1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Công trình Cửa Đạt có áp dụng sai tiêu chuẩn?

(Dân trí) - Từ đơn vị tư vấn thiết kế đến Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Ngọc Thuật đều khẳng định, công trình Cửa Đạt được áp dụng theo tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam 285 (với tần suất lũ 5%) và đây chính là nguyên nhân gây nên sự cố.

>> Sự cố Cửa Đạt chưa thể kết luận!

>> Công trình Cửa Đạt có chịu sức ép tiến độ?

Tuy nhiên theo Tiêu chuẩn xây dựng 285:2002 (TCXD) lại nói rõ: tần suất 5% chỉ áp dụng cho công trình đê quai và kênh dẫn, mà không hề có một dòng nào nói về công trình đập đá đổ như người có trách nhiệm phát biểu. Sự thật thế nào?

Lấy tiêu chuẩn đê quai, kênh dẫn áp dụng cho đập đá?

Tại mục 4.2.6 (TCXD 285: 2002) thì lưu lượng nước lớn nhất để thiết kế các công trình tạm thời phục vụ công tác dẫn dòng đê quai, kênh dẫn được xác định theo các quy định cụ thể.

Theo đó, tần suất lưu lượng, mực nước lớn nhất để thiết kế công trình tạm thời phục vụ công tác dẫn dòng (tính theo %), thì đối với công trình cấp 1 (Cửa Đạt thuộc công trình cấp 1 - PV), tần suất trong một mùa khô là 10%, trên hai mùa khô là 5%.

Ông Phan Văn Thuật, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình (thành viên tổ công tác về sự cố Cửa Đạt), nói với Dân trí, tần suất lũ áp dụng tại đập tràn đá đổ Cửa Đạt là theo mục 4.2.6 của tiêu chuẩn 285 này.

Và như vậy, căn cứ theo tiêu chuẩn này, đơn vị thiết kế đã áp dụng tần suất lũ với 5% (tương ứng 5.050m3/s) cho đập Cửa Đạt. Các khẳng định trước đó của những người có trách nhiệm cũng cho rằng, việc áp dụng tần suất đó là đúng, không có gì phải thắc mắc.

Nhiều người đặt ra câu hỏi, tần suất lũ 5% cho đập Cửa Đạt không có sự khác biệt so với tần suất lũ áp dụng cho đê quai, kênh dẫn. Phải chăng đơn vị có trách nhiệm đã “sao y bản chính” tiêu chuẩn này để áp dụng cho một công trình tương tự?

Ông Trần Nhơn, nguyên Thứ trưởng Bộ Thuỷ lợi nói rằng, việc áp dụng tần suất của kênh dẫn, đê quai vào đập đá đổ tại công trình Cửa Đạt theo TCVN 285 của cơ quan chức năng như vậy là sai. Mặc dù đây chỉ là thông tin mang tính chất tham khảo nhưng công luận vẫn đang chờ một sự giải thích từ Bộ NN&PTNT về điều này?

Xem xét lại một số yếu kém trong công trình Cửa Đạt

Cho đến lúc này, vẫn chưa có kết luận chính thức về sự cố đập Cửa Đạt, mọi kết luận liên quan đều phải chờ vào báo cáo của tổ công tác do Bộ NN&PTNT lập trước đó.

Trong khi đó, theo thông báo của tổ công tác, để có căn cứ phân tích và đánh giá nguyên nhân sự cố, trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan thì cần xem xét lại toàn bộ dự án, biện pháp dẫn dòng thi công qua các mùa lũ, kèm theo kết quả tính toán thủy văn, thủy lực và thí nghiệm mô hình.

Ông Phan Văn Thuật cho biết, nguyên nhân xói lở vừa qua là do tần suất lũ vượt quá tiêu chuẩn nhưng bên cạnh đó phải xem xét lại một số vấn đề còn yếu kém trong những khía cạnh khác nhau.

Theo ông Thuật, việc cần làm bây giờ là phải tìm xem xói từ chỗ nào, thời điểm xói, vì sao lại xói lớn thế? “Tất nhiên sự cố là do lũ, nhưng lũ đến đâu, như thế nào thì phải phân tích thật kỹ. Theo tôi lũ vượt tần suất là nguyên nhân chính nhưng không phải là nguyên nhân toàn bộ”.

Trong lần trả lời Dân trí mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Ngọc Thuật nói rằng, việc áp dụng tần suất lũ phải theo quy trình, quy phạm. Theo Thứ trưởng, nếu xác định theo quy phạm 285 thì tần suất chỉ là 10% nhưng đây là công trình quan trọng nên phải nâng lên 5% mà vẫn chưa đáp ứng được.

Tuy nhiên, phần chú thích của quy phạm 285 quy định về lưu lượng mực nước lớn nhất để thiết kế các công trình tạm thời phục vụ công tác dẫn dòng, nói rõ: Những công trình phải thi công nhiều năm, khi có luận chứng chắc chắn nếu thiết kế với tần suất nêu trên (tức 5% - PV) có thể gây thiệt hại cho phần công trình chính đã xây dựng và tổn thất về người, tài sản vật chất hạ lưu lớn hơn đáng kể so với phần đầu tư thêm cho công trình dẫn dòng thì cơ quan thiết kế phải kiến nghị tăng thêm mức bảo đảm cho công trình này.

Câu hỏi đặt ra, liệu phương án dẫn dòng Cửa Đạt với tính toán lưu lượng lũ 5% thì đã hợp lý chưa, nếu áp dụng 5% thì tư vấn thiết kế có tính đến những điều như phần chú thích của quy phạm này đã nêu?

Trần Hưng