Nghệ An:
Cuộc đời đớn đau của cựu chiến binh “tối đâu là nhà, ngả đâu là giường”
(Dân trí) - Từng là lính công binh trong chiến tranh kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông trở về quê hương trong cảnh cô đơn không người thân thích.
Hăng hái theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc
Ông Trương Văn Mát, sinh năm 1947, ở xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An, sớm gặp cuộc sống bất hạnh, phải ở cùng chị gái khi mồ côi cả cha lẫn mẹ.
Cũng như bao thanh niên khác trong thời chiến, tháng 1/1972, ông lên đường nhập ngũ tham gia kháng chiến chống Mỹ. Cùng đi với ông Mát, là 7 thanh niên khác cùng xã.
Do ám ảnh bởi chiến tranh, bất hạnh trong cuộc sống, ông Mát xuất hiện dấu hiệu mắc bệnh thần kinh nhẹ như ít nói, hay đi một mình lang thang. Tuy vậy, ông vẫn biết đi làm thuê và chủ yếu sống nương tựa vào sự che chở của bà con lối xóm.
Nói đến đồng đội của mình, ông Nguyễn Văn Trạm, 65 tuổi, cựu chiến binh xã Nghĩa Lâm vẫn nhớ như in những ngày tham gia quân ngũ: “Ngày đó, tui với ông Mát, cùng nhiều thanh niên khác trong xã đều lên đường nhập ngũ. Cùng được biên chế trong một đơn vị, chúng tôi làm nhiệm chủ yếu ở địa bàn từ Quảng Bình đến Quảng Trị. Những năm đó, chiến tranh gay go ác liệt lắm, dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù, chúng tôi liên tục mở đường để chi viện cho chiến trường chuẩn bị giải phóng miền Nam. Tôi với Mát cùng Tiểu đội nên gần như lúc nào cũng ở bên nhau. Hồi đó có lần anh ấy bị sức ép của bom làm cho ngất đi. Đáng lo nhất là thời gian Mát bị lạc đơn vị mất gần 3 tháng mới tìm về được. Rồi ngày đất nước thống nhất, chúng tôi cùng trở về địa phương với nhau. Câu chuyện chúng tôi đi bộ đội thì cả xã này ai cũng biết. Nhưng giờ thấy thương nó quá, cứ đi lang thang nay đây, mai đó”.
“Tối đâu là nhà, ngả đâu là giường”
Những năm gần đây, khi tuổi đã cao, sức khỏe giảm sút, căn bệnh của cựu chiến binh Trương Văn Mát trở nên nặng hơn. Ông không thể lao động, không còn ở cố định một chỗ mà cứ đi lang thang khắp xã, tối đâu là ngủ ở đó với màn trời chiếu đất. Thấy cảnh khốn cùng của cựu binh Mát, chính quyền địa phương, bạn bè, bà con lối xóm muốn giúp đỡ ông cũng đành bất lực vì ông cứ đi lang thang chỉ giúp được ông bữa ăn, chén nước.
“Trước hết, tôi xin khẳng định ông Mát đúng là cựu chiến binh của địa phương đã từng tham gia trong chiến tranh kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chúng tôi đã làm thủ tục để ông Mát được hưởng trợ cấp theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và đã được công nhận. Nhưng hoàn cảnh của cựu chiến binh Trương Văn Mát khiến chúng tôi trăn trở, xót xa nhất hiện nay là ông ấy bị bệnh, không còn ngươi thân thích.
Thời gian trước, khi bệnh tình ông ấy còn nhẹ, chúng tôi cũng vận động bà con, đặc biệt là bạn bè quân nhân cũ là giúp đỡ ông bằng nhiều cách như cưu mang, cho ông ở trong nhà một thời gian dài và mọi người rất ủng hộ. Tuy nhiên thời gian gần đây, khi ông bị bệnh nặng thì mọi người không thể giữ ông ở yên một chỗ. Ông cứ lang thang nơi này sang nơi khác khiến chúng tôi đau lòng lắm. Cũng nhiều lần, chính quyền địa phương đề nghị lên cấp trên với mong muốn đưa ông ấy đến một trung tâm lao động xã hội hoặc trung tâm điều dưỡng nào đó nhưng vẫn không nhận được phản hồi”.
Nói đoạn, ông Quyền lại cùng chúng tôi đi tìm đồng đội. Hỏi khắp xóm Nghĩa Chính, có người nói lúc sáng thấy ông đi bộ theo đường Hồ Chí Minh lên phía Làng Sâm. Đi khắp ngôi làng này thì chúng tôi lại nghe bà con nói, vừa thấy ông đi vào địa phận Làng Da. Cuối cùng chúng tôi cũng tìm được cựu chiến binh Trương Văn Mát khi đang được gia đình bà Hồ Thị Liên, xóm Làng Da đang cho ăn bữa cơm chiều. Nhưng khi đang mải mê câu chuyện ở trong nhà trở ra thì ông Mát lại bỏ đi đâu mất. Theo bà Liên cho biết thì ông ấy rất sợ khi thấy đông người xuất hiện.
Chính quyền xã Nghĩa Lâm, bạn bè, bà con lối xóm ai cũng đều rất thương và đã làm mọi cách để đùm bọc cựu chiến binh Trương Văn Mát. Nhưng với bệnh tình đặc biệt của người cựu chiến binh từng tham gia kháng chiến chống Mỹ thì họ cũng đành bất lực. Gặp ai dù cán bộ xã cho đến người dân họ đều tâm sự với chúng tôi như một lời khẩn cầu: “Tìm cách giúp đỡ ông ấy với, chứ để thế này khổ ông ấy lắm!”.
Nguyễn Duy - Viết Lam