Công sở đầu năm: Hà Nội hắt hiu, TPHCM chơi hết “mùng”
(Dân trí) - Năm nay, Tết Nguyên đán trùng vào 2 ngày nghỉ cuối tuần nên giới công chức được “kéo dài” ngày Xuân đến tận mùng 6 (22/2). Hôm nay, đã đến lịch đi làm nhưng phần lớn giới công chức văn phòng vẫn còn “tâm trạng nghỉ”, các công sở vắng hoe.
Sáng mùng 6 tết, dạo qua các phố phường Hà Nội đã thấy không khí hối hả, tấp nập của một thành thị công nghiệp. Khác với thường ngày, phố phường sạch sẽ và thoáng đãng hơn, trên mỗi mặt người đều rạng ngời niềm hy vọng vào một năm mới làm việc may mắn, thành đạt.
Mặc dù hầu hết các cơ quan, đơn vị đã có thông báo trước Tết về kế hoạch làm việc trở lại từ ngày mùng 6 nhưng hình như thông báo đó không mấy tác dụng đối với nhân viên công sở. Nhiều viên chức “có trách nhiệm”, 10h mới vác cặp đến công sở với tâm lý: có mặt trình diện sếp. Những người khác vẫn vắng mặt vì còn mải du xuân. Chánh văn phòng một Bộ ngao ngán than thở: “Ngày làm việc đầu năm mà công sở thưa thớt, chỉ toàn chúc với tụng, chưa thấy ai thật sự quan tâm đến công việc”.
Chị Lương Minh Hằng, nhân viên một công ty có trụ sở đóng tại tòa nhà Vincom - Bà Triệu, áy náy: “Tôi rất ngại xông đất đầu năm, đã cố dùng dắng đến hơn 9 giờ mới “mò” đến cơ quan, thế mà vẫn là người đầu tiên có mặt ở văn phòng. Đã trót là người “chăm chỉ” nên năm nay phải phấn đấu hơn nữa vậy”.
Đối với các công ty hoạt động dịch vụ, công việc phụ thuộc vào khách hàng. Sau Tết, nhiều “thượng đế” còn mải “say sưa” nên công việc cũng nhàn. Nhiều lãnh đạo dễ tính cho phép nhân viên chỉ cần có mặt đầu giờ điểm danh, còn sau đó muốn làm gì thì làm.
Trong cuộc điện thoại chúc mừng ngày làm việc đầu xuân, Đặng Nguyên Anh, cán bộ Viện nghiên cứu khoa học công nghệ, cho biết đơn vị anh chuyên làm các hợp đồng phần mềm điều khiển cho nhiều thiết bị, máy móc ứng dụng. Cuối năm ngoái, anh làm việc thâu đêm cho kịp hợp đồng, gần đến phút Giao thừa mới được nghỉ. Bù lại, anh được một khoản tiền thưởng đáng mơ ước và được nghỉ Tết đến tận Rằm tháng Giêng. Theo lời Nguyên Anh thì các phòng, ban ở đơn vị anh đều nghỉ lâu như thế.
Khác với khối hành chính sự nghiệp, các công ty liên doanh nước ngoài đã bắt đầu ngày làm việc tân niên từ hôm qua (mùng 5 tết). Tất nhiên, ngày đầu năm, sếp Tây cũng không nỡ bắt nhân viên làm việc cật lực, “nhập gia tùy tục” mà.
Chị Nguyễn Thị Thu, cán bộ phụ trách bộ phận giao nhận của một tập đoàn vận tải Nhật Bản kể, sếp chị ngày thường kỷ luật sắt. Thế mà hôm qua chị vừa xin nghỉ đi chúc Tết “nốt” đã được sếp gật đầu cho phép ngay.
Một năm mới thật sự đã bắt đầu. Người người gặp nhau đều cầu chúc cho nhau một năm mới hanh thông, thành đạt, phát tài. Song có lẽ nhiều người còn mải quen câu “tháng Giêng là tháng ăn chơi” mà quên mất giờ đã gần cuối tháng 2.
TPHCM: Chơi… cho đến hết “mùng”
Nhân viên háo hức với những bao lì xì đầu năm. |
Ngày làm việc đầu năm Đinh Hợi của khối văn phòng các doanh nghiệp tại TPHCM sáng nay rất rôm rả, mặc dù vẫn còn tình trạng nhân viên đến trễ, về sớm. Những chiếc phong bao lì xì đầu năm của các chủ doanh nghiệp cũng là một phần khích lệ tạo động lực cho họ đến “trình diện” trong ngày này.
