1. Dòng sự kiện:
  2. Cơn bão Prapiroon
  3. Gỡ khó về thuế, tài chính cho báo chí

Điều tra theo thư bạn đọc:

Công ty Nghi Tàm chối bỏ trách nhiệm với người lao động?

(Dân trí) - Từ một “giám đốc điều hành”, khi chấm dứt hợp đồng lao động, ông Nguyễn Quốc Tuấn bỗng chỉ được công ty thừa nhận là "lao động làm theo thời vụ", đồng thời công ty cũng từ chối thanh toán lương tồn và những khoản trợ cấp khác theo thỏa thuận trước đó.

Việc tranh chấp quyền lợi lao động giữa Công ty dịch vụ và du lịch Nghi Tàm với ông Tuấn đã phải đưa ra toà án giải quyết.

Doanh nghiệp chối bỏ trách nhiệm

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, trú tại Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội cho biết, tháng 1/2004, ông và bà Nguyễn Thanh Thủy, Phó tổng Giám đốc công ty Nghi Tàm, trụ sở tại số 2 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội thỏa thuận về hợp đồng lao động giữa ông và Công ty Nghi Tàm. Các điều khoản của hợp đồng mặc dù chỉ thực hiện qua thư điện tử nhưng cũng khá rõ ràng. Theo đó, ông Tuấn làm Giám đốc điều hành Nghi Tàm Tours tại Hà Nội, hợp đồng lao động loại không xác định thời hạn, mức lương mà doanh nghiệp trả cho ông Tuấn là 500 USD/tháng (bao gồm cả thuế thu nhập cao), tiền điện thoại di động là 400.000đ/tháng, được hưởng phụ cấp là một bữa trưa tại nhà hàng Coffee Shop, khách sạn Bảo Sơn, được nghỉ phép 12 ngày/năm…  

Sau hơn một năm làm việc, ngày 17/5/2005, vì lý do cá nhân, ông Tuấn đã gửi thông báo chấm dứt hợp đồng lao động đến Công ty Nghi Tàm, trong đó ấn định ngày nghỉ chính thức là 2/6/2005. 

Sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, ông Tuấn đã yêu cầu Công ty Nghi Tàm thanh toán tiền lương tháng 5/2005, khoản trợ cấp  thôi việc (1/2 tháng lương) và 400.000đ tiền điện thoại của tháng 5/2005, tổng số tiền là 12.250.000đ. 

Tuy nhiên, yêu cầu của ông Tuấn không được Công ty Nghi Tàm chấp nhận. Lý do mà Công ty đưa ra và gửi tới tòa án nhân dân quận Đống Đa, nơi mà ông Tuấn chính thức khởi kiện Công ty Nghi Tàm, là: “Tổng Giám đốc Công ty Nghi Tàm chưa ủy quyền cho bất cứ ai ký hợp đồng lao động nào đối với ông Tuấn. Ông Tuấn chỉ được thuê làm phiên dịch, chuyên hướng dẫn đoàn đi ra nước ngoài hoặc đến công ty khi có yêu cầu và được hưởng thu nhập là 500 USD/lần…”. 

Mặc dù Công ty Nghi Tàm từ chối thanh toán các khoản với lý do là chỉ ký hợp đồng thuê ông Tuấn làm phiên dịch theo đoàn, nhưng qua điều tra của chúng tôi, Tổng giám đốc Công ty Nghi Tàm đã nhiều lần gửi công văn cử ông Tuấn đi công tác nước ngoài với chức danh “Giám đốc điều hành Nghi Tàm Tours”. Tại công văn gửi Đại sứ quán các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Vương quốc Anh do Tổng Giám đốc Công ty Nghi Tàm Nguyễn Trường Sơn ký để làm thủ tục xin visa nhập cảnh cho ông Tuấn vào các nước trên đều ghi rõ chức danh của ông Tuấn là “Giám đốc điều hành”. Thậm chí, khi làm thủ tục xin visa cho ông Tuấn đi công tác tại Vương quốc Anh,  Tổng giám đốc Nguyễn Trường Sơn còn ký công văn số 17065/QD tăng lương cho ông Tuấn lên 600USD/tháng.

Ngoài ra, chúng tôi cũng có trong tay những bản hợp đồng tổ chức dịch vụ du lịch được ký  giữa công ty Nghi Tàm Tours và một số công ty đối tác trong đó ông Nguyễn Quốc Tuấn làm đại diện Nghi Tàm Tours với chức danh… Giám đốc điều hành.

Ông Tuấn cũng cung cấp cho phóng viên nhiều chứng cứ khác để khẳng định mình là GĐ điều hành của  Nghi Tàm Tours như Biên bản xác nhận công nợ, hoá đơn điện thoại di động do Công ty Nghi Tàm thanh toán…

Như vậy, việc Công ty Nghi Tàm nêu lý do ông Tuấn chỉ được thuê làm “phiên dịch, chuyên hướng dẫn đoàn ra nước ngoài và hưởng lương theo từng chuyến”, chứ không phải là một Giám đốc điều hành, một lao động thường xuyên của doanh nghiệp là không phù hợp với những gì mà chính Tổng Giám đốc Công ty Nghi Tàm đã thừa nhận trong những văn bản nêu trên.

Trước khi tòa án xét xử, Công ty Nghi Tàm có công văn số 90 ngày 11/5/2006 với nội dung cáo buộc ông Tuấn đã: “cung cấp tài liệu giả, chiếm đoạt hàng ngàn đô la Mỹ của Công ty để chi tiêu cá nhân, trốn thuế thu nhập”.  Về thông tin này, ông Tuấn khẳng định bị vu khống và yêu cầu Công ty Nghi Tàm phải xin lỗi công khai trên báo chí.

Tòa sơ thẩm bỏ qua nhiều chứng cứ quan trọng

Ngày 17/8/2006,  Tòa án nhân dân quận Đống Đa đã mở phiên sơ thẩm xét xử vụ tranh chấp lao động giữa Công ty Nghi Tàm và ông Nguyễn Quốc Tuấn do thẩm phán Nguyễn Thị Hồng Hạnh làm chủ tọa. Tại phiên xét xử này, tòa án vẫn chưa làm rõ một số chứng cứ rất thuyết phục mà nguyên đơn (ông Nguyễn Quốc Tuấn) đưa ra. Đó là vì sao Tổng Giám đốc Công ty Nghi Tàm Nguyễn  Trường Sơn lại ký công văn gửi Đại sứ quán một số nước ghi rõ chức danh của ông Tuấn là “Giám đốc điều hành”? Tại sao những bản hợp đồng tổ chức dịch vụ du lịch được ký  giữa công ty Nghi Tàm Tours (ông Tuấn đại diện) với một số đối tác lại ghi chức danh ông Nguyễn Quốc Tuấn là giám đốc điều hành? Những hóa đơn điện thoại di động mà Công ty Nghi Tàm đã thanh toán cho ông Tuấn được khai theo mã số thuế của công ty để tính vào phần chi phí của doanh nghiệp là như thế nào?...

Chính vì bỏ qua những chứng cứ quan trọng này mà Tòa đã nhận định: “anh Tuấn không hề có chứng cứ để chứng minh mình là lao động thường xuyên trong Công ty Nghi Tàm từ ngày 22/1/2004 đến 2/6/2005”.

Tại bản án số 03/2006, Tòa án nhân dân  quận Đống Đa đã bác toàn bộ những yêu cầu đòi trợ cấp thôi việc của ông Tuấn.

Trong quyết  định của bản án, Tòa án cũng không chấp nhận yêu cầu của ông Tuấn đòi Công ty Nghi Tàm phải xin lỗi vì đã vu khống mình chiếm đoạt hàng ngàn đô la Mỹ. Có điều lạ là bản án ghi rõ: “Ngoài công văn số 90 ngày 11/5/2006 Công ty Nghi Tàm không có văn bản hay hành vi nào khác xúc phạm ảnh hưởng đến uy tín danh dự của anh Tuấn nên yêu cầu của anh Tuấn không có cơ sở để chấp nhận”. Vậy theo qui định thì phải có bao nhiêu văn bản có nội dung xúc phạm thì mới bị coi là xúc phạm?

Kết thúc phiên tòa, phía nguyên đơn khẳng định không hài lòng với quyết định của bản án sơ thẩm và tiếp tục kháng cáo. 

Minh Khôi