TPHCM:
Công trình chống ngập gây... ngập nặng
(Dân trí) - UBND TPHCM vừa yêu cầu khắc phục ngay tình trạng nhà thầu những công trình chống ngập thi công cẩu thả, hủy hoại hệ thống thoát nước hiện hữu gây… ngập nặng hơn.
Công trình thi công Đại lộ Đông Tây chặn hẳn dòng kênh Bến Nghé
Theo báo cáo của UBND TP, trong quá trình thi công các dự án thoát nước, kể các các dự án cấp nước, nâng cấp đường… các nhà thầu đã thi công thiếu trách nhiệm, không thực hiện các giải pháp kỹ thuật đúng quy định.
Cụ thể như các nhà thầu đã chặn dòng thoát nước để thi công dự án thoát nước nhưng không xây dựng hệ thống dẫn dòng thay thế, phá cống cũ nhưng chưa đấu nối cống mới, bít chặn cửa xả dọc kênh khi chưa có cửa xả thay thế, bơm nước có lẫn bùn đất từ các công trình vào hố ga làm tắt nghẽn hệ thống cống, khi tái lấp mặt đường thì lấp luôn miệng hố ga thu nước…
Vì cung cách làm ăn cẩu thả như trên mà chỉ qua vài cơn mưa đầu mùa, các điểm ngập của TPHCM còn ngập nặng hơn trước, nhiều nơi chưa từng ngập sau khi thi công dự án chống ngập thì trở thành… điểm ngập.
Trước đó, Trung tâm Điều hành Chống ngập nước TPHCM cũng đã có văn bản yêu cầu Ban quản lý Dự án Đại lộ Đông Tây và Môi trường nước (đơn vị quản lý Dự án Xây dựng đại lộ Đông Tây và Dự án Cải thiện Môi trường nước) chấn chỉnh tình trạng các cửa xả dọc kênh Bến Nghé bị bít lấp làm các khu vực ven kênh chưa từng ngập trở nên ngập nặng.
Ngoài ra, do nhà thầu thi công hai công trình trên chặn dòng kênh Bến Nghé khiến đất cát tích tụ lại làm cao trình đáy kênh (đoạn từ cầu Calmette đến cửa sông Sài Gòn) còn cao hơn cao trình đỉnh cống. Do vậy, nước từ cống không thể thoát ra kênh nên gây ngập cả khu vực rộng lớn ngay trung tâm TP.
Các đoạn cống mới mà nhà thầu này lắp đặt trên đường Calmette đất cát đắp dày từ 1,2 – 1,7m trong lòng cống nên chẳng thể phát huy tác dụng thoát nước…
Vì thế, UBND TP yêu cầu các nhà thầu thi công phải đẩy nhanh tiến độ thi công, tạo điều kiện tiêu thoát nước khi có mưa lớn; phải khắc phục ngay các tồn tại trong quá trình thi công gây ngập.
Cụ thể, phải khôi phục lại nguyên trạng hệ thống thoát nước hoặc có biện pháp dẫn dòng khi thi công để đảm bảo việc thoát nước trong khu vực bị ảnh hưởng; đấu nối lại các cống băng đường đã bị hủy bỏ; nạo vét các cửa xả đã bị bít trong quá trình thi công; nạo vét và có biện pháp ngăn chặn bùn đất thi công đổ vào các hố ga, cống thoát nước và lòng kênh…
Tùng Nguyên