Cụ bà 84 tuổi hăng say chơi nhạc “ta” bằng đàn “Tây”
Những ngón tay nhăn nheo đã điểm những chấm đồi mồi của cụ bà 84 tuổi thoăn thoắt trên những sợi dây đàn măng đô lin, đánh lên khúc nhạc sâu lắng. Đôi mắt khép lại như thể một người nghệ sĩ đang phiêu trong từng giai điệu...
Cụ Rỏi say sưa hát những bài hát cung đình cùng cây đàn măng đô lin.
Gặp cụ Rỏi mới thấy hết sức sống tiềm tàng và tâm hồn lạc quan, yêu đời chất chứa ở người phụ nữ xuất thân từ miền quê giàu truyền thống văn nghệ Quảng Xá, thuộc xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Nơi đây đã sinh ra những nhạc sĩ, những con người lừng danh như nhạc sĩ Trần Hoàn, GS. Dương Viết Á, hay nhạc sĩ Phạm Tuyên cũng vì yêu người con gái miền đất này, cũng chính là người em họ của cụ Rỏi, mà về làm rể nơi đây.
Tự mày mò học đàn
Cụ Rỏi nói về quê hương mình mà tự hào lắm và bảo chính vì vậy mà cụ cũng ham văn nghệ. Làm quen với cây đàn măng đô lin từ năm 13 tuổi, được người em họ chỉ cho vị trí 7 nốt nhạc trên đàn, thế rồi cô bé Rỏi ngày ấy tự mình mày mò với những nốt nhạc.
Cụ Rỏi kể lại: “Hồi ấy mới “sờ i si”, “l a la” chứ chưa biết những cái này (bản nhạc - PV)”. Ngày xưa con gái không được đi học nên hoàn toàn chỉ dựa vào năng khiếu và niềm yêu thích thôi.” Từ những nốt si, nốt la tự mày mò ấy, cô bé 13 tuổi khi đó đã bắt đầu với bài hát “Xuân và tuổi trẻ.”
Chiến tranh gian khó lại thêm công việc nhà cửa, đồng áng phụ giúp cha mẹ nên sau tuổi 13 được làm quen với cây đàn măng đô lin, cụ Rỏi không có điều kiện để tiếp tục học loại nhạc cụ yêu thích. Năm 20 tuổi, cụ vào bộ đội, trở thành nữ y tá chăm sóc cho các chiến sĩ bị thương tại Phân viện Quảng Bình. Lúc đó, cả đơn vị có 1 cây đàn măng đô lin và cũng duy nhất cụ Rỏi biết chơi loại nhạc cụ này.
Cụ Rỏi hào hứng kể: “Buổi chiều ăn cơm xong là chúng tôi ra ngồi bờ suối, trên những phiến đá. Ai có năng khiếu gì thì làm đó, người thì hát, người thì thêu thùa. Chúng tôi hát bài “Suối mơ” rồi bảo nhau, bài hát “Suối mơ” này cũng hay đấy nhỉ. Đúng là khi ấy mình ngồi bên suối, trên đá nên cũng mơ mộng.”
Giờ ở cái tuổi gần đất xa trời, nhưng tình yêu với âm nhạc, với cây đàn măng đô lin của cụ Rỏi chẳng khi nào vơi cạn. Cứ mỗi ngày lại là một bài hát mới, một cảm xúc mới đến với cụ để nuôi dưỡng một tâm hồn không tuổi.
Cụ Rỏi bảo, muốn học bài hát nào là cụ phải tìm bằng được bản nhạc của ca khúc đó để học hát và đàn. Cụ còn nhớ, dạo trước đã tự mình đi tìm và mua cả tuyển tập của nhạc sĩ Xuân Hồng với giá 60.000 đồng chỉ để học bài “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”. Chỉ khi nào không tự tìm được cụ mới nhờ người tìm mua hộ.
Trong gia đình có 6 chị em của cụ Rỏi giờ chỉ còn cụ và người em trai đã gần 80 tuổi, hiện đang sinh sống ở Quảng Bình. Một điều thú vị là cả hai chị em đều yêu thích chơi đàn măng đô lin, nên mỗi dịp về quê là cơ hội để hai cụ cùng “đồng ca” và chơi đàn.
Cụ Rỏi móm mém trêu đùa: “Việc đánh đôi không biết thì khó nhưng biết rồi thì dễ lắm. Khi máu đã lên óc rồi thì bơ, không quan tâm tới bất kỳ chuyện gì xung quanh cả.”
Các quyển sách nhạc do chính cụ Rỏi tự tìm mua.
Chơi nhạc "ta" bằng đàn "Tây"
Sinh ra và lớn lên ở làng quê giàu truyền thống văn nghệ nên cái thú ham mê âm nhạc như một phần tất yếu trong cuộc sống của cụ bà đã 84 tuổi này.
“Nghe cái gì mình thích là mình chơi, nhạc đỏ, nhạc tiền chiến, nhạc cung đình, chỉ mỗi nhạc rock là không chơi vì mình không quan tâm”, cụ Rỏi chia sẻ.
Thật hiếm để tìm được một người có thể chơi nhạc cung đình - thể loại nhạc truyền thống của dân tộc, bằng một cây đàn Tây – đàn măng đô lin. Thế nhưng với cụ Rỏi, điều đó thật đơn giản, “nhạc cung đình nghe người ta hát rồi tự hát và đánh đàn theo, hát được là chơi được đàn”.
Nói vậy rồi như một thói quen, những ngón tay lại thoăn thoắt lướt trên dây đàn và giọng hát hơi run run nhưng vẫn vẹn nguyên chất giọng quê mẹ Quảng Bình, cùng lúc xướng lên hai ca khúc nhạc cung đình có tên gọi “Mời anh đến thăm quê tôi” và “Cha dạy con học”.
Cây đàn măng đô lin cụ Rỏi đang chơi mỗi ngày là món quà của một người khách thường ghé qua mua rượu tặng cách đây khoảng 5 năm. Khách đến quán cụ Rỏi không chỉ vì loại “rượu cỏ” lạ và ngon mà còn để được nghe cụ đàn hát, được chiêm ngưỡng cái nhiệt huyết, niềm đam mê âm nhạc chưa khi nào nguôi ở cụ.
Quán rượu nhỏ ở số nhà 8 phố Thợ Nhuộm đã mở hơn 20 năm. Có những vị khách gắn bó với loại rượu thuốc bổ thận, bổ phổi này từ khi tóc còn xanh đến nay tóc đã điểm bạc. Mỗi vị khách không chỉ ghé qua mua một vài lít rượu mà còn nán lại quây quần trong gian phòng nhỏ để nghe “O” (cách gọi thân mật mà những vị khách dành cho cụ) và những chàng sinh viên của Nhạc viện Hà Nội cùng hòa tấu măng đô lin và ghi ta, cất lên những bài hát xưa trong màn đêm đã lan tỏa khắp các con phố của thủ đô Hà Nội.
Buông tay trên cây đàn măng đô lin thân thuộc sau khi cho tôi thưởng thức những giai điệu nhạc cung đình réo rắt và nhiều dư vị, cụ Rỏi trầm ngâm: “Việc chơi đàn và hát phải từ tâm ra, hát phải có cảm hứng, nếu không thì hát không được”.
Quả thực, cái tâm cùng tình yêu và niềm say mê âm nhạc của cụ Rỏi như lớn dần theo năm tháng, ghi dấu bằng tấm huy chương Vàng trong cuộc thi “Ngôi sao thế kỷ” giữa 11 quận huyện của thủ đô Hà Nội năm 1999. Nó đã và đang nuôi dưỡng tâm hồn người con xứ Quảng để dẫu ở phương trời nào vẫn giữ gìn nét đẹp quê hương bằng tiếng đàn và giọng hát mang đậm phong vị của mảnh đất nắng gió miền Trung.
Theo Thảo Nguyên
Lao động