1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bình Định:

Cử tri lo lắng về vấn nạn tín dụng đen, đòi nợ kiểu “xã hội đen”

(Dân trí) - Không chỉ ở thành thị, tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen đã tràn về cả các vùng quê, nhất là khu vực ngư dân. Đặc biệt khi đòi nợ các đối tượng hành xử theo kiểu “xã hội đen” khiến người dân bất an.

Cử tri lo lắng về vấn nạn tín dụng đen, đòi nợ kiểu “xã hội đen” - 1
Đại biểu HĐND Bình Định lo lắng vấn nạn cho vay nặng lãi, đòi nợ kiểu “xã hội đen” gia tăng.

Ngày 12/12, tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định lần thứ 11 (khóa XII), nhiệm kỳ 2016-2021, vấn nạn cho vay nặng lãi, đòi nợ, đòi nợ thuê kiểu giang hồ khiến người dân bất an đã làm “nóng” nghị trường.

Theo bà Nguyễn Thị Phong Vũ, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Định, tình trạng băng nhóm “xã hội đen” hoạt động cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê ngày càng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Không chỉ ở thành thị, tín dụng đen đã tràn về cả các vùng quê, nhất là khu vực ngư dân, khi đòi nợ thì hành xử theo kiểu giang hồ khiến người dân lo lắng.

Cử tri lo lắng về vấn nạn tín dụng đen, đòi nợ kiểu “xã hội đen” - 2
Bà Trần Thị K. một người dân ở TP Quy Nhơn lo lắng vì bị "xã hội đen" kéo đến nhà đập phá đồ đạc để đòi nợ do con trai bà vay tín dụng đen không trả.

“Thời gian qua, hoạt động tín dụng đen, đòi nợ thuê diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng đang là vấn đề lo lắng, bức xúc trong nhân dân. UBND tỉnh cần chỉ đạo các ngành chức năng kiên quyết xử lý, ngăn chặn triệt để tệ nạn này để giữ ổn định an ninh trật tự ở địa phương”, bà Vũ kiến nghị.

Theo Công an tỉnh Bình Định, phần lớn các đối tượng cho vay tín dụng đen, cầm đồ là người ở địa phương khác đến Bình Định tự lập hội, nhóm hoạt động nên việc kiểm soát gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, nhu cầu vay nóng của người dân, đặc biệt là nhiều đối tượng thanh thiếu niên ham ăn chơi, đua đòi, cờ bạc… đã tạo điều kiện cho loại hình này hoạt động mạnh và có chiều hướng gia tăng.

“Các đối tượng lợi dụng kẽ hở của pháp luật để luồn lách hoạt động. Một số đối tượng ở địa phương khác đến hoạt động cho vay hoặc cấu kết với các đối tượng ở địa phương cho vay dưới nhiều hình thức trá hình, thủ đoạn rất tinh vi, xảo quyệt như: mở công ty bán vé máy bay, mua bán, cho thuê xe máy, hỗ trợ tài chính… gây khó khăn trong việc phát hiện, thu thập chứng cứ”, đại diện Công an tỉnh Bình Định thông tin.

Cũng theo Công an tỉnh Bình Định, hiện Bình Định có 12 công ty, 11 cơ sở hoạt động trá hình để cho vay nặng lãi; 8 nhóm và 127 cá nhân hoạt động riêng lẻ cho vay nặng lãi.

Năm 2018, các cơ quan chức năng tỉnh đã khởi tố 4 vụ, xử lý hành chính 22 trường hợp liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi, tín dụng đen và có hành vi đòi nợ côn đồ.

Năm 2019, các cơ quan chức năng tiếp tục khởi tố 12 vụ với 31 bị can liên quan đến vấn nạn trên. Ngoài ra, công an các địa phương đã vận động, yêu cầu tháo bảng hiệu, ngừng hoạt động cho vay và yêu cầu đi khỏi địa phương là 125 trường hợp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, mặc dù tỉnh đã triển khai quyết liệt nhưng tình trạng vay nóng, cho vay nặng lãi, tín dụng đen vẫn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng.

Cử tri lo lắng về vấn nạn tín dụng đen, đòi nợ kiểu “xã hội đen” - 3
Các đối tượng đòi nợ xịt sơn lên cửa nhà bà Trần Thị K. để đòi nợ hồi tháng 10/2019.

“Hiện nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo công an tỉnh và các đơn vị chuyên môn áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, gọi hỏi răn đe và củng cố hồ sơ, tài liệu để xử lý nghiêm. Thời gian đến, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo công an tỉnh chủ trì phối hợp với các địa phương đấu tranh với các băng nhóm cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê. Kiểm tra chặt chẽ các cơ sở núp bóng dưới danh nghĩa công ty cho vay, hỗ trợ tài chính nhằm phát hiện xử lý kịp thời các vi phạm. Đồng thời, vận động người dân tố giác các băng nhóm cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê”, ông Thanh cho hay.

Doãn Công

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm