1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quảng Nam:

Công trình kè sông rởm 2 lần bị lũ cuốn trôi

(Dân trí) - Do ảnh hưởng của cơn bão số 5, nước lũ từ thượng nguồn đổ về sông Vu Gia khiến công trình kè Đại Cường (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) một lần nữa lại bị cuốn trôi. Trước đó, công trình này từng bị cơn bão số 2 “đập” tan tành khi đang thi công dở dang; vừa mới hoàn thiện cơ bản vào cuối tháng trước.

Xây kè trong mùa lũ

 

Tiểu Dự án chỉnh trị sông Quảng Huế được bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư, tiến hành khảo sát, tư vấn và thiết kế từ năm 2002. Đến năm 2007, dự án bắt đầu triển khai với tổng kinh phí đầu tư là 42 tỷ đồng. Trong đó có gói thầu khôi phục bãi sông và biện pháp chống bào xói, cắt dòng do Liên doanh Công ty TNHH Trường Thịnh và Công ty CP Tàu cuốc và xây dựng thi công.

 

Bờ kè sông Quảng Huế trước đây vốn đã được chắn bằng các rọ đá và bê tông khá chắc chắn. Sau sự tàn bão của cơn bão số 6 hồi năm ngoài, nhiều đoạn kè bị hư hỏng, được UBND tỉnh cấp kinh phí hơn 700 triệu đồng để gia cố, khắc phục. Thế nhưng khi gói thầu này triển khai, các đơn vị thi công đã đào xới tất cả những rọ đá và bê tông che chắn rồi cho xe lu dầm đất xuống.

 

Đúng ra, đơn vị thi công phải lấy đất ở bãi bên kia sông để dầm kè, nhưng họ lại lấy đất ở ngay bờ kè cũ với lý do “tạo lạch cho tàu thuyền sang bên kia sông”. Ông Ngô Ngọc Phượng, người dân sống ngay khu vực kè sông Quảng Huế, tặc lưỡi: “9 khối đá trong một rọ sắt mà mùa lũ năm ngoái, nước còn cuốn phăng đi được huống chi là đất cát dậm tạm, dậm bợ. Đó là chưa kể đất cát lấy ngay trên bờ kè cũ càng làm cho kè dễ bị xói lở hơn nữa”.

 

Và hậu quả là khi cơn bão số 2 ập đến, công trình đang thi công dở dang đã bị phá tan hoang. Sau đó, công trình vẫn tiếp tục “gấp rút hoàn thành tiến độ thi công”. Ban Quản lý dự án lại cho đổ cát bù vào số đã bị nước cuốn trôi.

 

Theo như ông Lê Tuấn Anh, Phó Ban chỉ huy công trường, thì “việc lấy cát lấp vào khoảng đất bị nước cuốn trôi đã có một đơn vị độc lập thí nghiệm và được giám sát đồng ý. Chúng tôi đã làm đúng theo thiết kế công trình. Còn có hậu quả nghiêm trọng như dự đoán của người dân hay không thì phải đến khi thiên tai xảy ra mới xác định được” (!).

 

Và hậu quả đã được “xác định” ngay sau đó, khi cơn bão số 5 đổ về, nước sông dâng cao trên mức báo động 2, chưa phải là mức cao nhất trong các mùa lũ hàng năm, kè sông Quảng Huế đã lại một lần nữa bị nước cuốn trôi.

 

Theo ông Phan Đức Tính, Phó chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, cao trình của kè mới chỉ có 6,5 mét trong khi cơn bão số 5 vừa qua làm mực nước sông lên cao hơn 9,5 mét, và dòng chảy rất mạnh. Kè lại bị cuốn trôi vào lúc nửa đêm nên càng khó cứu vãn.

 

Vậy là hàng ngàn dân sống dọc bờ sông Quảng Huế đã mất đi tấm chắn an toàn cho tài sản và tính mạng, khi mùa bão lũ năm nay vẫn đang ở cao điểm.

 

Dân kêu cứu

 

Ngay khi dự án này được triển khai thực hiện vào đầu tháng 6/2007, hàng ngàn người dân sống dọc bờ sông Quảng Huế đã lên tiếng phản đối vì thời điểm thi công không phù hợp, ngay khi mùa mưa lũ gần kề; còn chất lượng thi công thì có quá nhiều điểm khuất tất.

 

Trước việc đơn vị thi công lấy cát thay đất dầm kè, hơn 7.000 người dân xã Đại Cường đã viết đơn kêu cứu gửi đến Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN&PTNT. Trong đơn có đoạn: “… một điều xưa nay chưa hề có, đó là đắp đê hoàn toàn bằng cát… Vừa rồi lũ do cơn bão số 2 không những quét sạch số cát mới đổ lên mà còn phá vỡ luôn cả đê cũ, nay phải thi công lại vẫn hoàn toàn bằng cát… Lũ đã đến, dân chúng tôi sắp chết, chúng tôi trân trọng kính mời Thủ tướng và các ngành chức năng về cấp cứu”.

 

Chất lượng thi công công trình không đảm bảo, lại thi công trong thời điểm không thích hợp; khi đã xảy ra sự cố, dẫu quy trách nhiệm cho ai thì người chịu thiệt vẫn là nhân dân. Những thiệt hại và nguy hiểm mà người dân đang phải đối mặt đã được báo động là khôn lường và khó khắc phục. Đó là chưa kể, kinh phí hàng chục tỷ đồng đầu tư cho một công trình “dỏm” cũng đã trôi theo lũ.

 

Khánh Hiền