“Cuộc chiến” giành vỉa hè: Tâm sự của những gánh hàng rong
(Dân trí) - Những ngày này, nhiều người bán hàng rong trên đường Bùi Viện không khỏi thấp thỏm lo âu khi quận 1 (TPHCM) ra quân mạnh tay lập lại trật tự đô thị, xử lý hành vi lấn chiếm vỉa hè. Dẫu vẫn thường xuyên buôn bán trong cảnh vừa bán vừa chạy, nhưng với tinh thần giành lại vỉa hè quyết liệt như hiện nay, gánh lo cơm áo gạo tiền của họ sẽ càng khắc nghiệt hơn.
Tiếp xúc với những người dân ở đây, chúng tôi nhận thấy tất cả đều đồng tình với chính sách của UBND quận 1 về việc lập lại trật đô thị, trả lại vỉa hè thông thoáng, thuận tiện cho người đi bộ, nhưng nếu đã “đóng” thì phải “mở”. Người dân nhìn nhận việc buôn bán là lấn chiếm, nhưng nếu không cho bán thì nhà nước nên có chính sách hỗ trợ người dân làm ăn, tạo nguồn thu nhập.
Nơi bà Trần Thị Vân mưu sinh hàng ngày.
Anh Quá chỉ tay về những đứa trẻ lớn lên bằng những gánh hàng rong của gia đình.
Cô Mai bên chiếc xe trái cây của mình.
Bà Trần Thị Vân, 68 tuổi, là người sống tại đây từ nhỏ đến lớn, bà là cháu bên vợ của đại gia Nguyễn Văn Hảo, người lập ra rạp hát Nguyễn Văn Hảo, bây giờ là rạp Công Nhân. Bà Vân chia sẻ: “Tui bán ở đây từ thời còn nhỏ xíu cho đến giờ. Giờ con đứa nào cũng khổ, con cái đùm đề, mình tự lo cho thân già. Ở đây có ngày ế, bán chỉ được 10 ngàn, thường thì hơn trăm ngàn. Không cho tui bán thì chỉ tôi nơi nào thuê người già đi, đi làm thuê, không ra bán lề đường nữa…”.
Anh Trần Dương Qua, chạy xe ôm cũng cho biết: “Mình là cựu chiến binh đi chiến trường K, giờ ngoài 50 tuổi rồi nhưng phải cố gắng lo cho hai đứa con ăn học, một đứa đại học, một đứa lớp 6. Ngày mình chạy giỏi lắm hơn trăm ngàn, phụ với tiền bán cơm của vợ cũng đắp đổi qua ngày. Giờ chính quyền làm căng quá thì biết sống sao. Người có tiền thuê mặt bằng thì còn dọn ra dọn vào, tụi anh dân lao động, chỗ đâu mà dọn. Nếu dẹp vỉa hè thì cũng tạo điều kiện cho tụi anh kiếm cơm ở một vị trí nào đó mà không phải lấn chiếm. Con cháu tụi anh đi học hàng ngày sống bằng những gánh hàng và những cuốc xe ôm”.
Người dân vẫn nhận thức việc buôn bán trên vỉa hè là việc lấn chiếm, nhưng vì cuộc sống mưu sinh đành chấp nhận. Người dân vẫn mong muốn chính quyền quy hoạch một vị trí để kiếm sống. Nếu đã “đóng” rồi thì phải “mở” ra giải pháp giúp người dân an cư lạc nghiệp.
Những người dân ở đây rất đồng tình với cách làm quyết liệt của quận 1 bởi bản thân họ cũng không muốn kinh doanh trong tâm trạng bất an, vừa bán vừa chạy.
Cô Mai, bán trái cây theo trục đường Bùi Viện hơn ba mươi năm và phải nuôi mẹ già sụt sùi chia sẻ: “Mới học lớp 2 nghỉ rồi, chữ biết chữ không, ai thuê đây? Lúc trước khi bị bắt xe đẩy, lên đóng phạt còn xin lại được. Giờ bắt là lấy luôn, đâu có cho lại, một chiếc xe đẩy mua lại là 800 ngàn chứ đâu có rẻ. Bị bắt hoài thì coi như mình đứt vốn. Mấy ngày nay bán toàn trốn trong hẻm không ấy chứ”.
Cô Trần Ngọc Mỹ, bán cơm gần chỗ đậu xe ôm của anh Qua chia sẻ: “Một dĩa 25 ngàn mà dạo này bắt dữ quá, khách ngại không dám ghé ăn, toàn mua mang đi. Ăn dĩa cơm mà bị bắt xe phạt mấy trăm, ai dám ăn. Tôi bị bệnh tim đã được mổ, giờ hai tháng mua thuốc một lần hết 6 triệu và còn nuôi đứa con đi học. Không cho bán nữa, tôi biết làm gì đây?”.
Phạm Nguyễn