1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Cuộc "chạy dịch" của bé 7 ngày tuổi và hành trình trở về giữa yêu thương

Hoàng Lam

(Dân trí) - 2h sáng, bé Và Tiểu Bảo được mẹ ôm trên tay lên chiếc xe máy cà tàng của bố, xuất phát từ Bình Phước về Nghệ An "chạy dịch". Tình yêu thương của những người xa lạ đã giúp bé trở về quê an toàn.

Cuộc "chạy dịch" lúc 2h sáng

Rạng sáng 27/9, Xồng Y Rê (SN 2002, quê xã Huồi Tụ, Kỳ Sơn, Nghệ An) cùng cậu con trai 7 ngày tuổi và vợ chồng người bạn đã đặt chân về đến quê hương. Tất cả được bố trí cách ly tập trung tại cơ sở cách ly của địa phương.

Cuộc chạy dịch của bé 7 ngày tuổi và hành trình trở về giữa yêu thương - 1

Cậu bé Và Tiểu Bảo bắt đầu hành trình "chạy dịch" cùng bố mẹ từ Bình Phước về Nghệ An khi vừa 7 ngày tuổi (Ảnh: Quốc Khương).

Sau chặng đường gần 500 cây số trên chiếc ô tô của một người lạ tốt bụng, Và Tiểu Bảo ngủ ngon lành, bình yên trên tay mẹ. Chồng cô, Và Bá Tồng (SN 2000) đang chạy xe máy về sau, có lẽ đêm nay sẽ về đến nơi.

Cuộc trò chuyện bằng điện thoại giữa tôi và Xồng Y Rê phải thông qua một người phiên dịch bởi cô không nói được tiếng Kinh. Lầu Bá Giờ - người đàn ông may mắn đi cùng chuyến xe ô tô về với Rê chịu trách nhiệm "chuyển ngữ" cho hai bên. "Cảm ơn anh nhà báo và mọi người đã giúp đỡ" - Xồng Y Rê nói qua người phiên dịch.

Hồi đầu tháng 4, qua lời giới thiệu của một người quen, Lầu Bá Giờ, Và Bá Tồng cùng một số người khác dắt díu vợ con vào Bình Phước làm thuê. Thời điểm đó, dịch vẫn chưa bùng phát, không chuyên môn, không nghề nghiệp, họ đi cạo mủ cao su thuê.

Cuộc chạy dịch của bé 7 ngày tuổi và hành trình trở về giữa yêu thương - 2

Xồng Y Rê - người phụ nữ Mông ở Nghệ An nói chưa sõi tiếng Kinh, ôm đứa con 7 ngày tuổi, ngồi sau xe máy cùng chồng đi từ Bình Phước về quê tránh dịch Covid-19 (Ảnh: Quốc Khương).

"Mỗi tháng thu nhập 7 triệu đồng/người, trừ tiền ăn uống cũng dư được một khoản. Ở quê không có việc làm, đi nương đi rẫy chỉ đủ ăn thôi. Mình làm việc nặng nhọc quen rồi, đi cạo mủ cũng thấy bình thường. Nhưng không có chỗ nào thuê hết tất cả mọi người trong đoàn nên phải chia nhau ra, mỗi nhà mỗi nơi nhưng vẫn ở trong một huyện", Xồng Y Rê gia nhập đội cạo mủ thuê khi cái thai đã ở tháng thứ 5, nói.

Hồi tháng 7, đại dịch Covid-19 bùng phát ở Bình Dương, giáp ranh Bình Phước. Lúc này, ảnh hưởng của dịch nên nhóm lao động người Mông này mất việc làm. Mọi người đã tính chuyện hồi hương nhưng ở quê thông tin đang thực hiện "ai ở đâu ở yên đấy" và khuyên chịu khó một thời gian. Nhưng những lao động này không đợi được, họ rồng rắn trên những chiếc xe máy cà tàng hồi hương.

Chưa ra khỏi huyện nơi những công dân này đang ở thì gặp chốt kiểm soát phòng chống dịch, buộc phải quay trở lại. "Nếu đợt đó mà về được thì khi đó mình chưa sinh thằng bé này đâu", Xồng Y Rê trả lời qua "người thông ngôn".

Cuộc chạy dịch của bé 7 ngày tuổi và hành trình trở về giữa yêu thương - 3

Đoàn người hồi hương và bữa ăn vội bên đường (Ảnh: Đ.T).

Mọi người thất thểu mang theo đồ đoàn quay lại nơi ở cũ, đăng ký được đón về quê nhưng đợi mãi không thấy đến lượt mình. Nỗi lo sợ bệnh tật bủa vây, việc làm không có, tiền tích lũy cạn dần. Gọi điện về nhà, thấy thông báo tình hình dịch đã ổn, họ bàn nhau "Về thôi, về quê ta thôi, về ăn cây rau dại qua ngày cũng được. Ở lại, lỡ dịch bệnh thì chết".

10 con người đưa nhau đi xét nghiệm SARS-CoV-2 để chuẩn bị lên đường về quê. Không đợi được chính quyền đồng ý, 2h sáng ngày 24/9, họ đưa nhau lên đường. Thằng bé Và Tiểu Bảo (tên tạm đặt) mới được 7 ngày tuổi, đang ngủ say cũng được mẹ bọc trong chiếc chăn cũ, bế lên xe, ngồi sau lưng bố.

"Nó khóc là phải dừng, đói là phải dừng để mẹ nó cho bú thành ra đi chậm lắm. Mọi người phải dừng lại chờ. Dù đi chậm thì lâu về nhà hơn nhưng đã đi cùng nhau thì phải chờ thôi, không thể bỏ ai lại cả", Lầu Bá Giờ kể.

Cuộc chạy dịch của bé 7 ngày tuổi và hành trình trở về giữa yêu thương - 4

Nhóm Tình nguyện trẻ Đà Nẵng hỗ trợ những người Mông Nghệ An trên đường từ Bình Phước chạy xe máy về quê, khi đi qua địa phận TP Đà Nẵng (Ảnh: H.Q).

Hành trình trở về của cậu bé Và Tiểu Bảo sẽ còn gian nan hơn nếu không nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ từ những người lạ...

... Và câu chuyện "nhà báo xấu làm việc tốt"

Chuyện chạy xe máy mang theo đứa con nhỏ của vợ chồng Xồng Y Rê được một số phóng viên biết và tìm cách kết nối giúp đỡ. Đầu chiều ngày 26/9, đoàn người đến Hòa Vang (Đà Nẵng). Nhóm tình nguyện trẻ Đà Nẵng đã lên kế hoạch thuê xe ô tô chở mẹ con Xồng Y Rê về quê nhà nhưng tài xế yêu cầu phải có xét nghiệm PRC. Mà đợi có kết quả phải mất đến 6 tiếng, "lỡ" cả hành trình của đoàn người hồi hương. Đang trong lúc đau đầu nghĩ phương án tối ưu nhất để đưa cậu bé Tiểu Bảo về quê thì anh Hoàng Quân (PV Báo Công an TPHCM) nhận chở mẹ con cậu bé về Nghệ An.

Cuộc chạy dịch của bé 7 ngày tuổi và hành trình trở về giữa yêu thương - 5

Nhà báo Hoàng Quân (bìa phải) quyết định dùng xe cá nhân chở mẹ con Xồng Y Rê về quê (Ảnh: H.Q).

"Khi tiếp nhận thông tin từ đồng nghiệp, tôi có mặt tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 quận Hòa Vang (Đà Nẵng) để tìm cách hỗ trợ gia đình cháu bé. Quyết định tự mình đưa mẹ con Xồng Y Rê về đến nhanh lắm, ngay khi tôi nhìn thấy người mẹ ngồi bệt bên đường cho con bú, khuôn mặt đầy mệt mỏi. Thằng bé chưa đầy 10 ngày tuổi đã phải trải qua chăng đường ngót nghìn cây số "chạy dịch". Tôi cũng là người bố, có hai đứa con nhỏ, cháu bé mới hơn 8 tháng. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ làm sao để có thể đưa bé về quê nhanh nhất và an toàn nhất", anh Hoàng Quân kể.

"Anh không thấy quyết định này hơi mạo hiểm?", tôi hỏi. Anh Hoàng Quân cười: "Lúc đó, tôi không có nhiều thời gian để suy tính. Tôi thấy phiếu xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 của những người này, họ đều đã được tiêm một mũi vắc xin phòng Covid-19. Bản thân tôi được tiêm 2 mũi vắc xin và có các giấy tờ cần thiết khác để được di chuyển.

Cuộc chạy dịch của bé 7 ngày tuổi và hành trình trở về giữa yêu thương - 6

Mẹ con Xồng Y Rê và vợ chồng Lầu Bá Giờ trên xe ô tô anh Hoàng Quân, rút ngắn chặng đường về quê một cách an toàn (Ảnh: Quốc Khương).

Tôi không "đơn độc" trên hành trình này bởi có sự đồng hành của nhiều người khác. Có tổ chức tình nguyện và cả những người không quen biết gửi cho tôi tiền xăng, chi phí đi lại, hỗ trợ những người Mông trong đoàn. Tôi nghĩ mình không giàu có để có thể giúp đỡ mọi người về vật chất thì giúp họ rút ngắn hành trình về quê nhà", anh Quân chia sẻ.

