Cuộc chiến đẩy lùi "ma lá ngón" nơi biên ải
(Dân trí) - Theo Bí thư Đảng ủy xã Tri Lễ, để ngăn chặn những vụ việc tự tử liên quan đến lá ngón, việc thay đổi nhận thức của đồng bào vẫn hết sức quan trọng.
Những cái chết "không thể hiểu nổi"
Bí thư Đảng ủy xã Tri Lễ (Quế Phong, Nghệ An) Vi Văn Du lắc đầu quầy quậy khi chúng tôi hỏi về tình trạng tự tử bằng lá ngón ở địa phương.
"Ôi, không hiểu được đâu. Trẻ con không giúp đỡ được bố mẹ cũng ăn, vợ giận chồng cũng ăn, đi đường vi phạm luật giao thông, về nhà chồng nhắc nhở một câu cũng ăn lá ngón tự tử. Các vụ tự tử bằng lá ngón thường xảy ra ở các bản làng người Mông", ông Du nói.
Tình trạng tìm đến cái chết bằng lá ngón ở xã biên giới này hầu như năm nào cũng xảy ra. Theo ông Du, vấn nạn này gay gắt nhất vào năm 2020, khi xảy ra 17 vụ ăn lá ngón, chết 10 người. Năm 2021, tình trạng này có giảm hơn nhưng 10 vụ ăn lá ngón cũng cướp đi sinh mạng của 6 người.
Ông Du kể về một trường hợp tự tử bằng lá ngón xảy ra chưa lâu ở bản Huồi Mới (Tri Lễ). Trước khi sự việc xảy ra, anh này vẫn đi làm, ăn cơm với vợ con bình thường. Tầm 16h, anh chạy xe máy xuống chợ, mua bia, đồ nhắm rồi đến một khu đồi vắng ăn uống no say.
Khoảng 17h, người vợ nhận được điện thoại của chồng, thông báo là đã ăn lá ngón liền vội vã thông báo với gia đình để đi tìm. Khi cả gia đình, bản làng, cơ quan chức năng tìm được đến nơi, anh này đã là người thiên cổ. Tìm hiểu từ gia đình, người thân, làng xóm cho thấy người đàn ông này không xảy ra mâu thuẫn với ai. Đến nay, nguyên nhân cái chết của anh ta vẫn là một ẩn số.
"Có người ăn lá ngón chết là vợ một nguyên lãnh đạo của xã. Năm 2021, khi không công tác ở xã nữa, anh T.B.X. cùng vợ vào miền Nam làm ăn. Gặp dịch Covid-19, vợ chồng lại dắt díu nhau về, hoàn thành thời gian cách ly tập trung theo quy định, vợ chồng anh X. đưa nhau vào trong trang trại ở trên rừng.
Bất ngờ, tôi nghe vợ anh X. ăn lá ngón chết. Hỏi thì anh X. bảo vợ chồng bình thường, không xảy ra mâu thuẫn gì cả. Buổi sáng trước hôm vợ ăn lá ngón, anh X. kể câu chuyện hồi ở miền Nam, có cô gái mang đồ ăn sáng cho. Anh nghĩ kể chuyện trêu vợ chút thôi, không ngờ vợ lại nghĩ ngợi mà có hành động dại dột như thế", ông Du kể.
Điều đặc biệt, độ tuổi tìm đến cái chết bằng lá ngón ngày càng trẻ hóa, trung bình từ 35 tuổi trở lại, nhiều vụ việc xảy ra ở độ tuổi 12-13 tuổi.
"Có những vụ tự tử bằng lá ngón với lý do lãng xẹt. Các cháu còn nhỏ đã yêu đương, đòi cưới nhau, bố mẹ chưa cho lấy là ăn lá ngón. Có cháu đòi mua điện thoại, mẹ chưa mua cho cũng tìm đến lá ngón", ông Vi Văn Du kể.
Đẩy lùi "ma lá ngón"
Có lẽ, hiếm loài cây nào lại có sức sống mãnh liệt như cây lá ngón. Thứ cây dây leo mang theo chất kịch độc này mọc khắp các cánh rừng ở xã biên giới này. Và nó cũng trở thành thứ nhanh nhất để kết thúc một cuộc đời.
Ông Nguyễn Bá Kiệm, Phó Bí thư Đảng ủy xã Tri Lễ nói: "Người dân ở đây đồn đại với nhau, khi hái lá ngón, nếu không để cành cây bị rung thì cái chết sẽ nhẹ nhàng, ngược lại, hái để cành lá rung, cái chết sẽ rất đau đớn, dữ dội".
Những cái chết từ lá ngón khiến lãnh đạo xã biên giới này hết sức đau lòng và tìm mọi cách để loại trừ. Năm 2020, nhiều cuộc diệt trừ cây lá ngón đã được phát động, nhưng càng chặt bỏ thì nó càng mọc nhiều.
Chỉ một đoạn rễ bị đứt, sót lại cũng nhanh chóng mọc thành cây, phát triển thành cả bụi to. Nhổ bỏ, trốc cả rễ lên cũng không được, mà dùng hóa chất dể diệt loại cây kịch độc này cũng không khả thi vì nguy cơ gây hại môi trường cao.
"Không phá bỏ được cây lá ngón thì phải thay đổi nhận thức của người dân thôi. Từ năm 2021 tới nay, chính quyền xã cùng Đồn biên phòng Tri Lễ tổ chức nhiều buổi họp, các cuộc tuyên truyền, vận động với sự tham gia của già làng, trưởng bản, trưởng các dòng họ.
Tại các buổi tuyên truyền, chúng tôi đều phân tích rõ, ai cũng muốn sống, tha thiết được sống, thậm chí tốn rất nhiều tiền để được sống, sao đồng bào Mông chúng ta lại tìm đến cái chết?.
Tuyên truyền nhiều, tuyên truyền sâu rộng, bằng nhiều hình thức khác nhau, thay đổi từng bước nhận thức của đồng bào. Nhờ vậy, các vụ việc tìm đến lá ngón trong những năm gần đây giảm mạnh, như các năm 2022, 2023, mỗi năm xảy ra một vụ tự tử bằng lá ngón", ông Nguyễn Bá Kiệm cho hay.
Cả hai vụ việc ăn lá ngón ông Kiệm nhắc tới đều may mắn giữ được mạng sống nhờ vào phương pháp đặc biệt của Thiếu tá quân y biên phòng Lê Anh Đức.
Phương pháp thải độc lá ngón của Thiếu tá Lê Anh Đức được thử nghiệm lần đầu tiên vào năm 2016 . Đến nay, sau 8 năm nghiên cứu, hoàn thiện và áp dụng trong cấp cứu các trường hợp bị ngộ độc lá ngón, Thiếu tá Lê Anh Đức và trạm quân dân y biên phòng Tri Lễ đã giành giật sự sống cho 24 trường hợp từ "con ma lá ngón".
Sau khi tìm hiểu về độc tính của lá ngón, Thiếu tá Lê Anh Đức sử dụng phương pháp kích thích gây nôn và thải độc để giúp nạn nhân loại bỏ chất độc trong dạ dày. Việc này phải làm sớm để độc tính không kịp ngấm sâu vào máu và các nội tạng.
Qua nghiên cứu, Thiếu tá Đức nhận thấy nước rau má giã nát và nước từ thân cây chuối có hiệu quả cao trong việc lọc thải độc. Anh thả con nhái vào hỗn hợp này để lấy dịch nhầy tạo chất tanh.
Khi đổ hỗn hợp này (thông qua miệng hoặc ống sonde, tùy thuộc vào tình trạng, ý thức của bệnh nhân) vị tanh trong chất nhầy của nhái sẽ kích thích nôn, làm sạch dạ dày. Khi bệnh nhân nôn sạch thức ăn, nước uống trong dạ dày, tiếp tục cho uống 300ml hỗn hợp nước từ rau má, thân chuối để giải độc, kết hợp thuốc trợ tim, kháng sinh, trợ sức, truyền dịch...
Với phương pháp, đã hạn chế rất nhiều cái chết vì ngộ độc lá ngón. Tuy nhiên, theo ông Vi Văn Du, để ngăn chặn những vụ việc liên quan đến lá ngón, việc thay đổi nhận thức của đồng bào vẫn hết sức quan trọng. Địa phương đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền vận động, đặc biệt ở các bản làng người Mông.