1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Quảng Nam:

Cứ nghỉ học lại lặn biển vớt rong

(Dân trí) - Bờ môi tím tái, cả thân hình gầy gò, đen sạm run lên bần bật trong cái nắng chói chang giữa mênh mông bờ cát, miệng thở phì phò, hai đứa trẻ không cất nổi câu chào tròn miệng vì quá cóng lạnh do phải lặn sâu, ngâm lâu dưới biển...

Đó là hai cậu nhóc Ngô Quang Hội (16 tuổi) và Đoàn Trung Lương (14 tuổi), học sinh trường THCS Trần Hưng Đạo, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, Quảng Nam, mà chúng tôi tình cờ gặp trên bãi biển xã Tam Quang.



Cứ nghỉ học lại lặn biển vớt rong - 1

Hai cậu nhóc Hội và Lương vật lộn đưa thuyền rong vào bờ

Ở cái vùng quê nghèo khó này, trẻ con từ trong bụng mẹ đã xuống biển, 4 tuổi đã biết bơi gần, 8 tuổi đã có thể tập tành làm ngư phủ. Cuộc sống quanh năm bám biển, hết cào ốc, mò ghẹ, rồi câu mực đến vớt rong, lặn sò… Cứ thế, chúng lớn lên theo mỗi con nước triều lên.

 

Nghỉ học là đi vớt rong

 

Con thuyền rong lênh đênh trên biển, bất ngờ hai cái đầu nhỏ nhoi lên khỏi mặt nước, một mớ rong mơ nổi lên cùng được hất vào thuyền. Nói là thuyền cho oai, thực ra đó là hai miếng xốp dài cỡ 1,2 m, được cột vào hai thanh củi khô, đám trẻ dùng để đựng rong biển. Chờ cho con sóng đánh mạnh vào bờ, lợi dụng sức nước, sau một hồi lâu vật lộn, con thuyền rong cũng được kéo lên bờ.

 

Đang mùa rong mơ nên hầu hết các ngư dân trong vùng đều xuống biển vớt rong. Người lớn thì ra xa, lặn sâu; đàn bà, trẻ nhỏ chỉ loanh quanh gần bờ, men theo các mỏm đá để lượm lặt chút rong sót. Dọc bờ biển này là một màu xanh đen của rong mơ ngư dân vớt từ biển lên phơi. Mùa rong năm nay được giá, bình quân mỗi kg rong khô có giá gần 50.000 đồng, nhưng để có được một kg rong khô không biết bao nhiêu kg rong tươi mà kể.
 
Cứ nghỉ học lại lặn biển vớt rong - 2

 

Thế nên những cậu nhóc như Hội, như Lương tranh thủ tận dụng từng ngày nghỉ để đi vớt rong phụ cha mẹ. Cậu nhóc Lương “đen” cho biết cứ chủ nhật, nghỉ học là cậu lại ra biển vớt rong. “Bọn cháu chỉ có cái kính lặn để xuống sâu thấy rong, không có bình khí như người lớn. Nếu có thì cũng không mang được vì áp suất lớn sẽ gây nổ bình. Lặn lâu thành quen, chỉ hơi đau tai một chút”, Lương hồn nhiên.

 

Còn Hội, 16 năm tuổi đời, cậu đã có 6 năm tuổi nghề lặn biển vớt rong. “Cháu đi biển từ lúc 10 tuổi, mới đầu chỉ dám bơi gần bờ, giờ thì có thể ra xa vài trăm mét nước để lặn vớt rong. Cứ một buổi đi học, một buổi xuống biển lặn vớt rong, ngày nghỉ thì đi biển cả ngày”, Hội kể.
 
Cứ nghỉ học lại lặn biển vớt rong - 3
Tự thưởng cho mình một nắm mì tôm sống sau một chuyến lặn biển vớt rong.

 

Mỗi ngày 5 chuyến vào ra

 

Lương nói mỗi ngày nghỉ như ngày chủ nhật này, Lương và Hội đi được 5 chuyến, tính ra cũng kiếm được vài ba chục ngàn phụ thêm ba, người cũng đang lặn vớt rong ngoài kia. Có điều mỗi khi gặp phải con nước rút, nếu không cố hết sức bơi vào bờ thì chỉ có nước chết.
 
Cứ nghỉ học lại lặn biển vớt rong - 4
Lại ra khơi sau khi đã đổ rong lên bờ.

 

“Ở bãi tắm này năm nào cũng có người chết, nhưng chủ yếu là mấy chú đi khơi mắc bão. Ban đầu đi lặn cũng sợ lắm, nhưng miết rồi quen dần” - Lương kể.

 

Ngày chủ nhật hoặc vào mùa hè, bãi biển này có khoảng hơn chục đứa trẻ ở độ tuổi như Lương, như Hội; đa phần chúng là con ngư dân nghèo và đa phần đều đã quen với nỗi sợ biển.

 

Anh Ngô Quang Minh, chú của Hội, cho biết: Ở vùng nghèo khó này, trẻ con chưa kịp lớn đã phải theo cha ra biển, tập chèo thuyền thúng, tập lặn biển… để khi lớn lên không theo được con chữ thì phải biết đi biển mà kiếm sống.
 
Cứ nghỉ học lại lặn biển vớt rong - 5
Trẻ con chưa kịp lớn đã tập làm ngư phủ.

 

Theo anh Minh, mỗi ngày anh phải bơi ra xa, lặn sâu 3-4 m cũng chỉ kiếm được gần trăm nghìn, mà đó là vụ chính. “Lo toan sao cho đủ từng ngày mấy miệng ăn là tốt lắm rồi! Sống với biển thì phải theo biển thôi, biết làm gì bây giờ”.

 

Rời vùng biển nghèo khi mặt trời đã chênh chếch sau núi, ám ảnh mãi chúng tôi là hình ảnh run lẩy bẩy của hai đứa trẻ đang cố sức kéo thuyền rong dưới biển ngược lên bờ... 

 

Trọng Huy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm