1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Cụ bà 95 tuổi sống đơn độc trên thuyền, lo chết không có chỗ chôn

(Dân trí) - Chiếc thuyền cũ nát là chỗ trú ngụ hàng ngày của cụ Nguyễn Thị Thủy, TP Thanh Hóa. Sinh hoạt hàng tháng của cụ chỉ trông chờ vào 180.000đ tiền trợ cấp. Điều cụ Thủy lo lắng nhất là sợ khi chết không có chỗ chôn…


Xóm chài nghèo Thành Công, phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa là nơi cư ngụ của hơn chục hộ dân làm nghề chài lưới. Họ đều là những người vô gia cư, sống trôi nổi trên sông nước.

Trong xóm chài này có cụ Nguyễn Thị Thủy (95 tuổi) là đáng thương và tội nghiệp nhất. Cho đến cái tuổi “gần đất xa trời” nhưng cụ vẫn phải sống đơn độc một mình trong chiếc thuyền nhỏ cũ nát chỉ rộng khoảng 5m2, “mưa dột đến mặt, nắng rọi đến đầu”.

Cụ Thủy cho biết: “Chiếc thuyền của tôi ngày xưa nhỏ lắm, chỉ vừa một người thôi nhưng nó hư lâu rồi. Cái này bà con trong xóm chài thấy tôi không có chỗ ở nên thương góp tiền mua cho đó”.

Sau nhiều năm mưa gió, những tấm lợp mái phía trên đã bị bong tróc thủng từng mảng lớn, cụ Thủy nhờ người che lại bằng mấy tấm bạt và những mảnh ni-lông cũ.

Cụ bà 95 tuổi sống đơn độc trên thuyền, lo chết không có chỗ chôn
 Cụ Nguyễn Thị Thủy (95 tuổi) sống một mình trong con thuyền cũ nát trên sông nhà Lê, đoạn qua cầu Sâng, thành phố Thanh Hóa

Khi vào bên trong khoang thuyền, là nơi ở chính của cụ Thủy, chúng tôi cố quan sát nhưng cũng chẳng thấy có thứ gì đáng giá 20 nghìn đồng. Ngoài mấy bộ quần áo quá cũ và rách được treo sát hai bên mạn thuyền, vài chiếc chăn, chiếu thì lâu ngày không được giặt bốc mùi ẩm mốc. Chiếc màn được treo chính giữa nơi ngủ thì rách tả tơi, ám màu khói bếp đen sạm.

Đáng giá nhất có lẽ là tấm bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa trao tặng năm 2007 cho cụ Thủy vì đã có thành tích tham gia trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chính vì thế mà nó được cụ trân trọng, giữ gìn và để ở nơi trang trọng nhất trong chiếc thuyền bé nhỏ. Cụ Thủy xem nó là món tài sản lớn nhất mà mình có được từ trước đến nay còn giữ lại được.

Khi được hỏi vì sao đến cuối đời rồi mà cụ vẫn còn sống khổ cực và thiếu thốn như vậy. Cụ Thủy phân bua: “Tôi già rồi, giờ có chết cũng được. Ông trời cho sống được ngày nào hay ngày đó chú à. Đời tôi khổ mãi rồi, giờ thế này cũng đang còn sống tốt được, cứ bình thường vậy thôi”.

Cụ bà 95 tuổi sống đơn độc trên thuyền, lo chết không có chỗ chôn
Cụ Thủy cùng tấm bằng khen do Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa trao tặng vào năm 2007 vì đã có thành tích tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Khu bếp nấu ăn hàng ngày của cụ Thủy chỉ đơn giản là một chiếc thùng tôn nhỏ, vài que thép bắc ngang và đôi ba que củi lèo tèo. Cạnh đó, vài chiếc nồi nho nhỏ đen kịt lại vì lâu ngày không được chùi rửa.

Chứng kiến bữa cơm ăn thường ngày của cụ Thủy khiến chúng tôi thấy cay cay sống mũi, trong hai chiếc nồi chẳng có gì đáng gọi là thức ăn dành cho một người ở thời này.

Cụ Thủy cho hay: “Mắt tôi giờ có còn thấy gì nữa đâu, nấu được thế là may rồi đó. Mấy hôm nay tôi thấy mệt trong người lắm nên cũng chẳng muốn ăn gì cả. Giờ cũng có tiền đâu mà mua thuốc để uống, sống chết đời tôi giờ do trời định cả thôi”.

Cụ Thủy không chỉ là người cao tuổi nhất ở làng chài nghèo này mà còn là người có cái “số khổ” không ai bằng. Cho đến lúc “gần đất xa trời” mà cụ cũng chưa hết được cảnh khổ, một mình phải sống “đơn độc” trong chiếc thuyền cũ nát, chật hẹp này.

Cụ bà 95 tuổi sống đơn độc trên thuyền, lo chết không có chỗ chôn
 Không người thân tích, không nơi nương tựa lúc tuổi già, một mình cụ Thủy đơn độc trong chiếc thuyền cũ nát

Cụ Thủy vốn sinh ra ở một làng chài, thuộc xã Hạnh Phúc, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) trong gia đình có 5 anh chị em. Tuổi thơ cụ lớn lên trên sông nước, rồi cứ lênh đênh trên thuyền cùng với bố mẹ.

Khi đến tuổi đôi mươi, cụ Thủy cũng thương yêu và lập gia đình với một người đàn ông cùng xóm là Nguyễn Văn Sáng. Khi ra ở riêng, bố mẹ hai bên cũng gom góp rồi mua cho vợ chồng cụ Thủy được chiếc thuyền nan nho nhỏ để làm nơi cư ngụ.

“Thời đó, đất nước đang còn cảnh chiến tranh loạn lạc, vợ chồng tôi có chiếc thuyền nghề là nơi sinh sống. Lúc nhà nước kêu gọi nhờ hỗ trợ cho cách mạng, vợ chồng tôi cũng chẳng suy nghĩ gì mà quyết định đi vận chuyển lương thực cho bộ đội luôn”, cụ Thủy nhớ lại.

Vợ chồng cụ Thủy đã sinh được hai người con trai là Nguyễn Văn Tùng và Nguyễn Văn Teng. Thế nhưng cả hai người con trai của cụ cứ lần lượt “ra đi” khi chưa sống cùng bố mẹ được bao lâu trên cõi đời.

“Thằng lớn thì nó bị ngã từ trên thuyền rơi xuống sông rồi chết đuối. Thằng thứ hai nó bị ốm nặng, vợ chồng tôi không có tiền mua thuốc chữa trị, hết cách cứu”, cụ Thủy nói.

Cụ bà ở cái tuổi gần đất xa trời nhưng rất lo đến lúc nào đó chết không có chỗ chôn
Cụ bà ở cái tuổi gần đất xa trời nhưng rất lo đến lúc nào đó chết không có chỗ chôn

Sau khi hai người con trai mất, vợ chồng cụ Thủy đã đi xin một người con gái về làm con nuôi là chị Nguyễn Thị Chung. Thời gian chẳng được bao lâu thì chồng cụ Thủy cũng đã bỏ lại cụ và đứa con gái nuôi mà đi theo hai người con trai. Thế là trong gia đình chỉ còn lại cụ Thủy và người con gái nuôi sống trên chiếc thuyền nhỏ, lênh đênh mưu sinh trên sống nước.

Hỏi vì sao cụ không trở về quê gốc mà lại sống trên khúc sông này? Cụ Thủy bảo: “Lúc ông ấy còn sống, vợ chồng đi chở gạo khắp nơi cho bộ đội. Để vận chuyển gạo bằng đường thủy đến với bộ đội có lúc vợ chồng tôi đã vào tận Hà Tĩnh, có khi lại lên mãi Phú Thọ. Khi đất nước không còn chiến tranh, vợ chồng cũng vẫn sống trên sông và lưu lạc về đây thế là nhập khẩu và ở cho đến tận bây giờ”.

Người con gái nuôi của cụ Thủy lớn lên rồi cũng lập gia đình với một người con trai ở nơi xa. Thế là lại chỉ còn mình cụ Thủy sống cô đơn trên chiếc thuyền bé nhỏ ở xóm chài. Tuổi đã cao, sức đã yếu, không có ai nương tựa nên cụ Thủy phải sống cảnh đơn côi một mình lênh đênh theo con nước.

Cuộc đời cụ khổ từ lúc sinh ra đến già
Cuộc đời cụ khổ từ lúc sinh ra đến già

Khi còn khỏe, cụ Thủy còn đi mò cua, bắt ốc, hay cùng bạn chài đi đánh cá kiếm sống qua ngày. Nhưng khi tuổi ngày càng cao, sức khỏe không còn, mắt đã mờ giờ đây hàng tháng cụ chỉ sống trông chờ vào đồng trợ cấp ít ỏi dành cho người già là 180 nghìn/tháng.

Điều làm cụ Thủy lo lắng nhất không phải là cái ăn hàng ngày mà chính là sợ khi chết đi không có ai lo hậu sự cho mình. Rồi cụ cũng sợ khi chết rồi không có chỗ để chôn cất, thân xác lại phải lênh đênh trên sông nước như cả một đời của cụ khi còn sống.

Khi chúng tôi ra về, cụ Thủy níu tay lại và cứ căn dặn một điều như gửi gắm hi vọng: “Các chú nhớ giúp tôi đó nói với họ (chính quyền địa phương - PV) mong sao lúc tôi chết có được một chỗ để chôn. Cả đời tôi cơ cực quá rồi, giờ chả còn gì nữa đâu…”.

Thái Bá