1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Cuộc cách mạng 4.0 là cơ hội quý cho ngành nông nghiệp

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Cách mạng công nghệ 4.0 là cơ hội quý giá cho ngành nông nghiệp. Công nghệ sinh học giúp giải mã nhanh các hệ gen tạo ra những giống cây trồng mới chống chịu sâu bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đó là một trong những nội dung bài tham luận với chủ đề "Phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chuyển đổi số", được TS. Nguyễn Hữu Nhuần trình bày tại "Hội thảo tham vấn chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn". Hội thảo do Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức, vào ngày 22/2.

Tham dự hội thảo trên có các đại biểu của Ban Kinh tế Trung ương; Hội đồng Lý luận Trung ương; Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam; cựu Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, cựu Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát và các giáo sư, tiến sĩ là các chuyên gia về lĩnh vực nông nghiệp;...

Nông nghiệp, nông thôn luôn giữ vai trò, vị trí chiến lược

Phát biểu chào mừng Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Thị Lan - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam - nhấn mạnh, nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn giữ vai trò, vị trí chiến lược, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững và ổn định chính trị. 

Chính vì vậy, Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết 26-NQ/TƯ ngày 5/8/2008) đã nêu rõ "Giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội". 

Cuộc cách mạng 4.0 là cơ hội quý cho ngành nông nghiệp - 1

GS.TS. Nguyễn Thị Lan phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Hữu Huân).

Sau hơn 10 năm thực hiện, Nghị quyết đã tạo nên một diện mạo mới cả về chất và lượng cho khu vực nông thôn.

GS.TS. Nguyễn Thị Lan cho rằng, đối với nông nghiệp, nông thôn, nông dân nước ta còn nhiều vấn đề cần đặt ra, nhất là trong bối cảnh chung mới của hội nhập toàn cầu, những biến động của kinh tế - chính trị trên thế giới, cách mạng công nghiệp 4.0 và biến đổi khí hậu, đòi hỏi phải có sự điều chỉnh chiến lược mang tầm vĩ mô để phát triển bền vững.

Trong bài tham luận của mình, TS. Nguyễn Hữu Nhuần cho rằng, các công nghệ số sẽ cách mạng hóa nông nghiệp thông qua hỗ trợ người nông dân sản xuất chính xác, hiệu quả và bền vững hơn. Thông qua các dữ liệu cần thiết được phản ánh sẽ là cơ sở để ra quyết định trong sản xuất cũng như giúp người tiêu dùng hiểu rõ quá trình sản xuất nông nghiệp diễn ra như thế nào.

Theo ông Nhuần, cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 sẽ là cơ hội quý giá cho ngành nông nghiệp phát triển mạnh mẽ với các tiềm năng ứng dụng khoa học công nghệ mới, như: Ứng dụng từ trí tuệ nhân tạo giúp tự động hóa toàn bộ quy trình sản xuất; Công nghệ sinh học giúp giải mã nhanh các hệ gen tạo ra những giống cây trồng mới chống chịu sâu bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu; Công nghệ viễn thám phục vụ công tác trong quản lý, giám sát, dự báo lũ, lụt trên các lưu vực sông, cảnh báo cháy rừng…

Phải dự báo đúng nhu cầu chuyển đất nông nghiệp thành đất phi nông nghiệp

Đổi mới chính sách đất đai để tiếp tục thực hiện các mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn là một trong những kiến nghị của nhóm nghiên cứu Học viện Nông nghiệp Việt Nam gửi đến hội thảo.

Đại diện nhóm nghiên cứu, PGS.TS. Trần Trọng Phương - Trưởng Khoa Tài nguyên và Môi trường (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) trình bày tham luận với chủ đề "Đổi mới chính sách đất đai để thực hiện thắng lợi Chương trình tam nông giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2045".

Theo PGS.TS Trần Trọng Phương, chính sách đất đai được từng bước hoàn thiện góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trong đó có phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

Chính sách giao đất nông nghiệp trong hạn mức không phải nộp tiền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp đã giúp người sản xuất bớt gánh nặng tài chính. 

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng chỉ rõ những điểm bất cập trong chính sách đất đai hiện nay như giá bồi thường về đất thấp hơn giá đất thị trường, trong khi doanh nghiệp sau khi đầu tư hạ tầng thì giá đất lại tăng lên rất nhiều lần. 

Góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp hay thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với doanh nghiệp hay hộ gia đình khác còn khó thực hiện do một số đối tượng không nhất trí về giá đất hay rủi ro khi góp vốn bằng quyền sử dụng đất. 

"Đáng nói là tình trạng đất nông nghiệp tại nhiều địa phương bị bỏ hoang gây lãng phí tiềm năng đất đai. Năm 2017, tỉnh Hà Nam chỉ có hơn 100 ha ruộng bị bỏ hoang thì năm 2019, số diện tích bị bỏ hoang đã lên tới 310 ha. Tỉnh Vĩnh Phúc, vụ Mùa năm 2019 có hơn 1.000 ha ruộng bỏ hoang và diện tích gieo trồng vụ Đông năm 2019 của tỉnh này giảm tới 6.000 ha. Năm 2019, tỉnh Thanh Hóa có hơn 110 ha ruộng bị bỏ hoang; tỉnh Thái Bình có hơn 1.200 ha ruộng bị bỏ hoang" - ông Phương nêu ví dụ. 

Từ thực tế đó, nhóm nghiên cứu đề xuất một số chính sách đất đai để phát triển bền vững nông nghiệp, nông dân, nông thôn như khi lập quy hoạch phải tính hiệu quả sử dụng đất để lựa chọn phương án có hiệu quả cao nhất, thuận lợi cho áp dụng cơ khí hóa, tự động hóa sản xuất nông nghiệp. 

Đồng thời, phải nâng cao chất lượng quy hoạch, dự báo đúng nhu cầu chuyển đất nông nghiệp thành đất phi nông nghiệp.

Cuộc cách mạng 4.0 là cơ hội quý cho ngành nông nghiệp - 2

Các đại biểu dự hội thảo qua hình thức trực tuyến tại nhiều điểm cầu. (Ảnh: Hữu Huân).

"Để phát triển nhanh hơn, mạnh hơn nữa nông nghiệp, nông dân, nông thôn cần đổi mới chính sách đất đai theo hướng bỏ hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp; áp dụng thời hạn sử dụng đất nông nghiệp ổn định lâu dài; hoàn thiện quy định về quy hoạch sử dụng đất, thu hồi đất và bồi thường; tập trung đất nông nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giá đất và thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính trong chấp hành pháp luật về đất đai…" - PGS.TS. Trần Trọng Phương kiến nghị.

Hình thành thị trường chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp một cách minh bạch

Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam - cho rằng, trong giai đoạn tới, các chính sách nên tập trung hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân, đặc biệt là hỗ trợ nông dân duy trì sản xuất, tiếp cận khoa học công nghệ, an sinh xã hội.

"Ví dụ, người dân tiếp tục sản xuất nông nghiệp thì chính sách hỗ trợ như thế nào, chuyển đổi nghề phi nông nghiệp, dịch vụ ở nông thôn thì đòi hỏi chính sách ra sao? Đặc biệt, những chính sách hỗ trợ kinh tế nông nghiệp còn thiếu" - Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.

Để tháo gỡ nút thắt về đất đai, theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, cần hình thành thị trường chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp một cách minh bạch.

"Nên thành lập trung tâm giao dịch quyền sử dụng đất nông nghiệp để nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp có thể trao đổi, chuyển nhượng" - Thứ trưởng Trần Thanh Nam gợi ý. 

Sau khi nghe các ý kiến tham luận, phát biểu bế mạc Hội thảo, TS. Cao Đức Phát - Chủ nhiệm Chương trình Nghiên cứu Thể chế nông nghiệp - khẳng định, nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn được Đảng, Nhà nước ta xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Các bài tham luận, ý kiến đóng góp sẽ được Ban Tổ chức tổng hợp và có báo cáo đề xuất đến các cơ quan liên quan.