1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Covid-19 phức tạp, giảm thuế bảo vệ môi trường để hỗ trợ hàng không

Thế Kha

(Dân trí) - Theo Bộ Tài chính, việc giảm thuế bảo vệ môi trường góp phần giúp hàng không giảm bớt gánh nặng tài chính, duy trì hoạt động kinh doanh trong bối cảnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường.

Bộ Tư pháp đang tiến hành thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp tục áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 979/2020 đến hết ngày 31/12/2021.

Bộ Tài chính (cơ quan soạn thảo) đánh giá thiệt hại của ngành hàng không là rất nghiêm trọng, số lượng khách hàng và số chuyến bay khai thác sụt giảm. Vì thế, dự thảo đề xuất mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 1/1/2021 đến hết ngày 31/12/2021 là 2.100 đồng/lít.

Tờ trình của Bộ Tài chính dự báo kinh tế thế giới trong năm 2021 tiếp tục chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, làm suy giảm dòng vốn đầu tư, tiền mặt, nguồn nhân lực, các kết nối cung ứng.

Đối với kinh tế trong nước vẫn tiếp tục đối mặt với những rủi ro, khó khăn duy trì nguyên tắc kép, vừa tập trung chống dịch vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh trên thế giới còn phức tạp.

Covid-19 phức tạp, giảm thuế bảo vệ môi trường để hỗ trợ hàng không - 1

Đề xuất mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 1/1/2021 đến hết ngày 31/12/2021 là 2.100 đồng/lít (Ảnh minh họa).

Việc tiếp tục áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay là 2.100 đồng/lít đến hết năm 2021, tương đương giảm 990 đồng/lít (bao gồm cả thuế giá trị gia tăng) sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 860-960 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên việc giảm thuế bảo vệ môi trường sẽ góp phần giúp doanh nghiệp vận tải hàng không giảm bớt gánh nặng tài chính, duy trì hoạt động kinh doanh trong.

Về mặt tác động xã hội, các doanh nghiệp hàng không chủ yếu là các doanh nghiệp có quy mô lớn về lao động. Trước tác động trực tiếp của Covid-19, rất nhiều lao động trong ngành đã mất việc làm. Thống kê của Tổng công ty Hàng không Việt Nam, từ tháng 3 đến tháng 9/2020 đã có hơn 27.583 lượt người lao động phải ngừng việc, nghỉ việc không hưởng lương, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.

Việc giảm thuế này sẽ góp phần giảm chi phí bay, gián tiếp tạo nguồn tài chính cho doanh nghiệp hàng không vận hành hoạt động trong bối cảnh đã suy yếu về dòng tiền, âm về thanh khoản và từ đó góp phần duy trì, phát triển doanh nghiệp, gia tăng nhu cầu sử dụng lao động.

Bộ Tài chính nhấn mạnh, việc tiếp tục áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay là giải pháp phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19; đồng thời đảm bảo các nguyên tắc điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường quy định tại Luật Thuế bảo vệ môi trường, góp phần trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp hàng không, tăng doanh thu, bù đắp chi phí, tổn thất do Covid-19 gây ra.

Giữa tháng 7/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất thông qua nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ 3.000 đồng xuống 2.100 đồng/lít.