Cụ bà bị con bỏ rơi giữa đường
Đã gần một tháng kể từ khi bà Liễu Thị Hương (86 tuổi, ở TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) bị bỏ rơi, không ai trong số 7 người con đến đón mẹ - hiện tạm ở Trung tâm Bảo trợ xã hội (BTXH) tỉnh.
Câu chuyện bạc đãi người cao tuổi, đặc biệt là người sinh ra mình, khiến dư luận bức xúc.
Theo lời kể của ông Nguyễn Thanh Châu, Giám đốc Trung tâm BTXH tỉnh Bình Định, đêm 8/9, một tài xế taxi chở một bà cụ đến trước trung tâm. Người tài xế kể lại rằng tầm 21 giờ 30 phút, ông nhìn thấy bà cụ đang nằm trên vỉa hè (thuộc phường Bình Định) và vẫy tay tìm sự giúp đỡ. Nhận thấy bà cụ bị liệt nửa người, hai chân không đi được, sức khỏe yếu, thời tiết bên ngoài lại lạnh nên ông chở bà đến trung tâm, hy vọng bà sẽ có chỗ qua đêm trước khi bà được về với gia đình.
Mẹ già trên vỉa hè giữa đêm lạnh
“Tuy nhiên, về mặt chức năng, Trung tâm BTXH tỉnh không tiếp nhận người lang thang, cơ nhỡ nếu chưa xác minh đầy đủ thông tin và có sự chỉ đạo của Sở LĐ-TB&XH. Cùng lúc này, Công an phường Bình Định cũng nhận được thông tin về trường hợp này. Trước tình huống ấy, lãnh đạo Sở đã đồng ý cho Trung tâm tạm nhận bà Liễu Thị Hương thông qua sự chuyển giao của Công an phường Bình Định”, ông Châu cho biết thêm.
Khác với hình dung ban đầu về hình ảnh người mẹ bị bỏ rơi giữa đường với những cảm xúc thường thấy như buồn tủi, giận hờn, cụ bà mà chúng tôi tiếp xúc nói rất nhẹ về những gì đã xảy ra. Cuộc trò chuyện kéo dài hơn 30 phút hầu như không có những giọt nước mắt tủi giận.
Chắp vá từ những câu chữ lúc được lúc mất, những dữ liệu lúc nhớ lúc quên của bà, mới biết, bà có 7 người con. Trong đó, 3 người con gái đang định cư ở nước ngoài. Bà hiện đang ở với gia đình người con trai là Trần Văn A. Tối 8/9, ông A. vắng nhà, bà H. - vợ ông A. - mặc cho bà một bộ quần áo mới, mua một hộp xúc xích rồi đưa bà lên xe taxi. Sau đó, họ để bà giữa đường rồi đi mất.
Ngay sau khi tìm hiểu thông tin, Sở LĐ-TB&XH đã gửi văn bản đến gia đình ông Trần Văn A. (ở 44 Lý Thái Tổ, TP Quy Nhơn - theo lời kể của bà Hương) đề nghị gia đình đón bà Hương về trước ngày 26/9 nhưng gia đình ông A. không có phản hồi.
Đến ngày 26/9, Sở tiếp tục có văn bản đề nghị UBND TP Quy Nhơn xác nhận địa chỉ và thân nhân của bà Hương, đồng thời yêu cầu các con đón và chi trả mọi chi phí ăn uống, chăm sóc, nuôi dưỡng cho bà thời gian qua tại Trung tâm BTXH tỉnh trước ngày 1/10. Văn bản này cũng nêu rõ: Nếu các con của bà Hương không thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng mẹ, Sở sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an để truy cứu trách nhiệm.