Vợ chồng Lầu Bá Giờ cũng để lại chiếc xe máy cũ nhờ đội thiện nguyện bán giúp, còn Và Bá Tồng nhất quyết giữ lại chiếc xe. Thành ra, chỉ có Xồng Y Rê cùng đứa con nhỏ và vợ chồng Lầu Bá Giờ lên xe ô tô của anh Quân tiếp tục hồi hương. Và Bá Tồng chạy xe máy đi về sau. Hành trình trở về của một số lao động "chạy dịch" đã bớt vất vả hơn rất nhiều.

Cuộc chạy dịch của bé 7 ngày tuổi và hành trình trở về giữa yêu thương - 7

Nhà báo Hoàng Quân và những người Mông hồi hương ăn vội bữa cơm bên đường trên hành trình từ Đà Nẵng ra Nghệ An (Ảnh: H.Q).

Vào thời điểm đó, anh Quân chưa mường tượng được cung đường mà mình sẽ phải vượt qua nếu đưa mọi người về tận huyện biên giới Kỳ Sơn. Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 6, trên địa bàn Nghệ An có mưa lớn kéo dài tình trạng sạt lở, ngập nước xảy ra ở nhiều nơi. Nhờ sự kết nối của nhiều người, trong đêm 26/9, UBND huyện Kỳ Sơn đã kịp thời bố trí phương tiện đón và đưa các công dân về quê, ngay khi tới địa phận tỉnh Nghệ An.

Đi qua các chốt kiểm soát, xe phải dừng lại thực hiện các quy định phòng dịch. Chặng đường ngót 500 cây số từ Đà Nẵng ra Nghệ An không thể đúng thời gian dự kiến bởi 3 "hành khách đặc biệt" bị say xe, phải chạy chậm hơn. Đoàn phải nghỉ 2 lần để ăn cơm và "để cháu bé được hít khí trời". Những người Mông không quen chia sẻ suy nghĩ với người lạ, không chịu ăn cơm và nhất quyết yêu cầu "cán bộ phải đưa ta về đến nhà". Anh Quân phải vừa động viên lẫn "dọa" để họ chịu ăn uống cho lại sức, phải giải thích rõ việc chính quyền bố trí xe đưa về...

Cuộc chạy dịch của bé 7 ngày tuổi và hành trình trở về giữa yêu thương - 8

Ông Lê Hồng Lập - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Kỳ Sơn có mặt tại cầu Bến Thủy lúc 1h ngày 27/9 để tiếp nhận và đưa mẹ con bé Và Tiểu Bảo về quê (Ảnh: H.Q).

Hơn 1h ngày 27/9, cậu bé Tiểu Bảo về đến Nghệ An. Ông Lê Hồng Lập - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Kỳ Sơn cho biết: "Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Chủ tịch UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện lên phương án, bố trí xe và lực lượng tiếp nhận, hỗ trợ chị Xồng Y Rê và cháu bé về quê nhà. Huyện cũng dành một phần quà để hỗ trợ gia đình chị Xồng Y Rê và anh Lầu Bá Giờ. Hiện cả hai gia đình đã được bố trí cách ly và các chi phí cách ly đều miễn phí theo quy định. Trong đêm, huyện cũng tiếp nhận và đưa đi cách ly 124 công dân đi xe máy từ Bình Phước về Nghệ An".

Hoàn thành nhiệm vụ cũng là lúc đã bước sang ngày mới. Đồng nghiệp bố trí nơi ăn, ngủ để anh Hoàng Quân nghỉ ngơi trước khi quay xe trở lại Đà Nẵng. Tuy nhiên, để không ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch của địa phương, anh Hoàng Quân dừng xe ở chốt kiểm soát Bến Thủy và nghỉ ngơi trong xe.

Cuộc chạy dịch của bé 7 ngày tuổi và hành trình trở về giữa yêu thương - 9

Mẹ con Xồng Y Rê và vợ chồng anh Lầu Y Giờ lên xe cứu thương về quê nhà lúc gần 2h ngày 27/9 (Ảnh: H.Q).

"Việc tôi làm, không phải cứu người hay ghê gớm gì lắm. Tôi chỉ là nhóm que diêm vào đống củi ai đó đã gom để cho ấm căn phòng, bên ngoài mưa rét, gió rít. Tôi chỉ khơi dậy tấm lòng tốt sẵn có của nhiều người. Giữa giông lốc cuộc đời, có lúc tôi chọn máu điên, dứt khoát, vượt rào trong sự chấp nhận được và trái tim mách bảo. Miễn đừng gây tổn hại, hậu quả đến người khác và xã hội", anh Hoàng Quân - người được các đồng nghiệp ưu ái gọi "nhà báo xấu (trai) làm việc tốt" tâm sự.

Câu chuyện về hành trình trở về của bé Và Tiểu Bảo là mình chứng rõ nét, trong cuộc đời này luôn hiện hữu những điều kỳ diệu, được thắp lên từ lương tri và sự sẻ chia giữa con người...