1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Những đứa trẻ ngày ngày đi xin cá

(Dân trí) - Hơn chục đứa trẻ ngồi nấp sau những chiếc tàu cập bến ở cảng cá Thuận An (Thừa Thiên Huế) hướng mắt ra xa, ngóng chờ từng chuyến tàu cá trở về, mong xin được mấy con cá vụn...

Những đứa trẻ ngày ngày đi xin cá - 1

Thành quả Phạm Văn Chiến thu được sau một buổi chiều đi xin cá.
 
Bám thuyền kiếm sống

 

Có mặt ở cảng từ lúc một giờ chiều, Phạm Văn Chiến, lớp 6, trường THCS Thuận An, khi nào cũng là người đến cảng sớm nhất, mong xin được nhiều cá hơn. Sinh ra ở thôn Tân Bình, xã Thuận An, trong một gia đình nghèo, bố mẹ đi đánh cá thuê, lại là anh cả của hai đứa em, Chiến khi nào cũng phải lo từng bữa ăn chu đáo cho các em. Buổi sáng đi học, trưa về khua vội bát cơm xong là Chiến có mặt ở cảng. Em tâm sự: “Bố mẹ vất vả lắm mới có tiền cho em đi học, bố mẹ đi làm suốt ngày, không có cái gì ăn cơm, em lại đạp xe ra cảng xin cá về nấu”.

 

Chiến khoe: “Để có tiền học thêm môn toán, cứ chiều đến em lại ra cảng xin cá, được con nào bán con đó”. Một buổi xin như thế thường Chiến thu được vài con cá “mè ranh”, hôm nào may mắn xin mươi thuyền cũng được một cân; cũng có hôm xui đã không được cá còn bị chủ thuyền chửi té tát.

 

Cùng trong đám trẻ đi xin cá nhưng Chiến khác xa với những đứa trẻ khác vì em vẫn còn đang được tới trường. Khuôn mặt hiền lành cũng giúp Chiến dễ xin được cá hơn. Vì vậy thành quả mà Chiến thu được bao giờ cũng nhiều hơn các bạn.

 

Với hơn một năm “kinh nghiệm” trong “nghề” đi xin cá, Chiến đã rút ra cho mình được những “bí quyết” riêng. Mỗi khi tàu bốc cá lên bờ, em không như lũ bạn nháo nhác chạy ra xin, vừa không được lại còn bị chửi. Em ngồi chờ đến khi nào thuyền bốc hết mới lại xin mấy con cá vụn còn vương vãi trên thuyền. Xin thế hiếm khi không được.

 

Hầu hết trong nhóm đi xin cá của Chiến, đứa nào cũng nghỉ học từ rất sớm. Như Trần Văn Chiều ở thôn Tân Lập, nhà có 9 anh em, nhà nghèo, Chiều nghỉ học từ năm lớp 5. Hay Phạm Văn Tính nhà có 7 anh chị em, bố mẹ đi đánh cá thuê, đã bỏ học từ năm lớp 6. Cũng có những đứa trẻ ở đây không hẳn nhà quá nghèo mà vì bố mẹ không quan tâm, học hành kém, chán học nên chúng bỏ học đi lang thang, rủ nhau ra cảng trộm cá bán lấy tiền mua đồ ăn. “Con sâu làm rầu nồi canh”, thế nên ở đây họ ghét bọn em lắm, Chiến cho hay.

 

Trong lúc chờ bốc cá, Chiến giơ tay chỉ một người bạn cùng “nghề” bé tí xíu. Đó là Trần Văn Mây, sống cùng gia đình trên đò, đang học lớp 3 Ttrường tiểu học Thuận An. Còn bé nhưng Mây đã là một tay chèo cừ khôi. Chúng tôi hỏi vì sao em đi xin cá, em hồn nhiên: “Mẹ xúi đi xin, được nhiều thì mang về bán, còn không thì để nấu cơm ăn. Mẹ bảo bán cá lấy tiền cho em học”.

 

Xin cá hay trộm cá?

 

Anh Nguyễn Văn Hùng (bảo vệ cảng cá) cho biết: “Hiện tượng xin cá có từ 7 năm nay rồi, từ khi cảng cá mới thành lập. Bây giờ phải có đến hai chục đứa cứ chiều chiều là tập trung ở đây, chúng xin cá thì ít mà trộm cắp thì nhiều. Hầu hết bọn chúng là con nhà nghèo, không được bố mẹ quan tâm”.

 

Đã nhiều lần chủ tàu phản ánh hiện tượng trên với bảo vệ nhưng đám trẻ này càng lúc càng nhiều. Lực lượng bảo vệ cũng gần như bó tay vì đối tượng còn quá nhỏ. Nhiều hôm đuổi mãi chúng không đi, thậm chí càng đuổi càng đến.

 

“Chúng tôi đã dùng nhiều biện pháp mạnh để cho chúng sợ nhưng vô ích. Có hôm rình mãi mới túm được mấy đứa, lập biên bản chán rồi cũng phải thả, vì bọn nó có biết chữ đâu. Khi báo cho người nhà biết xuống đưa con về thì chúng tôi lại bị người nhà chúng chửi cho một trận te tua… Tổ bảo vệ chỉ còn cách báo về cho chính quyền địa phương”, anh Hùng nói.

 

Anh Hùng hài hước: “Ở đây nó sợ mình lắm, nhưng mình cũng sợ nó. Bắt chúng nó nhiều, đến mức dọa đập chúng đến nỗi mỗi lần nhìn thấy những người áo xanh là chúng bỏ chạy toán loạn, mỗi đứa một nơi tẩu thoát. Nhiều hôm đi ngang qua không biết bọn chúng nấp ở đâu, móc đất, cát ném mình bẩn hết cả quần áo”.

 

Theo anh Hùng thì quả cũng có hoàn cảnh đáng thương. Tuy nhiên phần lớn đám trẻ ở đây rất “khó thương” và không được giáo dục đầy đủ. Anh cho biết trên cảng, dưới thuyền hở ra cái gì là mất cái đó. Có hôm đám trẻ lấy cả cái ghế nhựa trong thuyền rồi đập tan cả tấm kính.

 

Đám trẻ hành “nghề” xin cá ở cảng Thuận An đã gây bất bình cho rất nhiều chủ thuyền và những người làm công tác an ninh. Tuy nhiên, xét đến cùng, bọn chúng vẫn chỉ là những đứa trẻ chưa qua tuổi chơi, tuổi học, chỉ vì nhà nghèo, vì cha mẹ thiếu quan tâm dạy dỗ, thậm chí bị cha mẹ biến thành công cụ kiếm sống cho chính mình.

 

Lê Văn Dương