1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Kon Tum:

“Cứ nhận trợ cấp mãi thấy có lỗi với lương tâm lắm!”

(Dân trí) - “Cứ nhận trợ cấp mãi mình thấy có lỗi với lương tâm và những hộ nghèo khác lắm. Mình luôn dặn các con, có sức khỏe thì phải lao động, đừng lười mà ỉ lại vào sự hỗ trợ dành cho người nghèo”.

Khi hộ nghèo viết đơn xin... thoát nghèo

Chị Y Tuyết (SN 1982, thôn Đăk Trăm, xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô) có 5 người con. Trong đó 2 người con của chị bị thiểu năng trí tuệ và tim bẩm sinh. Hai vợ chồng chị vừa làm để lo cuộc sống vừa tích góp tiền lo chữa trị cho 2 con.

Hàng ngày, vợ chồng chị canh tác 1 sào lúa, 5 sao mì và hơn 500 gốc cà phê. Thời gian rảnh, chồng chị Y Tuyết còn xin làm thợ xây để có tiền lo cho gia đình.

Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng gia đình anh chị vẫn động viên nhau cố gắng. Chị Y Tuyết tâm sự, vợ chồng chị còn sức khỏe nên không muốn nhận trợ cấp nữa. Chị muốn nhường cho những người nghèo, người già được hưởng trợ cấp của nhà nước.

“Cứ nhận trợ cấp mãi thấy có lỗi với lương tâm lắm!” - 1

Hàng chục hộ gia đình còn khó khăn nhưng vẫn viết đơn xin thoát nghèo để nhường lại suất cho các hộ gia đình khó khăn hơn

Tương tự, chị Y Ly (SN 1993, trú xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô) mặc dù phải nuôi hai con ăn học chỉ với 2 sào lúa, 7 sào mì và bời lời nhưng vẫn quyết định viết đơn xin thoát nghèo vào năm 2019. “Vợ chồng mình còn trẻ, còn khỏe nên lao động được. Mình muốn tự lao động để trang trải cuộc sống, không muốn sống mãi trong cái nghèo, cái đói”, chị Y Ly bộc bạch.

Những năm trước, gia đình ông A Thư (trú làng Đăk Kang Peng, xã Diên Bình, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum) là một trong những hộ nghèo tại địa phương. Nhà có 10 người con nhưng chỉ biết trông chờ vào vài sào rẫy cà phê. Hai vợ chồng ông A Thư bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mãi cũng chẳng đủ lo cho 12 miệng ăn.

Cuộc sống của gia đình ông A Thư ngày càng túng thiếu khi người con thứ 4 là A Thuận mắc bệnh ung thư máu. Hai vợ chồng ông làm quần quật sáng tối, hết việc này đến việc khác cũng không đủ lo cho con. Những đồ dùng giá trị trong nhà cũng bán dần để có tiền chữa chạy cho A Thuận. Tuy nhiên, căn bệnh quái ác đã cướp đi sinh mạng người con xấu số của ông.

“Cứ nhận trợ cấp mãi thấy có lỗi với lương tâm lắm!” - 2
Tuy gia đình còn khó khăn, nhưng họ vẫn nỗ lực lao động và tìm mọi cách phát triển kinh tế

Thương bố mẹ vất vả, các con của ông A Thư cũng nghỉ học dần ở nhà phụ làm nương rẫy. Có đứa vào tận Bình Dương để làm ăn với hi vọng giúp bố mẹ bớt nghèo. Qua thời gian, một số người con của ông A Thư cũng lập gia đình, tự lao động và lo cho cuộc sống nên vợ chồng ông A Thư bớt vất vả hơn.

Khi cái ăn đã đủ, không còn phải lo đói nữa thì ông A Thư bàn bạc với vợ viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo để nhường suất lại cho những hộ khó khăn hơn.

“Trong làng vẫn còn nhiều nhà đông con, thiếu cái ăn cái mặc. Nhà mình nhận trợ cấp nhiều năm rồi. Giờ mình không dư giả nhưng cũng đủ ăn nên xin ra khỏi hộ nghèo để nhường suất hỗ trợ cho những hộ cơ cực hơn. Cứ nhận trợ cấp mãi mình thấy có lỗi với lương tâm và những hộ nghèo khác lắm. Hai vợ chồng mình còn khỏe, còn lao động và lo cho cuộc sống được. Mình luôn dặn các con, có sức khỏe thì phải lao động, đừng lười mà ỉ lại vào sự hỗ trợ dành cho người nghèo”, ông A Thư nói.

Tỉ lệ hộ nghèo giảm

Theo ghi nhận, huyện Đăk Tô là địa phương có số hộ dân viết đơn xin thoát nghèo nhiều nhất tỉnh Kon Tum trong giai đoạn 2016 – 2019, với 49 hộ. Trong đó, Đăk Trăm là xã chiếm tỉ lệ lớn, với 21 hộ. Đây cũng là địa phương có điều kiện, địa hình phức tạp, đời sống của bà con nhân dân chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp nên tỉ lệ hộ nghèo còn cao. Tính đến cuối năm 2015, xã Đăk Trăm vẫn còn 32,47% hộ nghèo, 5,25% hộ cận nghèo. Tuy nhiên, nhờ thực hiện tốt công tác giảm nghèo, đến nay, xã chỉ còn 24,35% hộ nghèo và hộ cận nghèo chiếm 7,52%.

Ông Trương Đình Tuệ (Chủ tịch UBND xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô) cho biết, thời gian qua địa phương đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền cho bà con nhận thức đúng về công tác giảm nghèo. Từ đó, người dân chăm chỉ lao động, sản xuất khiến kinh tế gia đình ổn định, vươn lên thoát nghèo.

“Cứ nhận trợ cấp mãi thấy có lỗi với lương tâm lắm!” - 3

Mặc dù chỉ mới đủ ăn nhưng ông A Thư (bên phải) xin thoát nghèo để nhường hỗ trợ lại cho những hộ khó khăn hơn.

“Trên địa bàn mặc dù nhiều hộ gia đình vẫn còn một số khó khăn nhưng người dân đã tự giác xin ra khỏi diện hộ nghèo. Việc người dân viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo không chỉ giảm gánh nặng về tỉ lệ hộ nghèo cho địa phương, mà người dân đã nâng cao được nhận thức, phát triển kinh tế. Nhờ vậy, giai đoạn 2016 – 2019, bình quân mỗi năm xã Đăk Trăm đã giảm được trên 3% số hộ nghèo”, ông Tuệ nói.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Trung Thuận - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Kon Tum cho biết, trong năm 2019, trên địa bàn tỉnh đã có 83 hộ dân viết đơn xin thoát nghèo.

Sau khi nhận được đơn, ngành LĐ-TB&XH đã phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, đánh giá cụ thể và nhận thấy các hộ dân này cơ bản có kinh tế ổn định, vượt qua ngưỡng chuẩn nghèo quốc gia, thoát nghèo bền vững. Những hộ làm nông nghiệp kinh tế cũng có những chuyển biến tích cực. Một số hộ xây dựng mô hình vườn – ao – chuồng hoặc kinh doanh, buôn bán.

Ông Thuận cho hay, việc người dân xin thoát nghèo là điểm sáng trong công tác giảm nghèo tại địa phương. Đây là những tấm gương tốt để các hộ nghèo trên địa bàn học tập, noi theo. Do đó, đơn vị sẽ tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ để hướng dẫn cho các hộ vươn lên thoát nghèo.

Thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh Kon Tum đã thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 và Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016 – 2020. Nhờ đó, tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm sâu, từ 26,11% vào cuối năm 2015 xuống còn 13,62% cuối năm 2019.

Để đạt được thành quả trên, có sự đóng góp không nhỏ của những lá đơn xin thoát nghèo của hàng chục hộ dân trên địa bàn tỉnh.

Phạm Hoàng