Công trình "để đời cho con cháu" cần giao Thủ tướng trực tiếp điều hành

Quang Phong Như Quỳnh

(Dân trí) - Theo đại biểu Nguyễn Văn Thân, Dự án vành đai 4 Hà Nội và vành đai 3 TPHCM là công trình "để đời cho con cháu" cần giao Thủ tướng "cầm trịch", nếu giao các địa phương dễ dẫn tới tình trạng "xôi đỗ".

Sáng 10/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư Dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường vành đai 3 TPHCM. 

Nên giao quyền cho ai?

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM) cho rằng với 2 Dự án đường vành đai 4 - vùng Thủ đô và vành đai 3 TPHCM, Quốc hội nên cho phép Thủ tướng ủy quyền cho Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định việc chỉ định thầu. 

Công trình để đời cho con cháu cần giao Thủ tướng trực tiếp điều hành - 1

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Ảnh: Quốc Chính).

Đại biểu khẳng định, đường vành đai 3 TPHCM sẽ tạo ra một hiệu ứng đột phá, tháo gỡ điểm nghẽn nhiều năm qua cho hồi phục kinh tế và phát triển kinh tế của khu vực miền Đông Nam Bộ, trong đó có TPHCM. Theo đại biểu, dự thảo Nghị quyết đề cập về cơ chế chỉ định thầu; nội dung chỉ định thầu trong quá trình triển khai dự án áp dụng đối với gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư.

"Cho phép Thủ tướng ủy quyền cho Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện dự án này. Đối với các gói thầu liên quan, có nhiều địa phương thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư nên việc Thủ tướng ủy quyền có nghĩa là quyền vẫn do Thủ tướng quyết định giao cho nơi nào thực hiện" - đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề xuất.

Vị đại biểu cũng cho biết, cần quy định trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Trong thời gian thực hiện dự án, nếu có phát sinh công việc chỉ định thầu hay nếu phát sinh những vấn đề liên quan cần xin ý kiến thì Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố báo cáo Thủ tướng. Nếu cần thiết thì trong dự thảo Nghị quyết có thể là Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định kéo dài thời gian áp dụng cơ chế này.

Tranh luận với đại biểu Trương Trọng Nghĩa tại hội trường, đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) cho rằng, Dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, Dự án đường vành đai 3 TPHCM là 2 công trình "để đời cho con cháu" cần giao Thủ tướng Chính phủ "cầm trịch", nếu giao cho các địa phương sẽ dễ dẫn tới tình trạng "xôi đỗ" và không đồng nhất.

Công trình để đời cho con cháu cần giao Thủ tướng trực tiếp điều hành - 2

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Ảnh: Quốc Chính).

Đại biểu đoàn Thái Bình đề nghị nên dành nguồn vốn thích đáng cho hai dự án này, trong đó phải tìm đơn vị thiết kế có tiếng trên thế giới để thiết kế và tư vấn, làm được hai khâu này, phần thi công sẽ đỡ hơn rất nhiều. 

"Không cần quá vội vàng triển khai và hoàn thành dự án, có thể kéo dài nếu cần để nghiên cứu kỹ tổng thể dự án, công tác giải phóng mặt bằng, công tác thiết kế và tư vấn" - đại biểu Nguyễn Văn Thân cho hay. 

Bên cạnh đó, vị đại biểu cũng nêu ý kiến khi giao cho các nhà đầu tư cần cân nhắc đến các doanh nghiệp tư nhân. Thực tế đã chứng minh nhiều doanh nghiệp tư nhân làm rất tốt, bởi nếu chúng ta có thiết kế và tư vấn tốt sẽ có cơ chế kiểm tra, kiểm soát, nhưng cũng không kiểm tra, kiểm soát quá nhiều các đơn vị có điều kiện thời gian triển khai dự án.

Phát biểu sau tranh luận của đại biểu Nguyễn Văn Thân, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng việc cho phép Thủ tướng quyết định chỉ định thầu về mặt pháp lý quyền này vẫn thuộc về Thủ tướng. Thủ tướng có thể ủy quyền theo nhu cầu cụ thể, nếu có vấn đề phát sinh thì Chủ tịch UBND các tỉnh, thành cũng phải có chế độ báo cáo về việc thực hiện như thế nào.

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, điều này không có nghĩa là giao việc này cho Chủ tịch UBND tỉnh thành và chưa chắc Chủ tịch UBND tỉnh thành mặn mà, do đó sẽ có xu hướng giao hết cho Thủ tướng.

Tránh "lối mòn" của các siêu đô thị

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) cho biết nhất trí cao với tờ trình của Chính phủ về chủ trương đầu tư Dự án đường vành đai 3 TPHCM và Dự án đường vành đai 4 Vùng Thủ đô. Đây là các quyết sách cần thiết, kịp thời của Quốc hội để phục hồi kinh tế sau đại dịch và hiện thực hóa rõ ràng hơn về những giải pháp và hành động để đạt mục tiêu năm 2030-2045 của đất nước. 

Đại biểu nhấn mạnh, cử tri và nhân dân rất quan tâm, kỳ vọng và mong đợi các dự án quan trọng quốc gia được Quốc hội thông qua và sớm được triển khai thực hiện. Cả hai dự án đều đầy đủ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn và đã được phân tích rất kỹ.

Công trình để đời cho con cháu cần giao Thủ tướng trực tiếp điều hành - 3

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Ảnh: Quốc Chính).

Theo vị đại biểu Nguyễn Phi Thường, quy hoạch và hình thái đô thị vùng Thủ đô và vùng TPHCM đều chưa phát huy được hiệu quả với hạt nhân hai siêu đô thị đang có dấu hiệu phát triển chậm lại, "hụt hơi" với những điểm nghẽn. 

"Một trong những sứ mệnh quan trọng mang tầm chiến lược của Dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô là tái cấu trúc lại hình thái đô thị của Hà Nội và định hình sự phát triển của vùng Thủ đô với 10 tỉnh thành. Đây không phải là bài toán riêng của vùng Thủ đô hay vùng TPHCM gặp phải, đây là vấn đề của rất nhiều siêu đô thị trên thế giới đều phải hình thành nên vùng Thủ đô phát triển ra đô thị vệ tinh, đưa sản xuất, tạo việc làm, hút dân cư ra ngoài" - đại biểu Nguyễn Phi Thường nhấn mạnh.

Đại biểu đoàn Hà Nội đặt vấn đề làm sao để hai dự án tránh đi vào lối mòn của các siêu đô thị trong việc cạnh tranh và thu hút tài nguyên và không gian tắc nghẽn để trở thành những đô thị hiện đại có chức năng dẫn dắt, tạo hiệu ứng lan tỏa, phát triển cả nước. 

Liên quan đến phát triển không gian mới xung quanh các vành đai cao tốc, đại biểu lưu ý cần tính toán quy hoạch không chỉ đô thị mà còn công nghiệp và đặc biệt là logistic, cảng cạn để nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế. 

Đại biểu cũng lưu ý khi triển khai Dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô cần rút kinh nghiệm từ dự án cầu Thanh Trì, đường Vành đai 3; đồng thời đề nghị cân nhắc thêm về chỉ định thầu để đảm bảo tiến độ, cho chỉ định thầu với các gói thầu tư vấn di dời hạ tầng kỹ thuật, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư…