Tổng giám đốc WTO Pascal Lamy:
Cùng nhau làm việc để đạt được mục đích chung
(Dân trí) - "Tôi rất hy vọng cộng đồng doanh nghiệp APEC có thể giữ vai trò hàng đầu trong việc đảm bảo một môi trường kinh doanh minh bạch và có tiên liệu được, thu hẹp sự khác biệt và tiến tới mậu dịch tự do hơn."
Trưa nay, 15/11, Tổng giám đốc WTO Pascal Lamy vừa có buổi nói chuyện với thành viên Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC). Dưới đây là toàn văn bài phát biểu:
Thưa quý bà, quý ông,
Tôi rất vui mừng có mặt với các bạn hôm nay, những thành viên của Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC), để chia sẻ cách nhìn nhận của tôi về việc chúng ta đang ở đâu trong đàm phán WTO đang diễn ra. Sáng nay, tôi đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tmại APEC, trong phiên họp kín để chia sẻ quan điểm về việc làm thế nào tái khởi động vòng đàm phán Doha sớm nhất có thể. Các Bộ trưởng đã nhắc lại cam kết chính trị của họ về hệ thống đa phương. Tất cả trong số họ đều bày tỏ tính cấp thiết và cùng tham gia kêu gọi nhanh chóng tái khỏi động vòng đàm phán ở Geneva
Tất nhiên, các bộ trưởng họp sáng nay đã bàn về một điểm quan trọng khác trong chương trình nghị sự: việc Việt Nam gia nhập WTO. Tôi muốn chúc mừng những người bạn, những đồng sự của chúng ta ở Việt Nam về việc gia nhập gia đình thương mại thế giới. Đây là thời điểm quan trọng của tổ chức. Việc Việt Nam gia nhập WTO thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam về việc hội nhập vào nền kinh tế quốc tế. Nhưng đó cũng là sự ghi nhận mang tính tập thể của các thành viên WTO đối với công cuộc cải cách kinh tế và sự thay đổi chính trị ở Việt Nam được bắt đầu 20 năm trước với chính sách Đổi mới. Việt Nam là ngôi sao đang lên trong khu vực này.
Nga, một thành viên khác của APEC cũng đang tiến những bước quan trọng để gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới. Trong tiến trình đàm phán song phương, bao gồm cả những tin tức gần đây về hiệp định giữa Nga và Mỹ, tôi rất hy vọng rằng phía Nga hiện nay sẽ hy sinh nhiều mối quan tâm cần thiết hơn nữa trong tiến trình gia nhập ở đàm phán đa phương, vốn đang tụt lại phía sau. Đây là giai đoạn tiếp theo của đàm phán, đàm phán đa phương, tại đó cần phải tập trung năng lượng của chúng ta nhằm neo giữ chắc chắn Nga vào hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật pháp.
Trở lại vấn đề vòng đàm phán Doha, hôm nay tôi muốn tóm tắt trước các bạn ba vấn đề: Một là, tại sao vòng đàm phán bị ngưng trệ. Hai là, điều gì hiện được đặt lên bàn đàm phán và tại sao chúng ta không nên bỏ qua vòng đàm phán này. Ba là, làm thế nào cộng đồng doanh nghiệp APEC đóng góp để thúc đẩy vòng đàm phán này?.
Tại sao vòng đàm phán Doha rất khó khăn?
Tháng 7 trước, sau khi tham vấn chính phủ các nước thành viên WTO, tôi kiến nghị tạm ngưng đàm phán để các bên tham gia có thời gian phản ánh và thay đổi thái độ của họ. Tại sao nông nghiệp, vốn chỉ chiếm dưới 8% thương mại thế giới, lại có thể giữ cho toàn chương trình nghị sự của Doha trệch hướng?
Câu trả lời rất đơn giản. Bởi vì sản xuất lương thực duy trì lĩnh vực rất nhạy cảm đối với cả các nước giàu cũng như nghèo. Và kể từ khi vòng đàm phán hiện nay tiến hành và kể từ khi hơn 70% người nghèo trên thế giới sống ở các khu vực nông thôn, không có cách nào để đàm phán có thể thành công nếu như nền nông nghiệp hiện tại đang nghiêng theo hướng chống lại các nước đang phát triển không được đưa ra rõ ràng. Điều này có nghĩa là một sự cắt giảm hiệu quả trợ cấp nông nghiệp của các thành viên WTO giàu có cũng như sự cắt giảm hàng rào thuế nông nghiệp cung cấp một sự phát triển bền vững lối vào thị trường.
Một cách rõ ràng, việc cắt giảm thuế có thể điều chỉnh một cách linh hoạt đối với các nước đang phát triển. Hồi tháng 7, chúng ta không thể đạt được một hiệp định về vấn đề này bởi vì, một mặt, sự đánh đổi cho việc giảm trợ cấp không đủ để được các nước đang phát triển chấp nhận; mặt khác, sự khăng khăng về tính linh hoạt đã được đàm phán trong nguyên tắc thâm nhập thị trường không thể chấp nhận được đối với vài nước phát triển và đang phát triển.
Để vòng đàm phán này đi đến thành công, mỗi nước giữ vai trò quan trọng trong vòng đàm phán này phải có bước tiến mang tính quyết định. Khi các nước này thực hiện điều đó, nghĩa là họ phải mang theo sự linh hoạt bổ sung trong vị trí đàm phán của mình để có thể thu hẹp khoảng cách, việc đạt được một hiệp định thương mại lâu dài hoàn toàn nằm trong tầm tay của chúng ta. Hiện nay chúng ta đang nhìn thấy một vài biểu hiện của sự linh hoạt mới từ những chủ thể chính của vòng đàm phán. Tôi hy vọng rằng điều này sẽ sớm dẫn đến một kết quả cụ thể và rõ ràng.
Do đó, chúng ta có gì trên bàn đàm phán?
Có thể hiểu được rằng việc kết thúc vòng đàm phán này là rất khó khăn. Mong muốn tham vọng nhất là các chính phủ có thể mở cửa thương mại đa phương dựa trên khả năng của mình, không chỉ là vấn đề khó khăn trong nông nghiệp, mà bởi vì cả các nước hiện đang đàm phán và có thể cùng chia sẻ kết quả đó. Vòng đàm phán Uruguay đã viết nên bộ luật hiện đại về hệ thống thương mại, và vòng đàm phán Doha đang sử dụng những luật lệ này để mở cửa thương mại và tiến hành cải cách ở các lĩnh vực chưa có tiền lệ.
Có hơn 20 nội dung được đưa ra đàm phán trong vòng đàm phán Doha. Cho phép tôi đề cập sâu 5 trong số các nội dụng đó, những nội dung tôi nhìn thấy có thể có ảnh hưởng quan trọng đến hoạt động của APEC. So sánh với kết quả của vòng đàm phán Uruguay, không ai có thể tuyên bố rằng vòng đàm phán lần này không có giá trị gì.
Vòng đàm phán Uruguay đã thành công việc tạo dựng một hệ thống luật thương mại đa biên toàn diện trong nông nghiệp, đó là Hiệp định WTO về Nông nghiệp. Nó đã tạo nên khuôn khổ cho trợ cấp nông nghiệp mang tính nguyên tắc và tạo ra một tiến trình mở cửa thị trường cho thương mại nông nghiệp. Vòng đàm phán Doha cam kết xây dựng trên cơ sở kết quả của vòng đàm phán Uruguay bằng việc tiến xa hơn trong việc "xoá bỏ sự chênh lệch trong lĩnh vực liên quan" trong thương mại nông nghiệp.
Vòng đàm phán Uruguay giảm thuế nông nghiệp xuống mức trung bình 36% đối với các nước phát triển, và 24% đối với các nước đang phát triển, trừ những nước đơn giản chọn bảo lưu mức thuế của họ. Vào thời điểm này, chúng ta từ bỏ giảm thuế theo mức trung bình, chính sách cho phép các quốc gia có cơ hội lựa chọn và để lại cho chúng ta mức thuế cao ngất trời ở những sản phẩm nhạy cảm nhằm một kế hoạch tập thể cắt giảm thuế đang ở mức cao hơn là thuế đang ở mức thấp. Hơn nữa, thậm chí kiến nghị vừa phải trên bàn đàm phán của chúng ta hiện nay còn tốt hơn mức cắt giảm thuế đạt được tại vòng đàm phán Uruguay.
Vòng đàm phán Uruguay nhìn thấy sự cắt giảm trong trợ cấp nông nghiệp gây bóp méo thương mại đối với các nước giàu là 20%. Ngày nay, chúng ta đang thảo luận cắt giảm xuống dưới 3 lần. Tại vòng đàm phán Uruguay, các nước phát triển chấp nhận giảm ngân sách sử dụng trợ cấp xuất khẩu xuống 21% trong khi ngày nay chúng ta đã đạt được việc xoá bỏ hoàn toàn danh mục trợ cấp vào năm 2013. Vòng đàm phán Doha cũng tăng cường và phát triển các nguyên tắc mới xác định dạng thức hỗ trợ xuất khẩu như giấy phép xuất khẩu, trợ cấp lương thực và các công ty kinh doanh quốc gia.
Thêm vào đó, tại vòng đàm phán Doha, vấn đề cotton đã được đưa ra đàm phán nhanh chóng và cụ thể và nhận được sự đánh giá cao của ba trụ cột trong vòng đàm phán.
Tiến trình đàm phán đối với các sản phẩm công nghiệp, loại hình đóng góp 90% sản phẩm thương mại toàn cầu, thì như thế nào? Nói một cách đơn giản, chúng ta có thể mô tả tiến trình này như "một công thức, khả năng có thể dự đoán trước lớn hơn và sẽ cắt giảm nhiều hơn".
Vòng đàm phán Uruguay cung cấp mức cắt giảm trung bình, điều này đồng nghĩa với việc các thành viên được tự do lựa chọn sản phẩm sẽ cắt giảm thuế và sản phẩm nào không? Điều này dẫn đến việc tồn tại mức thuế tối đa và mức thuế xoá bỏ, đặc biệt là đối với những sản phẩm mà các nước đang phát triển quan tâm như dệt may, quần áo, giầy dép. Tại vòng đàm phán lần này, các thành viên thoả thuận cắt thuế dựa trên cùng một phương pháp, nơi nào đang có mức thuế cao thì sẽ cắt nhiều hơn những sản phẩm có mức thuế thấp. Nó duy trì một sự can đảm đáng ghi nhận, rằng gần 2/3 thành viên WTO sẽ áp dụng cùng một công thức, chiếm khoảng 97% sản phẩm công nghiệp nhập khẩu của thế giới. Sử dụng công thức này, các nước phát triển sẽ áp dụng cắt thuế đối với tất cả các sản phẩm, không có ngoại lệ, trong khi sự linh hoạt hạn chế có thể áp dụng đối với các thành viên đang phát triển.
Vòng đàm phán này có thể mang lại sự minh bạch và khả năng dự đoán lớn hơn bằng việc tăng số hàng hoá cắt giảm thuế, các mặt hàng sẽ nằm trong mức trần tối đa, tức là mức ràng buộc. Tại vòng đàm phán Uruguay, mức ràng buộc áp dụng cắt thuế trung bình lên là 73%, áp dụng chỉ cho 21 quốc gia thành viên đang phát triển và 99% cho các nước phát triển.
Tại vòng đàm phán Doha, các nước phát triển sẽ áp dụng 100% ràng buộc. 1% tăng thêm này không nên bị bỏ qua khi thương mại liên quan một giá trị đáng kể, ít nhất là đối với các nước Canada, Nhật Bản và Mỹ. Đối với các nước đang phát triển, mức trung bình sẽ tăng lên khoảng 99,7%.
Vòng đàm phán Doha cũng sẽ mang lại sự cắt giảm sâu sắc hơn và xoá bỏ hoàn toàn mức thuế cao vọt lên. Trong khi vòng đàm phán Uruguay đưa ra mục tiêu giảm thuế chung là 33%, mức cắt giảm thực tế thấp hơn mức trung bình trên, đặc biệt là ở một vài nước đang phát triển. Vòng đàm phán này cắt giảm một cách đáng kể hàng hoạt những "đỉnh thuế" mà các nước giàu vẫn đang áp dụng đối với xuất khẩu của các nước đang phát triển, cắt thế ở các nước đang phát triển, đặc biệt là liên quan đến thương mại Nam - Nam.
Bây giờ, cho phép tôi điểm qua tình hình liên quan đến ngành dịch vụ. Tại Hội nghị Bộ trưởng Hồng Kông năm 2005, các thành viên đồng ý vạch ra mục tiêu tập thể với sự chi tiết chưa từng thấy. Các nước đã thoả thuận chấp nhận điều kiện tiếp cận thị trường hiện có của hoạt động biên mậu, nâng cao sự linh hoạt trong các dạng thức thống nhất luật pháp được cam kết và nâng cao cam kết trong lĩnh vực dịch vụ chuyên nghiệp có liên quan chặt chẽ với thương mại. Các thành viên WTO cũng chấp nhận các tiếp cận đa biên về đàm phán "yêu cầu và chào hàng" (request - and - offer), bổ sung cho cách tiếp cận song phương. Đàm phán đa phương sẽ cung cấp nhiều sự tập trung cần thiết vào các lĩnh vực quan tâm và vào các đối tác chiến lược (yêu cầu và được yêu cầu).
Những ngành dịch vụ chủ chốt như dịch vụ tài chính, viễn thông và môi trường sẽ mang lại những lợi ích rõ ràng trong các cuộc đàm phán về phương diện tiếp cận thị trường ngày càng tăng. Vì vậy cơ sở cho vòng đàm phán thứ hai đầy ý nghĩa với những đề nghị được sửa đổi (mà theo dự kiến trước đây là diễn ra vào cuỗi tháng 7) đã được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng và sẽ sớm diễn ra trong bối cảnh các phiên đàm phán sẽ được nối lại hoàn toàn.
Một điểm quan trọng nữa trong cuộc đàm phán này là sự tạo điều kiện thuận lợi cho mậu dịch. Chi phí cho việc vận chuyển hàng hóa qua biên giới khiến cho giá hàng hóa trong nước tăng lên và hạn chế doanh nghiệp trong nước xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài. Theo ước tính trong một nghiên cứu gần đây, được Ngân hàng Thế giới trích trong báo cáo "Kinh doanh năm 2007", mỗi ngày một sản phẩm bị ách lại trong khâu vận chuyển làm giảm 1% thương mại. Một nghiên cứu khác cho thấy nếu giảm 50% chi phí thương mại có thể làm tăng 337 tỉ đô-la mỗi năm trong giá trị thương mại toàn cầu ở lĩnh vực sản xuất, còn lợi ích đối với người tiêu nhờ giảm thuế sẽ tăng gấp ba lần.
Hôm nay, chúng ta sẽ đàm phán một hiệp định hoàn toàn mới về tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại, làm cho những luật lệ thương mại hiện thời phù hợp hơn với phương thức kinh doanh hiện đại của thế giới ngày nay. Bằng cách nào? Bằng cách giảm chi phí giao dịch, góp phần giảm giá hàng hóa cho cả người sản xuất và người tiêu dùng. Bằng cách giảm chi phí vận chuyển. Bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho sự mở rộng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ không thể tự xoay xở với nạn quan liêu và tham nhũng tràn lan. Và cuối cùng, bằng cách giúp chính phủ các nước áp dụng và thực hiện các biện pháp kiểm soát biên giới một cách hiệu quả hơn.
Tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại là một lĩnh vực mà APEC đã thể hiện được sự lãnh đạo và cam kết của mình, và tôi muốn cám ơn các bạn vì điều đó. Ý tưởng nảy sinh từ Nhóm công tác phụ trách vấn đề thuận lợi hóa thương mại của APEC và sự nối kết giữa các biện pháp thuận lợi hóa thương mại và hỗ trợ kỹ thuật cho các nước thành viên kém phát triển hơn đã tạo hứng khởi cho các cuộc đàm phán đa phương.
Các cuộc đàm phán này sẽ cải thiện những luật lệ hiện có về chống bán phá giá và trợ cấp bằng việc mang lại nhiều sự minh bạch và tính có thể tiên đoán được hơn. Các cuộc đàm phán cũng sẽ tạo ra các luật lệ mạnh hơn về các hiệp định thương mại trong khu vực.
Lần đầu tiên, chúng ta sẽ đưa ra các nguyên tắc về trợ cấp thủy sản - hình thức trợ cấp phải chịu một phần trách nhiệm trong việc làm suy kiệt các đại dương của chúng ta. Toàn bộ số lượng tàu thuyền đánh bắt cá hiện nay trên toàn thế giới gồm 24.400 chiếc tàu lớn và hơn 2 triệu tàu thương mại cỡ nhỏ hơn đã kéo khỏi lòng đại dương hơn 80 triệu tấn cá, tức là gấp 4 lần so với năm 1950. Các hình thức trợ cấp thủy sản trên toàn cầu cũng là một nguyên nhân khiến các tàu thuyền đánh bắt cá trên toàn thế giới bị sử dụng quá tải. Trợ cấp thủy sản gây ra tình trạng "quá nhiều ngư dân đuổi theo quá ít cá" như mọi người vẫn thường nhắc đến. Hiện tại, 75% lượng cá đã bị khai thác tối đa hoặc quá mức, và trợ cấp thủy sản toàn cầu hàng năm lên tới xấp xỉ 15 tỉ đô-la Mỹ. Một hiệp định WTO về trợ cấp thủy sản vì vậy có thể góp phần giải quyết tình trạng này.
Sau khi đã đi qua các cuộc đàm phán về các lĩnh vực nông nghiệp, thuế công nghiệp, dịch vụ, sự thúc đẩy và các luật lệ về thương mại, tôi tin rằng không ai có thể nói rằng vòng đàm phán này không đáng để chúng ta cố gắng. Nó xứng đáng với những nỗ lực của chúng ta và đáng để chúng ta cố gắng đưa nó tới thành công. Vòng đàm phán Doha là cơ hội có một không hai trong thế hệ này đối với các nước thành viên WTO, và chắc chắn sẽ đem lại những lợi ích thương mại to lớn và môi trường kinh doanh tốt hơn cho cộng đồng doanh nghiệp.
Cộng đồng doạnh nghiệp APEC có thể đóng góp như thế nào?
Bây giờ, tôi xin phép nói đến vấn đề cuối cùng trong ngày hôm nay: Cộng đồng doanh nghiệp APEC có thể giúp kết thúc vòng đàm phán Doha như thế nào?
Ngày nay, rõ ràng là khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã trở thành khu vực phát triển năng động nhất trên hành tinh này. APEC có dân số 2.6 tỉ người, chiếm khoảng 60% GDP và 50% thương mại toàn cầu. Các nền kinh tế APEC góp công lớn cho sự thành công của vòng đàm phán Doha.
Tôi có ba hy vọng đối với cộng đồng doanh nghiệp APEC:
Đầu tiên, các bạn hãy vận động hành lang với chính phủ nước mình và thúc đẩy sự hoàn tất thành công vòng đàm phán Doha. Như tôi đã giải thích rõ ở trên, cộng đồng doanh nghiệp sẽ là đối tượng hưởng lợi to lớn từ sự thành công của vòng đàm phán này. Vì vậy, các bạn phải có trách nhiệm thúc đẩy chính phủ và các nhà đàm phán nước mình thể hiện cam kết chính trị rõ ràng hơn và linh hoạt hơn bên bàn đàm phán.
Thứ hai, hãy giúp chúng tôi giải thích những lợi ích của vòng đàm phán này với những ai chưa biết là nó bàn về cái gì. Sự ủng hộ của các bạn là rất quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và sự ủng hộ của người dân đối với việc mở cửa thương mại trên quy mô toàn cầu. Chúng ta cần làm điều đó khi mà quá trình toàn cầu hóa đang có những ảnh hưởng nhanh chóng tới nền kinh tế và cơ cấu xã hội của chúng ta, đôi lúc khiến cho người dân lo lắng cũng là điều dễ hiểu.
Thứ ba, hãy tham gia vào các cuộc đàm phán càng nhiều càng tốt, và nói cho các nhà đàm phán của các bạn về những khó khăn, rào cản thương mại và sự đối xử không công bằng mà các bạn gặp phải trong khi làm kinh doanh. Thế giới này đang thay đổi nhanh chóng, cách thức kinh doanh cũng đang thay đổi. Ý kiến hoặc đề xuất của các bạn là rất quý báu đối với chúng tôi về trong quá trình xây dựng luật lệ trong tương lai.
APEC 2006 có một chủ đề rất hay: "Hướng tới một cộng đồng năng động, vì sự phát triển bền vững và thịnh vượng". Tôi rất hy vọng cộng đồng doanh nghiệp APEC có thể giữ vai trò hàng đầu trong việc đảm bảo một môi trường kinh doanh minh bạch và có tiên liệu được, thu hẹp sự khác biệt và tiến tới mậu dịch tự do hơn.
Cuối cùng, tôi xin được nhân cơ hội này cám ơn sự ủng hộ không ngừng của ABAC đối với công việc của chúng tôi, kêu gọi sớm nối lại và kết thúc thành công vòng đàm phán Doha. Các bạn đã đúng đắn chỉ ra trong bản báo cáo lên Lãnh đạo các nền kinh tế APEC rằng "Chương trình nghị sự phát triển Doha là cơ hội có một không hai trong thế hệ này để tạo những bước tiến trong tự do thương mại và phải kết thúc với một kết quả tốt đẹp cho cộng đồng thương mại thế giới".
Sự ủng hộ của các bạn đối với WTO ở vòng đàm phán Doha vào thời điểm quan trọng này là vô cùng cần thiết. Tôi mong đợi việc hợp tác chặt chẽ với các bạn trong những tháng sắp tới để cùng đạt được mục tiêu chung. Tôi trông chờ vào sự ủng hộ của các bạn.
Xin cảm ơn các bạn.