Theo anh An, Phó phòng kinh doanh tiếp thị Công ty Saigon Postel, vào ngày làm việc đầu năm, công ty lì xì 100.000 đồng gọi là Lộc đầu năm. Điều này thể hiện sự gắn kết giữa nhân viên và công ty, tạo khí thế mới cho công việc trong năm tới. Vì thế, cũng có nhiều nhân viên đến từ rất sớm để nhận được những lời chúc tốt đẹp từ người quản lý của mình.
Anh An cho biết, công ty anh có thói quen sau khi nhận được lì xì từ văn phòng chính, anh phải trực tiếp đi xuống thăm hỏi các anh em nhân viên ở các trung tâm kinh doanh trực thuộc. Đây cũng là điều cần thiết để tạo thêm sự gắn bó giữa các cộng sự trong công ty, và cũng là thể hiện được văn hoá công ty
Một số doanh nghiệp khác như Saigon Co.op, PNJ, SJC, Satra… cũng duy trì việc lì xì cho nhân viên vào ngày đi làm đầu tiên của năm như là một hoạt động văn hoá của doanh nghiệp. Mức lì xì đầu năm của các doanh nghiệp cho nhân viên thường dừng ở mức từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng.
Tuy nhiên, sau lì xì là một loạt các hoạt động chúc tụng, cụng ly nhau đến chiều. Sáng nay, nhiều công ty chúng tôi gọi điện đến liên hệ với nhân viên một vài bộ phận như tiếp thị, kho vận, bảo trì… đều được cho biết là vắng mặt đến đầu tuần tới (mùng 10 Tết).
Đấy là chỉ mới điểm qua khối hoạt động kinh tế, tình trạng trên tại khối hành chính sự nghiệp như các sở ban ngành lại còn thê thảm hơn. Gặp chị Hà tại cổng Sở GD-ĐT, chị chỉ biết lắc đầu vì đến 9 giờ mà các phòng vẫn “cửa đóng then cài”. Kinh nghiệm cho thấy vào những dịp tết thì người dân… không được có chuyện gì quá gấp rút. Nếu không thì cũng phải đợi đến hết “mùng” mới có cơ may được giải quyết. Câu cửa miệng mà các bác bảo vệ thường hay dùng là: “Các Sếp bận đi chúc tết cơ sở!” để từ chối mọi cuộc hẹn liên quan đến quan chức.
Trái ngược hoàn toàn với hình ảnh đìu hiu nơi văn phòng, công sở, cơ quan nhà nước trong ngày hôm nay là tình trạng đông nghịt người tại các quán nhậu, làng nướng, tụ điểm karaoke, mát-xa… những nơi này hôm nay phải chạy hết công suất. Người vào đây đa phần là thanh niên và trung niên.
Mới 12 giờ trưa mà tại điểm mát-xa Minh Tâm trên đường Lê Quý Đôn đã không còn chỗ để tiếp nhận thêm khách. Theo quan sát, những vị khách đến đây, đa số đều rất trẻ, tuổi khoảng 27 - 35, mặt đỏ gay, mùi bia rượu nồng nặc. Tình trạng này cũng diễn ra tương tự tại các điểm mát-xa trên đường Kỳ Đồng (Q.3), Phạm Ngũ Lão, Trần Hưng Đạo (Q.1), Kha Vạn Cân (Q. Thủ Đức)… Ngoài ra, hệ thống bao gồm gần 10 điểm hát karaoke nổi tiếng Sài Gòn như Nnice, Dân Ca… cũng đông nghịt khách đặt phòng từ 3 hôm trước.
Người Sài Gòn có câu: “Tháng giêng là tháng… ăn chơi mút mùa lệ thuỷ”, nhất là tết năm nay được nghỉ kéo dài đã làm cho tính lười biếng “xài chùa giờ nhà nước” lây lan sang nhiều người khác trong xã hội. Bỗng nhớ đến câu nhắc khéo khá thấm thía của một vị giáo sư người Mỹ tới thăm TPHCM hồi cuối tháng 1/2007: “Việt Nam muốn hội nhập thành công, trước hết mỗi công dân Việt Nam cần phải nỗ lực hoàn thiện 4 chữ: Tác phong công nghiệp”!
Trần Đức - An Hòa