Cục Cảnh sát phòng cháy trả lời về sơn chống cháy không được nghiệm thu

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Có nhiều ý kiến cho rằng, trong hồ sơ thiết kế về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đã chấp thuận cho phép dùng sơn chống cháy, nhưng sơn chống cháy lại không được nghiệm thu về PCCC.

Về thắc mắc trên, Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (C07 - Bộ Công an) cho biết: Nội dung được thẩm duyệt thiết kế về PCCC trên hồ sơ không bao gồm chấp thuận giải pháp bảo vệ chống cháy cho kết cấu công trình, mà chỉ chấp thuận việc đặt ra giới hạn chịu lửa cho kết cấu công trình đó, làm cơ sở đánh giá bậc chịu lửa cho công trình.

Sau khi được thẩm duyệt về PCCC, chủ đầu tư có trách nhiệm lựa chọn nhà thầu và tổ chức thi công kết cấu với các phương pháp bọc bảo vệ khác nhau để bảo đảm giới hạn chịu lửa, không nhất thiết phải dùng sơn chống cháy như dự kiến ban đầu.

C07 giải thích thêm, nhiều trường hợp tại hồ sơ thiết kế đưa ra giải pháp sử dụng sơn chống cháy, tuy nhiên các giải pháp này được đưa ra trên cơ sở kinh nghiệm mà không dựa trên thiết kế chịu lửa của công trình. Do không có thiết kế chịu lửa và khả năng thực tế của các sản phẩm sơn chống cháy có trên thị trường (do không có tập hợp số liệu phục vụ thiết kế của sơn chống cháy), dẫn tới việc thực hiện bất khả thi.

Cục Cảnh sát phòng cháy trả lời về sơn chống cháy không được nghiệm thu - 1

Theo C07, chủ đầu tư chủ yếu thực hiện trên cơ sở kinh nghiệm, có tư duy giống như sử dụng sơn hoàn thiện nội ngoại thất, dẫn tới tình trạng các dự án sau khi thi công không bảo đảm an toàn về PCCC, không được nghiệm thu về PCCC (Ảnh minh họa: Tạp chí kiến trúc).

Thực tế, chủ đầu tư, các đơn vị sản xuất sơn chống cháy và nhà thầu thi công thường không quan tâm đến các nguyên tắc kỹ thuật khi sử dụng sơn chống cháy.

"Chủ đầu tư chủ yếu thực hiện trên cơ sở kinh nghiệm, có tư duy giống như sử dụng sơn hoàn thiện nội ngoại thất, dẫn tới tình trạng các dự án sau khi thi công không bảo đảm an toàn về PCCC, không được nghiệm thu về PCCC", C07 giải thích.

Theo C07, cần hiểu rõ, việc nêu phương án sử dụng sơn chống cháy (các phương án khác) trong thiết kế kết cấu chỉ mang tính định hướng giải pháp, nhưng cần tính đến tính khả thi của phương án đã đưa ra. Khi tổ chức thi công theo hồ sơ thiết kế, nếu phương án bảo vệ chống cháy kết cấu không khả thi có thể lập hồ sơ để thay thế bằng các phương án khác bảo đảm giới hạn chịu lửa cho kết cấu công trình.

Để đảm bảo chất lượng, chủ đầu tư cần lựa chọn các sản phẩm sơn chống cháy đã được thử nghiệm, có tập hợp số liệu phục vụ thiết kế và đã được kiểm định theo quy định (trong trường hợp này, cơ quan Cảnh sát PCCC thực hiện kiểm định mẫu kiểm chứng). Việc chủ đầu tư lựa chọn đơn vị sản xuất sơn chống cháy chưa đảm bảo chất lượng, tổ chức thi công sơn chống cháy khi không có kết quả kiểm định là chưa phù hợp, không tuân thủ quy trình quản lý chất lượng công trình xây dựng.

Nói thêm về sơn chống cháy, C07 cho biết, ngày 24/11/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 136/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.

Tại khoản 2 Điều 38 và mục 5 Phụ lục VII của Nghị định này có quy định "Mẫu kết cấu được bọc bảo vệ bằng các chất hoặc vật liệu chống cháy; mẫu cấu kiện ngăn cháy" phải kiểm định về PCCC.

Quy định này thay thế quy định tại Nghị định 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ, quy định kiểm định vật liệu và chất chống cháy (ví dụ: sơn chống cháy; vật liệu chống cháy; chất ngâm tẩm chống cháy…).

Việc kiểm định mẫu kết cấu bọc bảo vệ bằng chất, vật liệu chống cháy giúp đánh giá đầy đủ bản chất của kết cấu chịu lực làm việc trong điều kiện cháy, chứng minh khả năng bảo vệ chống cháy của các lớp vật liệu bảo vệ cho kết cấu công trình. Quy định này đảm bảo tính khoa học, đồng bộ với các quy định pháp luật về phòng cháy và chữa cháy do Bộ Xây dựng ban hành đã nêu trên, đồng thời phù hợp các tiêu chuẩn quốc tế.

Để triển khai thực hiện các quy định nêu trên, ngày 28/12/2021, Bộ Công an ban hành Thông tư số 123/2021/TT-BCA ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 03:2021/BCA về phương tiện phòng cháy và chữa cháy, có hiệu lực thi hành từ ngày 28/6/2022. Tại mục b, khoản 3.1.1 của Quy chuẩn đã quy định rõ: Mẫu kết cấu, cấu kiện sau khi được cấp giấy chứng nhận kiểm định được sử dụng làm mẫu để sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm đưa ra lưu thông trên thị trường (không yêu cầu cấp giấy chứng nhận kiểm định cho từng dự án, công trình).

"Như vậy, không phải toàn bộ các kết cấu được bọc bảo vệ bằng chất, vật liệu chống cháy đều phải kiểm định về PCCC và không cần thiết phải có giấy chứng nhận kiểm định về PCCC cho từng dự án, công trình cụ thể", C07 nhấn mạnh.