1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Vi phạm giao thông ở các thành phố lớn

Thanh tra Chính phủ phản hồi về xếp hạng tham nhũng của Việt Nam năm 2015

(Dân trí) - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt cho rằng đánh giá của Tổ chức Minh bạch Quốc tế về Chỉ số cảm nhận Tham nhũng 2015 của Việt Nam “chỉ để tham khảo là chính” bởi kết quả đó không phản ánh một cách toàn diện được tình hình tham nhũng tại Việt Nam.

 

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

 

Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng (CPI) 2015, xếp hạng 168 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên cảm nhận của các doanh nhân và chuyên gia trong nước về tham nhũng trong khu vực công.

Năm nay, điểm số của Việt Nam tiếp tục là 31/100 điểm, đứng thứ 112/168 trên bảng xếp hạng toàn cầu.

Theo Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT) - Cơ quan đầu mối quốc gia của TI tại Việt Nam, trong năm qua Việt Nam đã nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý về phòng, chống tham nhũng và tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật, đồng thời tập trung vào việc điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng.

Tuy nhiên, trước thực tế Việt Nam không có cải thiện về điểm số CPI trong 4 năm liên tiếp (từ năm 2012) và tiếp tục nằm trong nhóm các nước mà tham nhũng trong khu vực công được cho là nghiêm trọng thì các hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam vẫn chưa được giải quyết triệt để và hiệu quả.

Để tạo ra những chuyển biến tích cực trong cảm nhận về tham nhũng ở Việt Nam, TT khuyến nghị thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp liên quan đến kê khai và công khai tài sản, thu hồi tài sản tham nhũng, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước, bảo vệ người tố cáo tham nhũng và huy động sự tham gia của xã hội vào công tác này.

Trong đó, phải thu hẹp đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập; xác định một cơ quan chịu trách nhiệm chính và có đủ thẩm quyền, nguồn lực để quản lý, xác minh và theo dõi các bản kê khai; công khai rộng rãi các bản kê khai tới công chúng. Bổ sung các quy định pháp luật cụ thể về trình tự, thủ tục, cách thức hợp tác giữa các cơ quan có thẩm quyền trong nước và quốc tế; chỉ định cơ quan đầu mối quản lý tài sản được thu giữ, tịch thu. Đồng thời quy định rõ phạm vi trách nhiệm, hình thức xử lý cụ thể đối với người đứng đầu cơ quan nhà nước theo mức độ trách nhiệm nếu để xảy ra tham nhũng.

Trao đổi với báo chí, ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) cho biết Thanh tra Chính phủ cũng đã nhận được thông tin trên.

Theo ông Đạt, TI có tiêu chí đánh giá riêng nên Thanh tra Chính phủ không có ý kiến gì. “Các tiêu chí của họ rất khác với cách đánh giá của Việt Nam. Chúng tôi ghi nhận để tham khảo là chính; còn kết quả như vậy phải xét đến việc họ lựa chọn tiêu chí như thế nào, cách đánh giá ra sao chứ nó không phản ánh một cách toàn diện được tình hình tham nhũng tại Việt Nam”- ông Đạt nói.

Ông Đạt cho rằng trong vài năm trở lại đây công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam đã có những bước tiến mới, có nhiều giải pháp đột phá mang lại nhiều hiệu quả song các tổ chức nước ngoài không ghi nhận.

Thế Kha

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm