1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Cước 3G tăng: Cú hích nhỏ “đốn ngã” ngành kinh doanh vận tải?

(Dân trí) - “Từ đầu năm đến nay, chi phí đầu vào của ngành vận tải tăng 72%. Vì vậy, chỉ cần thêm một cú hích nhỏ nữa cũng đủ đốn ngã ngành này”. Trước lời “kêu cứu” của ngành vận tải, các đơn vị viễn thông cam kết sẽ dành riêng gói cước phí phù hợp.

Ngày 30/10, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Bộ Thông tin - Truyền thông cùng Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam và các Tập đoàn viễn thông đã có cuộc họp bàn nhằm tháo gỡ những khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải trước tình trạng hàng nghìn thiết bị giám sát hành trình (GPS) phải ngừng hoạt động vì cước 3G tăng giá.

Tại cuộc họp, ông Khuất Việt Hùng - Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT - cho biết: Từ năm 2008 đến nay, số phương tiện cơ giới trong diện bắt buộc đã lắp đặt thiết bị GPS có khoảng 50.000 chiếc. Bộ GTVT đang sửa đổi NĐ 91 về điều kiện kinh doanh vận tải, đối tượng phải lắp đặt thiết bị này sẽ mở rộng ra cả taxi và kinh doanh vận tải hàng hóa thông thường. Vì vậy, đối tượng sử dụng thiết bị GPS sẽ rất lớn, chỉ một thay đổi nhỏ cũng sẽ gây tác động trên quy mô rộng. Việc lắp đặt thiết bị GPS để giám sát, siết chặt hoạt động vận tải cũng đã bước đầu phát huy hiệu quả, TNGT trong 3 tháng (8, 9, 10) có xu hướng giảm.

“Luật Giao thông đường bộ cũng đã có quy định xử phạt liên quan đến thiết bị GPS, nếu tại thời điểm lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra, thiết bị GPS trên xe không hoạt động, chủ xe sẽ bị xử phạt 2,5 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 30 ngày…” - ông Hùng cho hay.

Cũng theo ông Hùng, hiện nay hoạt động kinh doanh vận tải đang gặp rất nhiều khó khăn, tăng trưởng trung bình ngành vận tải từ 7-8%/năm nhưng năm 2013 chỉ đạt 3%.

“Từ đầu năm đến nay, chi phí đầu vào của ngành vận tải tăng 7,2%. Vì vậy, chỉ cần thêm một cú hích nhỏ nữa cũng đủ đốn ngã ngành kinh doanh vận tải” - ông Hùng nhấn mạnh.

Áp lực tăng cước 3G khiến nhiều doanh nghiệp vận tải chao đảo

Áp lực tăng cước 3G khiến nhiều doanh nghiệp vận tải chao đảo

Về phía Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, ông Thân Văn Thanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội - nói rõ, việc tăng cước 3G đã tác động rất lớn đến các doanh nghiệp vận tải và đơn vị cung cấp thiết bị GPS. Đã có hàng nghìn thiết bị GPS phải ngừng hoạt động vì doanh nghiệp không đủ tài chính để nạp tiền.

Dẫn chứng về quan điểm của mình, ông Thân Văn Thanh cho biết, trong hơn 10 ngày tăng cước 3G (từ 16-26/10), có doanh nghiệp phải nạp tiền cước phát sinh lên tới 170 triệu đồng. Theo ông Thanh, vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn khi nhiều công ty đã có báo cáo cho biết dù cố gắng hết khả năng họ cũng chỉ trụ được đến ngày 10/11 là hết tiềm lực tài chính, vì thế hàng loạt thiết bị gắn trên ô tô sẽ bị ngừng hoạt động vì hết tiền.

Tăng cước 3G, Viettel sẽ mất khách?

Số liệu từ Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho thấy, 70% sim gắn trên thiết bị GPS hiện nay là dùng dịch vụ của nhà mạng Viettel, còn lại là Mobifone và Vinafone.

Dù cho cho rằng đơn vị mình chỉ tăng cước trên một số gói, những gói chuyên biệt dành cho thiết bị GPS như Vi-tracking không điều chỉnh tăng giá, nhưng đại diện của Viettel cũng thừa nhận, các doanh nghiệp không sử dụng đúng gói cước này chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi việc tăng giá.

Trong khi đó, ông Tạ Quang Thuận - Chi hội Các doanh nghiệp cung cấp thiết bị GPS - khẳng định, với cách tính cước mới của Viettel thì cước phí tăng lên rất nhiều lần chứ không phải chỉ mấy chục phần trăm. Hơn nữa, tại thời điểm lắp đặt thiết bị GPS cho các doanh nghiệp vận tải, các gói cước như Mi10, Laptop Easy là phù hợp nhất về kinh tế và lưu lượng sử dụng.

“Gói cước chuyên biệt Vi-tracking của Viettel không tăng trong đợt này nhưng so với các gói cước như Mi10, Laptop Easy vẫn đắt hơn. Bên cạnh đó, sim sử dụng gói cước Vi-tracking chỉ gắn được vào thiết bị GPS do Viettel cung cấp” - ông Thuận cho hay.

Còn đại diện của Mobifone là ông Nguyễn Đình Chiến - Phó Tổng Giám đốc Mobifone - cam kết: “Chúng tôi sẽ cung cấp gói cước phù hợp với ngành vận tải”.

Đại diện Vinafone cũng cho biết sẽ sớm có một gói cước đặc thù cho các doanh nghiệp vận tải.

Đại diện Viettel cho rằng để thay đổi gói cước hay giảm giá đều phải xem xét, trình lãnh đạo công ty và Bộ chủ quản (Bộ Thông tin - Truyền thông), sớm nhất cũng phải đến ngày 16/11 mới triển khai được.

Cục Viễn thông, Bộ Thông tin - Truyền thông cam kết sẽ tạo điều kiện, giải quyết nhanh về mặt thủ tục cho các doanh nghiệp viễn thông. Lãnh đạo Cục này cũng đưa ra yêu cầu, với gói cước mới dành cho các doanh nghiệp vận tải, các doanh nghiệp viễn thông phải bóc tách rõ ràng giữa dịch vụ và hàng hóa.

Châu Như Quỳnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm