Quảng Nam:
Công trình cầu dân sinh ì ạch, dân bí đường đi
(Dân trí) - Cầu dân sinh trị giá hơn 3,8 tỉ đồng do Công ty CP thủy điện Đak Mi làm chủ đầu tư bắc qua sông Trường được triển khai từ năm 2016, đến nay chỉ mới hoàn thiện 15% khiến người dân bí đường đi rẫy. Hàng trăm ha keo, trâu bò không chăm sóc, thu hoạch được khiến người dân la trời.
Theo đơn kiến nghị của hàng chục hộ dân thôn 2 (xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức), vào thời điểm năm 2012 khi nhà máy thủy điện chưa xây dựng xong và chưa xả nước về sông Trường thì các hộ dân đi lại, canh tác, chăn nuôi tại khu vực tiểu khu 520 (đoạn từ ngã 3 Trà Nô đến khu cầu Mò O nhìn qua) tương đối dễ dàng.
Nước sông Trường mùa nắng cạn, việc vận chuyển hàng hóa, lương thực, người đi lại an toàn. Tuy nhiên, kể từ năm 2013 đến nay, thủy điện Đắk Mi 4 xả nước về làm ảnh hưởng đến việc đi lại, tính mạng và tài sản của người dân nơi đây.
Bà Võ Thị Hoa (trú thôn 2, xã Sông Trà) cho biết, gia đình có 20ha keo lá tràm, 15 con bò. Những lứa keo trước đây bán bình thường, xe tải vào tận nơi vận chuyển ra ngoài, đến năm 2012, bà trồng lại và đến nay keo đã cho thu hoạch nhưng không thể kêu xe vào chở được vì nước sông Trường dâng cao lại không có cầu. Còn đối với đàn bò của mình, bà Hoa nói không thể nào vào chăm sóc chúng được.
“Nếu thu hoạch thì phải chở đi vòng rất xa, tiền cước hết 80% tiền keo làm sao chúng tôi lời lãi. Trong khi đó, trước đây tôi vay 150 triệu của Ngân hàng chính sách để trồng, nay không bán keo được, tiền đâu trả nợ”, bà Hoa bức xúc.
Hộ ông Trần Danh (thôn 2, xã Sông Trà) cũng có 20ha và nhiều trâu bò, cũng giống như bà Hoa, keo đã đến mùa thu hoạch để trả nợ ngân hàng nhưng mấy tháng nay, ông cũng chờ cây cầu bắc qua sông Trường mới thu hoạch được.
Theo người dân cho biết, diện tích đất lâm nghiệp bên kia sông Trường khoảng 800ha, trong đó có gần 200ha đang trong mùa khai thác nhưng không có đường vận chuyển do nước sông Trường quá lớn nên đành chịu. Đó là chưa kể đàn gia súc cũng bị “mắc kẹt” bên đó, người dân không chăm sóc được.
Người dân cho hay, năm 2016, nhà máy thủy điện Đắk Mi 4 hứa làm cầu cho bà con đi lại, vận chuyển hàng hóa và đã thi công được 1 mố 2 trụ nhưng từ đầu năm 2017 đến nay không thấy đơn vị không thi công nữa, công trình dang dở.
“Điều đó ảnh hưởng đến việc sản xuất của nhóm hộ chúng tôi và nhiều người khác. Chúng tôi không dám đi qua sông vì nước xả quá lớn, nhiều ha keo bị bão gãy đổ nhưng chúng tôi không thể khai thác tận thu được. Tất cả tài sản chúng tôi bây giờ chỉ trông chờ vào việc khai thác keo”, đơn của các hộ dân phản ảnh.
Cầu qua sông Trường xây dựng dang dở
Nước xả thủy điện chảy xiết, không có cầu nên khi có việc, người dân đi phải liều mình băng qua sông bất chấp nguy hiểm đến tính mạng. Theo người dân, ở đoạn sông này đã có 2 người bị lũ cuốn trôi tử vong và nhiều người khác cũng bị lũ cuốn nhưng bơi được vào bờ.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Đinh Hữu Tấn - Tổng Giám đốc Công ty CP thủy điện Đắk Mi (đơn vị chủ đầu tư cầu) cũng thừa nhận sự chậm trễ trong việc thi công cây cầu dân sinh bắc qua sông Trường cho người dân đi lại.
Theo ông Tấn, sở dĩ cây cầu thi công bị chậm là do diễn biến mưa lũ bất thường trong thời gian thi công, cũng như việc tính toán mực nước sông Trường phục vụ công tác đắp đê quây của đơn vị tư vấn thiết kế không đúng với mực nước thực tế nên đê quây phục vụ công tác thi công bị cuốn trôi nhiều lần khi có mưa lũ. Từ tháng 9/2016 đến tháng 4/2017, đê quây đã bị lũ cuốn 5 lần.
Nói về tiến độ thi công lại cây cầu, ông Tấn cho biết: “Tôi cũng rất sốt ruột, hiện đang chờ đơn vị tư vấn thiết kế làm lại, chậm nhất cũng phải cuối năm nay mới thi công trở lại vì hiện nay đang vào mùa mưa”. Ông Tấn cũng cho biết, đơn vị cũng đã có văn bản báo cáo sự việc đến huyện Hiệp Đức.
Trao đổi với PV Dân trí, đại diện lãnh đạo huyện Hiệp Đức cũng cho biết, huyện cũng đã nhận được các báo cáo của Công ty CP thủy điện Đắk Mi về việc thi công cầu; tuy nhiên để tiếp tục thi công xây dựng các hạng mục tiếp theo cần phải tính toán lại mực nước của hạng mục đắp đê quây.
“Hiện nay, chủ đầu tư đang chỉ đạo đơn vị tư vấn thiết kế tiến hành khảo sát, thiết kế và tính toán lại phương án đắp đê quây để phù hợp với thực tế thi công, sau khi có phương án đắp đê quây tối ưu sẽ tiếp tục triển khai thi công”, ông Nguyễn Hoa – Phó Chủ tịch huyện Hiệp Đức cho hay.
Công Bính