chứng kiến nhiều diễn biến mới, phức tạp trong quan hệ giữa các nước lớn. Nhiều chuyên gia, chính khách ngoại giao bằng cách này cách khác đã nói về "cái bẫy cạnh tranh nước lớn". Vậy những điều này sẽ tác động ra sao tới Việt Nam, thưa ông?

Rõ ràng quan hệ giữa các nước lớn, nhất là Mỹ-Trung đã và đang có những diễn biến rất phức tạp, lòng tin chiến lược xuống thấp và cạnh tranh ngày càng gia tăng trên tất cả các mặt. Đơn cử, cuộc chiến thương mại-công nghệ Mỹ-Trung trong mấy năm qua cũng đã tác động không nhỏ tới kinh tế, thương mại của thế giới và các nước. Điều này đặt ra nhiều thách thức không chỉ cho Việt Nam mà cả khu vực và thế giới.

Cuộc gặp lịch sử và chuyện hậu trường chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư - 11

Trong bối cảnh đó, ứng xử của chúng ta càng cần dựa trên nguyên tắc và lợi ích quốc gia. Trước hết, chúng ta càng phải đẩy mạnh chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, coi trọng phát triển quan hệ và hợp tác với cả hai nước.

Ta cũng như các nước ASEAN khác đều không muốn bị đẩy vào bẫy cạnh tranh nước lớn hay bị buộc phải chọn bên, mà muốn quan hệ tốt với cả hai đối tác quan trọng này.

Đồng thời, hơn bao giờ hết, càng lúc này càng cần phải đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế, xây dựng lòng tin và trật tự dựa trên luật lệ. Nước lớn nước nhỏ đều phải tuân thủ luật pháp quốc tế. Đây cũng chính là căn cứ để nói lên cái đúng cái sai.

Chúng ta cũng cần tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương, bác bỏ cường quyền hay chủ nghĩa bảo hộ, vì có nhiều vấn đề đang đặt ra, đòi hỏi các nước phải chung tay và tăng cường hợp tác, như về đại dịch Covid-19 hay các thách thức an ninh khác.

Mặt khác, cục diện thế giới và khu vực, tuy diễn biến phức tạp, nhưng cũng hàm chứa cả cơ hội và thách thức đan xen. Chẳng hạn, ở khu vực, xu hướng hợp tác và hội nhập tiếp tục phát triển - đây là điều chúng ta ủng hộ, càng cần đẩy mạnh, nhất là các nỗ lực liên kết, xây dựng cộng đồng và vai trò trung tâm của ASEAN.

Tiếp đó là sự chuyển dịch các chuỗi cung ứng toàn cầu và sự phát triển của công nghệ, cũng chính là các cơ hội mà chúng ta cần tranh thủ, mà muốn tranh thủ được thì phải chuẩn bị và nâng cao năng lực. Lúc này cũng là cơ hội để chúng ta đa dạng hóa quan hệ, bao gồm cả đa dạng hóa các chuỗi cung ứng và hướng tới có một vị trí tốt hơn, bền vững hơn trong các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Trong câu chuyện Biển Đông cũng vậy, cần phải đề cao các nguyên tắc về hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước luật biển. Theo đó cần phải cùng công luận, phê phán những hành vi vi phạm, làm phức tạp tình hình, xâm phạm các vùng biển hợp pháp của các nước.

Cốt lõi là phải dựa vào lợi ích quốc gia, lợi ích khu vực và luật pháp quốc tế để khẳng định lập trường của mình, nói lên cái đúng cái sai, không né tránh. Càng lúc này, càng phải căn cứ vào luật pháp quốc tế và lợi ích quốc gia.

Xin cảm ơn ông!