1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Công tác phát hiện tham nhũng của Việt Nam... ngược với các nước!

(Dân trí) - Góp ý vào Báo cáo công tác của Kiểm toán Nhà nước nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII sáng nay 24/2, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện thẳng thắn nói: “Các nước phát hiện tham nhũng qua thanh tra, kiểm toán, còn ở Việt Nam ngược lại”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện.

Theo ông Nguyễn Văn Hiện, trong những năm qua có địa phương phản ánh bị kiểm toán quá nhiều nhưng có địa phương lại rất ít; những kiến nghị chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự còn hạn chế.

“Các nước chủ yếu phát hiện tham nhũng qua thanh tra, kiểm toán, còn ở Việt Nam thì ngược lại. Người tham nhũng có trình độ cao về che giấu hành vi vi phạm pháp luật nên chỉ có lực lượng thanh tra, kiểm toán chuyên ngành mới phát hiện ra được. Còn ở ta chỉ khi nhân dân, nội bộ mâu thuẫn nhau hay báo chí vào cuộc phản ánh mới phát hiện ra được. Thanh tra, kiểm toán thay mặt Nhà nước kiểm soát hoạt động thì khi phát hiện vi phạm nghiêm trọng việc đề nghị xử lý hình sự là một định hướng cần làm tốt hơn”- ông Hiện thẳng thắn.

Đánh giá đại đa số cán bộ kiểm toán làm tốt công việc của mình và cũng có những người hạn chế về năng lực và vi phạm pháp luật nhưng trong báo cáo này chưa đưa số liệu cụ thể, ông Nguyễn Văn Hiện đề nghị cần bổ sung ngay. “Cũng như cơ quan điều tra, tòa án, kiểm sát ấy, phải nêu thông tin này để Quốc hội thấy được vấn đề và có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh thời gian tới”- ông Hiện nói.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nêu quan điểm: “Đọc báo cáo thấy kiến nghị hàng nghìn tỷ đồng nhưng không biết xử lý tới đâu, thu được bao nhiêu tiền, số còn lại xử lý thế nào? Đó là điều chưa an tâm”. Theo ông, kiểm toán đã phát triển được 20 năm nhưng đến nay thấy rõ vẫn phải kiện toàn lại.

Chỉ rõ đối tượng của Kiểm toán Nhà nước là tài chính, tài sản công của quốc gia, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định bản báo cáo được Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội là báo cáo kiểm toán chứ không phải báo cáo tổng kết công tác của Kiểm toán Nhà nước khóa XIII.

“Báo cáo phải làm rõ hoạt động kiểm toán đã làm hoạt động quản lý tài chính tiết kiệm hay không tiết kiệm, nếu không tiết kiệm thì hoạt động kiểm toán không có tác dụng. Phải cố gắng soạn báo cáo thật tốt để trình ra Quốc hội, để từ đó rút ra bài học về hoạt động kiểm toán thời gian tới làm thế nào để tốt hơn, đặc biệt đảm bảo các kiến nghị, kết luận được thi hành. Chỗ nào làm chưa tốt cứ viết vào đây, từ đấy ra kiến nghị, đề xuất hướng phát triển của kiểm toán trong thời gian tới” - Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

5 năm kỷ luật, phê bình 66 công chức kiểm toán

Trước đó, trình bày Báo cáo tóm tắt về công tác của Kiểm toán Nhà nước nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn cho biết trong cả nhiệm kỳ, hầu hết các bộ, cơ quan trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tập đoàn kinh tế nhà nước đều được kiểm toán ít nhất 2 năm một lần, trong đó một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có quy mô ngân sách lớn được kiểm toán hàng năm, qua đó quy mô kiểm toán hàng năm đã được trên 50% tổng thu-chi ngân sách nhà nước. Từ năm 2015 đến nay, thực hiện chủ trương đổi mới hoạt động kiểm toán ngân sách nhà nước, Kiểm toán Nhà nước đã triển khai kiểm toán quyết toán ngân sách của hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (khoảng 50/63 địa phương) và các bộ, cơ quan trung ương có quy mô ngân sách lớn.

Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước còn đi sâu kiểm toán một số chuyên đề như: trái phiếu chính phủ; kiểm toán quản lý và sử dụng đất đai; quản lý và khai thác khoáng sản; chương trình nông thôn mới giai đoạn 2011-2014, chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 2006-2010; công tác quản lý và sử dụng kinh phí lĩnh vực khoa học công nghệ năm 2014…

Tổng hợp kết quả kiểm toán trong nhiệm kỳ, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 101.037 tỷ đồng; kiến nghị sửa đổi bổ sung, thay thế, hủy bỏ 360 văn bản.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn.

”Trong nhiệm kỳ qua và đặc biệt là giai đoạn 2013-2015 với việc tăng cường đổi mới hoạt động kiểm toán, kết quả phát hiện và xử lý sai sót về tài chính và kiến nghị nộp, thu hồi, giảm chi, kiến nghị sửa đổi các quy định chưa chặt chẽ trong công tác quản lý tài chính, tài sản công của các ngành, các cấp, các đơn vị đã góp phần tích cực vào công tác phòng ngừa tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Đồng thời, thực hiện trách nhiệm quy định trong Luật Kiểm toán Nhà nước và Luật Phòng, chống tham nhũng, Kiểm toán Nhà nước đã cung cấp 54 bộ hồ sơ, tài liệu cho cơ quan điều tra, cơ quan nhà nước khác và Đại biểu Quốc hội để phục vụ kiểm tra, giám sát; chuyển 9 hồ sơ về 11 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật”- ông Vạn nói.

Ông Vạn khẳng định Kiểm toán Nhà nước đã có nhiều giải pháp để tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ và kiên quyết xử lý những cán bộ có sai phạm, suy thoái về tư tưởng, đạo đức, thiếu trách nhiệm trong công tác và sinh hoạt, xây dựng đội ngũ trong sạch vững mạnh.

Các hoạt động thanh tra công vụ, kiểm soát chất lượng kiểm toán được đẩy mạnh, duy trì thường xuyên đã ngăn chặn, xử lý kịp thời các sai sót, vi phạm, hạn chế tối đa các hành vi nhũng nhiễu đơn vị được kiểm toán. 5 năm qua, Kiểm toán Nhà nước đã xử lý kỷ luật 53 công chức; phê bình 13 công chức và 1 tập thể.

Thế Kha