Vòng vo, đùn đẩy trách nhiệm
Có lẽ do trí nhớ không được tốt, 2 trong số 3 địa chỉ của bà Liễu Thị Hương cung cấp về nơi ở của con trai không đúng. Chỉ còn lại địa chỉ của nhà người con thứ Trần Minh X. (Hàm Nghi, phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn). “Theo báo cáo của phường, khi đến làm việc, gia đình ông X. thông báo là các thành viên đã thống nhất giao việc chăm lo mẹ cho ông Trần Văn A. nên đề nghị liên hệ trực tiếp với ông A. Việc con cái nghe tin mẹ bị bỏ rơi và đang sống một mình như người không có nơi nương tựa mà không “nóng ruột” đón mẹ về mà lại đẩy qua cho người chăm sóc chính cho thấy các con hết sức thờ ơ, vô trách nhiệm với mẹ”, ông Vũ Ngọc Hiệp, Trưởng phòng LĐ-TB&XH TP Quy Nhơn, nhận định.
“UBND tỉnh đã cho phép tiến hành mở rộng Trung tâm Chăm sóc Người có công tỉnh theo hướng xã hội hóa để nhận chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi, đối tượng hưu trí mà gia đình không có điều kiện chăm sóc. Sở LĐ-TBXH đang xây dựng đề án, tiến hành lấy ý kiến đóng góp của các ban, ngành, đơn vị liên quan để hoàn thiện và trình lên UBND tỉnh” - ông PHAN NHƯ HẢI, Phó Giám đốc phụ trách Sở LĐ-TB&XH. |
Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại (do gia đình ông X. cung cấp), ông A. phân bua rằng mẹ ông tự gọi xe đi khỏi nhà chứ không có chuyện bỏ mẹ giữa đường. Đề cập đến việc tại sao vẫn chưa đón mẹ trở về, ông cho biết: “Ráng, ráng vài bữa nữa, gia đình sẽ lên đón bà. Nhưng đón về, chắc sẽ thuê người chăm sóc, thuê nhà cho bà ở riêng chứ bà khó tính, không ở chung được”.
Trước tình hình này, ông Phan Như Hải, Phó Giám đốc phụ trách Sở LĐ-TB&XH, cho biết sẽ giao cho các phòng chức năng tập hợp hồ sơ của bà Liễu Thị Hương và chuyển sang Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh để xem xét, tìm hướng xử lý phù hợp, theo quy định của pháp luật về hành vi ngược đãi người cao tuổi.
Chuyện con cháu ngược đãi, hắt hủi, ruồng rẫy, bạo hành... với người già không phải là hiếm gặp. Hơn 4 năm trước, một chuyện đau lòng liên quan đến bạc đãi người già đã để lại vết thương khôn nguôi cho một gia đình ở xã Tây Phú, huyện Tây Sơn. Trần Hữu Mang (SN 1975) đã thường xuyên mắng chửi, đe dọa bà của mình là cụ Đỗ Thị Dương (SN 1927) chỉ vì nghe thông tin ông bà bán nhà nhưng không có ý định chia cho mình.
Chuyện bạo hành tinh thần đối với bà lên tới đỉnh điểm, khi Mang uống rượu say về giựt đứt dây mùng của giường bà và tiếp tục chửi mắng, đe dọa. Quá sợ hãi, cộng thêm bệnh quẫn trí của người già, bà Dương ra sau nhà thắt cổ tự vẫn. Người cháu đã phải trả giá bằng 4 năm tù giam. Nhưng nỗi ám ảnh người thân khi nghe chuyện đau lòng trên liệu có nguôi ngoai?
Một cán bộ ngành LĐ-TB&XH vẫn thường nhắc đi nhắc lại câu chuyện bạc đãi mẹ từng khiến ông bàng hoàng. Người con trong câu chuyện ấy vốn là đứa con duy nhất trong gia đình, lại học cao hiểu rộng. Thế nhưng, lại có những hành động khó hiểu: Thường xuyên mắng chửi, hắt hủi, thậm chí còn đòi… “đốt sống” mẹ. Người mẹ, vì quá thương con đã có lời “năn nỉ” các cơ quan chức năng không truy tố hành vi của con và chọn tìm về quê để sinh sống…
Theo Nguyễn Muội
Báo Bình Định