Cục Hàng không đề xuất tăng trần giá vé máy bay
(Dân trí) - Cục Hàng không vừa đề xuất điều chỉnh mức trần khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa về mức quy định tại thời điểm năm 2014, tăng trung bình 3,75% so với khung giá quy định hiện hành.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, trong giai đoạn chịu ảnh hưởng do giá nhiên liệu tăng cao, các doanh nghiệp chủ yếu đề xuất các giải pháp liên quan đến việc miễn, giảm thuế bảo vệ môi trường; giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không và cho phép phụ thu nhiên liệu hoặc điều chỉnh tăng trần khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.
Ngày 30/6, Cục Hàng không Việt Nam đã có báo cáo gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT), trong đó đề xuất các giải pháp về giảm phí chuyên ngành hàng không; giảm thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; giảm giá dịch vụ chuyên ngành hàng không và điều chỉnh tăng mức tối đa khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa.
Cụ thể, Cục Hàng không đề nghị áp dụng mức thu phí thẩm định cấp chứng chỉ, giấy phép, giấy chứng nhận trong hoạt động hàng không… bằng 80% mức quy định. Cơ quan này cũng đề nghị mức giảm tương tự với phí đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tàu bay.
Cục Hàng không Việt Nam đề nghị tiếp tục miễn, giảm thuế bảo vệ môi trường, thuế nhập khẩu đối với nhiên liệu bay đến hết năm 2023.
Liên quan đến việc điều chỉnh tăng mức tối đa khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết đã có văn bản đề xuất điều chỉnh mức trần khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa về mức quy định tại thời điểm năm 2014 (tăng trung bình 3,75% so với khung giá quy định hiện hành).
Theo tính toán của Cục Hàng không, với giả định tỷ trọng chi phí nhiên liệu chiếm hơn 39% tổng chi phí và các yếu tố chi phí khác không có biến động, chi phí nhiên liệu tháng 7/2022 của các hãng hàng không tăng gần 93% so với tháng 12/2014 và tăng gần 115% so với tháng 9/2015, tác động làm tổng chi phí tăng hơn 39% so với tháng 12/2014 và tăng hơn 46% so với tháng 9/2015.
Được biết, ngày 3/7, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 82 về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn. Trong đó, đề xuất chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ mức 1.500 đồng/lít xuống mức 1.000 đồng/lít.