1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Quảng Bình:

Cửa sông bị bồi lấp, hàng trăm tàu cá "bơ vơ"

(Dân trí) - Gần chục năm nay, tình trạng bồi lấp nghiêm trọng ở cửa sông Lý Hòa đoạn qua xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đã khiến hàng trăm tàu thuyền công suất lớn của ngư dân xã này không thể vào neo đậu, đời sống gặp nhiều khó khăn.

Ngư dân gặp khó Hàng trăm ngư dân xã Đức Trạch phản ánh, từ gần chục năm nay, cửa sông Lý Hòa bị bồi đắp, tàu thuyền không thể vào neo đậu nên đời sống ngư dân gặp rất nhiều khó khăn. Có mặt ở cửa biển Lý Hòa, trước mắt chúng tôi là một “sa mạc” cát khổng lồ. Cửa sông nơi đây đang bị bồi đắp nghiêm trọng, nhiều đoạn chỉ còn khoảng chục mét, sâu khoảng 30-40 cm. Xã Đức Trạch có hơn 1.700 hộ dân, trong đó có 65% theo nghề biển. Toàn xã có trên 500 tàu thuyền, trong đó tàu thuyền công suất dưới 20 CV là 255 chiếc, đội tàu đánh bắt xa bờ, công suất từ 90 CV trở lên có 267 chiếc. Tuy nhiên, từ năm 2005 đến nay, cửa sông Lý Hòa ngày càng bị bồi đắp, nắn dòng chảy nên tàu thuyền lớn không thể ra vào, ngư dân đành phải đưa tàu thuyền của mình vào neo đậu tại các ngư trường ở các địa phương lân cận như Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng…

Cửa sông bị bồi lấp, hàng trăm tàu cá bơ vơ
"Sa mạc cát" khổng lồ ở cửa sông Lý Hòa ngăn lối ra vào của hàng trăm tàu thuyền đánh bắt cá công suất lớn của ngư dân xã Đức Trạch

Việc này khiến ngư dân tốn thêm tiền thuê bến neo đậu, tiền phí đi lại, phí bảo dưỡng tàu thuyền và các dịch vụ ăn theo khác. 

Anh Nguyễn Hạc, một ngư dân ở thôn Nam Đức, than phiền: “Ngày trước tàu thuyền trên 100 CV có thể ra vào cửa sông Lý Hòa một cách dễ dàng. Thế nhưng, khoảng gần chục năm trở lại đây, cửa sông này bị bồi lấp nghiêm trọng khiến tàu thuyền không thể vào neo đậu được. Vì thế cuộc sống của ngư dân chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, nhiều hộ ngư dân đã bỏ nghề biển hoặc chuyển sang hình thức kinh doanh khác”.

Cửa
 sông Lý Hòa bị bồi đắp đã khiến hàng ngàn ngư dân xã Đức Trạch gặp rất 
nhiều khó khăn

Cửa sông Lý Hòa bị bồi đắp đã khiến hàng ngàn ngư dân xã Đức Trạch gặp rất nhiều khó khăn
Gia đình anh Hạc có 3 đứa con đang ở tuổi ăn học, vợ anh ở nhà làm nghề “tiện” (ai thuê gì làm nấy). Trước đây, gia đình anh cũng mua sắm tàu thuyền công suất lớn đi đánh bắt xa bờ nhưng từ ngày cửa sông Lý Hòa bị bồi đắp, phải vào neo đậu ở xa, chi phí rất tốn kém nên anh đành bán tàu, sắm chiếc thuyền nhỏ đánh bắt gần bờ. Cuộc sống gia đình vì thế càng khó khăn hơn. Không riêng gì gia đình anh Hạc, hàng trăm hộ dân có tàu thuyền công suất lớn ở xã Đức Trạch cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Nhiều hộ ngư dân đành phải bán tàu lớn để mua thuyền nhỏ đánh bắt gần bờ vì chi phí cho mỗi chuyến ra khơi xa bờ là quá lớn. Chính quyền xã bất lực! Trước thực trạng trên, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Đăng Chiến, Chủ tịch UBND xã Đức Trạch. Ông Chiến thừa nhận tình trạng cửa sông Lý Hòa bị bồi đắp, nắn dòng chảy những năm gần đây là có thật, nó ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của hàng ngàn hộ ngư dân nơi đây. Theo ông Chiến, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do tác động của môi trường, biến đổi khí hậu và thiên tai. Tuy nhiên, việc người dân các xã nằm ở thượng nguồn sông Lý Hòa tự ý ngăn dòng chảy để nuôi trồng thủy sản cũng là một trong những yếu tố dẫn đến tình trạng bồi lấp cửa sông.

Gần chục năm nay, các tàu thuyền công suất lớn không thể vao neo đậu tại cửa sông Lý Hòa
Gần chục năm nay, các tàu thuyền công suất lớn không thể vao neo đậu tại cửa sông Lý Hòa

“Trong những lần tiếp xúc cử tri, UBND xã cũng đã nhiều lần trình bày, đề xuất, kiến nghị lên huyện, tỉnh, nhưng để khắc phục tình trạng trên cần có một nguồn vốn rất lớn trong khi điều kiện của địa phương đang còn nhiều khó khăn. Vì thế, muốn cửa sông Lý Hòa được khai thông, hàng ngàn ngư dân ra khơi thuận lợi, rất cần sự đầu tư từ nguồn vốn của chính phủ”, ông Chiến trăn trở. Ông Chiến cũng cho biết thêm, UBND huyện Bố Trạch cũng rất quan tâm đến vấn đề này và cũng đã nhiều lần cử cán bộ xuống khảo sát thực địa, tìm phương án khắc phục tình trạng sạt lở, bồi đắp ở cửa sông Lý Hòa. Đã có một số công ty xin đầu tư nạo vét để lấy cát xuất khẩu. Tuy nhiên, người dân không đồng tình với phương án trên vì sợ tác động xấu đến môi trường. Mặt khác, do hai bên cửa sông chưa có đê kè nên việc nạo vét sẽ gây nên tình trạng sạt lở, thay đổi dòng chảy làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Đặng Tài - Đăng Đức