Cử tri phê bình về “khoảng trống” trách nhiệm
(Dân trí) - Buổi tiếp xúc cử tri để báo cáo kết quả kỳ họp QH vừa qua của đoàn đại biểu TP.Hà Nội chiều 9/4 “vượt khung” chương trình khi các ý kiến hướng tới đánh giá chất lượng cả một nhiệm kỳ 4 năm hoạt động với nhiều câu hỏi thẳng thắn về trách nhiệm…
Vụ Vinashin - “xử” quá nhẹ so với sai phạm
Gần đây nhất, vụ sập mỏ đá tại Nghệ An, vị cử tri là cựu thanh niên xung phong này cũng thắc mắc, không thấy chủ tịch xã, huyện nào lên tiếng chịu trách nhiệm.
Cử tri đề nghị QH nên đặt vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm với những đại biểu, cán bộ nhà nước trong trường hợp này.
Cử tri Nông Quang Lộc (phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm) đánh giá khách quan QH XII đã thực hiện tốt công tác giám sát, thể hiện rõ nhất qua hoạt động chất vấn. Tuy nhiên, kết quả giám sát lại chưa tương xứng, việc hậu kiểm chưa phát huy được hiệu quả giám sát.
Ông Lộc thắng thắn nêu ý kiến không đồng ý việc xử lý trách nhiệm trong vụ Vinashin vì so với sai phạm, xử như vậy là quá nhẹ, không tương xứng.
Cảm kích trước những ghi nhận của cử tri về mặt được trong công tác giám sát, Tổng Bí thư, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng chia sẻ, nhiều đại biểu rất khó tính cũng phát biểu khẳng định giám sát là một điểm mới nổi bật của QH khóa XII. Từ việc giám sát, nhiều sân golf vi phạm quy hoạch, “ăn” đất lúa đã bị xử lý, vấn đề giá thu mua lúa gạo ở ĐBSCL được giải quyết.
“Nhưng băn khoăn nhất vẫn là vấn đề hậu chất vấn, giám sát thực hiện lời hứa của người trả lời chất vấn. Chúng tôi đã nghe phê bình nhiều và các ý kiến đều “rất trúng” - Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng xác nhận và cho biết sẽ tiếp thu để tiếp tục cải tiến QH khóa tới.
Luật Thủ đô không thông vì chưa buộc được trách nhiệm
Với những ý kiến băn khoăn về việc Luật Thủ đô lại một lần nữa bị đình lại trong kỳ họp cuối cùng của QH khóa XII, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng chia sẻ, là một công dân thủ đô, về tình cảm cá nhân, hơn ai hết, ông muốn dự luật được thông qua. Tuy nhiên, quyền của đại biểu đã thể hiện rõ qua kết quả “bấm nút” và việc chưa thông qua Luật Thủ đô, theo Chủ tịch QH là vì trách nhiệm, vì muốn khi luật đã ban hành phải đi vào cuộc sống.
“Tôi đã có kinh nghiệm về việc này khi cùng làm Pháp lệnh Thủ đô - thể chế hóa từ Nghị quyết 15 của QH khi đó nhưng thực tế pháp lệnh khi triển khai không đi vào cuộc sống được bao nhiêu vì nội dung chủ yếu vẫn chỉ là những hô hào, vận động, khuyến khích” - Chủ tịch QH thật tâm chia sẻ.
Giãi bày thêm, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo cũng cho biết, quá trình chuẩn bị dự thảo luật rất công phu với nhiều chuyên gia được huy động để tham gia soạn thảo cùng Bộ Tư pháp.
Việc dự luật vừa qua không được QH thông qua, chưa nhận được sự đồng thuận của đông đảo đại biểu, ông Thảo nhìn nhận nguyên nhân cơ bản nhất là nội dung dự luật chưa đáp ứng mong muốn của đại biểu về những điểm đặc thù áp dụng cho thủ đô, để làm sao không chỉ tăng quyền lợi mà còn ràng buộc trách nhiệm đối với một đô thị đặc biệt.
Chủ tịch thành phố xin được thông cảm vì đây là một luật khó thiết kế, chưa có tiền lệ. Đối chiếu các nước từng có luật này quan điểm xây dựng lại rất khác nhau. Ban soạn thảo cũng đã cử cán bộ đi thực tế, xem xét, học hỏi kinh nghiệm nhiều nước cả châu Âu, châu Á nhưng vẫn chưa… thông.
Ông Thảo khẳng định thành phố sẽ tiếp tục phối hợp cùng Bộ Tư pháp, Chính phủ để chỉnh sửa, hoàn thiện dự luật, tiếp tục trình QH khóa tới.
Cử tri Nông Quang Lộc phàn nàn về vấn đề điều hành, kiểm soát giá cả. Giá các mặt hàng thiết yếu vẫn liên tục tăng trong khi thu nhập của người làm công ăn lương lại quá thấp nên biến động giá cả tác động rất lớn đến đời sống.
Các biện pháp kiềm chế lạm phát đang triển khai của Chính phủ, ông Lộc cho rằng đã bước đầu phát huy hiệu quả, nhưng tiến độ cải cách tiền lương vẫn quá chậm, không theo kịp thực tế nên bộ phận lớn những người làm công ăn lương rất khó khăn để lo đời sống.
“Không biết lãnh đạo nhà nước có nghe lời phàn nàn đi chợ giờ không biết mua bán gì vì giá mặt hàng nào cũng cao. Ngày xưa đói khổ đã quen cảnh ai đi làm cũng xách theo cặp lồng cơm, nay cảnh ấy lại tái diễn” - ông Lộc liên hệ.
Cử tri Nguyễn Huyền Trang (sinh viên trường ĐH KHXH&NV) cũng nêu bức xúc về tác động của “bão giá” với đời sống sinh viên. Giá thuê nhà, điện nước theo Trang hiện đã quá cao so với “sức chịu đựng” của rất nhiều sinh viên tỉnh xa. Vấn đề đáng bàn, theo cử tri này là việc giá nhà trọ tăng không theo quy luật, nguyên tắc nào mà hoàn toàn theo “sở thích” của chủ nhà.
Đại diện cho nhóm cử tri là học sinh, sinh viên, Nguyễn Huyền Trang đề nghị xây dựng chế tài quản lý, điều chỉnh hoạt động kinh doanh nhà trọ này. Giải pháp lâu dài hơn, cử tri nêu nguyện vọng được nhà nước quan tâm hơn việc xây dựng các khu ký túc xá để sinh viên có điều kiện sinh hoạt tốt hơn cũng như việc quản lý tập trung, hiệu quả hơn.
Trả lời cho băn khoăn này, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khẳng định, chủ trương hỗ trợ tiền thuê nhà, tiền điện nhà nước có quy định cụ thể chế độ tới từng đối tượng. Tuy nhiên, xét theo tiêu chí những chủ hộ cho thuê nhà là người kinh doanh, không phải đối tượng được miễn giảm, trợ giá. Nhưng công nhân, sinh viên… người sử dụng trực tiếp điện, nước thì lại là đối tượng được thụ hưởng chính sách.
Nghịch lý này, ông Thảo cho biết, thành phố đang kiến nghị Bộ Tài chính xem xét để có cách thức điều chỉnh cho phù hợp.
P.Thảo