Công nhân thoát nước rơi nước mắt, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nói lời xin lỗi
(Dân trí) - Làm kiểu “ngập chỗ nào chống chỗ đó” nên tình trạng lụt, ngập của TPHCM không giảm mà còn có dấu hiệu ngày càng gay gắt hơn. Do đó, TPHCM sẽ điều chỉnh quy hoạch thoát nước, kết hợp nhiều quy hoạch liên quan để khắc phục những hạn chế trong thời gian qua, đầu tư đồng bộ hệ thống thoát nước theo lưu vực.
Tại chương trình “lắng nghe và trao đổi” do HĐND TPHCM tổ chức ngày 1/7, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng – Phó Giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập thành phố cho biết, thành phố ngập do chịu ảnh hưởng triều cường từ 3 con sông, vũ lượng mưa vượt quá công suất thiết kế của hệ thống thoát nước.
Ngoài ra, tốc độ đô thị hóa nhanh, trong khi hệ thống hạ tầng kỹ thuật không theo kịp cũng gây ngập. Hơn nữa, TPHCM là một trong 10 thành phố trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, thành phố ngập cũng do nhiều nguyên nhân chủ quan như chưa triển khai đồng bộ các quy hoạch chống ngập, thoát nước; công tác dự báo chưa chính xác khi xây dựng hệ thống thoát nước. Sau 17 năm mà thành phố vẫn chưa thực hiện được 50% quy hoạch chống ngập, thoát nước.
“Ngập vẫn là nỗi ám ảnh của người dân thành phố dù tình trạng này đã giải quyết được ở một số nơi”, ông Dũng nói. Theo ông, hiện nay có một số điểm ngập rất nặng là đường Huỳnh Tấn Phát, Cây Trâm, Phan Huy Ích…
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tám – Phó giám đốc Sở GTVT thành phố cho biết, ngay cả hệ thống thoát nước hiện hữu cũng chưa phát huy hết hiệu quả. Nạn xả rác, lấn chiếm hệ thống thoát nước, nạo vét kênh rạch vẫn chưa được giải quyết tốt là nguyên nhân chính.
“Hiện nay công tác phối hợp giữa các ngành chưa đồng bộ, còn lúng túng trong quy định trách nhiệm, đầu tư hệ thống thoát nước chưa tốt với nguồn vốn còn hạn chế, điều chỉnh thoát nước còn chậm, quản lý điều hành chống ngập chưa tốt… Quản lý xây dựng còn nhiều bất cập nên một số nơi bị hạn chế thoát nước tự nhiên” - ông Tám dẫn ra hàng loạt vấn đề của công tác chống ngập hiện nay.
Có thể nói, ngoài những hạn chế về hạ tầng thì việc người dân thiếu ý thức, xả rác bừa bãi gây nghẽn dòng chảy cũng là nguyên nhân gây ngập và gây khó khăn cho công tác chống ngập.
Ông Ngô Chí Hùng – công nhân Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị thành phố trào nước mắt khi chia sẻ những khó khăn, nguy hiểm mà anh cùng anh em trong công ty phải đối diện mỗi khi trầm mình dưới cống, hố ga… vớt rác.
“Xuống cống nguy hiểm cho công nhân, nhiều khi bị chất thải công trình xây dựng gây phỏng toàn thân, chúng tôi rất đau lòng. Khu vực chợ thì có cả vật nhọn, kim tiêm trôi xuống cống… Nguy hiểm luôn chực chờ. Chúng tôi bức xúc nhưng không biết chia sẻ cùng ai, chỉ mong làm sao giải quyết được việc xả rác, xà bần xuống cống…”, ông Hùng nghẹn lời.
Nghe chia sẻ của công nhân thoát nước, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm đáp lại: “Tôi chắc chắn khi người dân thành phố sẽ thay đổi hành vi khi nghe được chia sẻ này. Tôi xin lỗi tất cả những người làm công tác thoát nước, dọn rác vì thành phố chưa làm tốt công tác công tác vận động người dân xả rác đúng nơi quy định… Làm việc này không tốn tiền tốn bạc mà chỉ cần thay đổi ý thức là giải quyết được…”.
Bà Quyết Tâm cho rằng, những hành vi vô ý thức, xả rác bừa bãi của một bộ phận người dân thành phố không xứng đáng với danh hiệu người dân của thành phố nghĩa tình như TPHCM.
Tại chương trình, nhiều cử tri thành phố cũng phản ánh tình trạng ngập nhà dân, ngập các tuyến hẻm khi thành phố nâng cấp tuyến đường chính, làm như thế chỉ đẩy ngập từ chỗ này sang chỗ khác. Công trình chống ngập nhưng bị người dân phản ứng vì khi làm không nghĩ đến những tác động như nâng đường cao lên làm nhà dân bị, thấp, ngập nên nhiều gia đình bức xúc.
Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng lý giải, sở dĩ một số tuyến đường chưa được nâng cấp hẻm vì ưu tiên vốn làm đường chính để giải quyết ách tắc giao thông, sau đó tiếp tục xử lý trong hẻm.
“Khả năng của thành phố có hạn nên trước mắt tập trung vào vùng lõi, nơi ngập sẽ bị thiệt hại lớn hơn mà cân nhắc đầu tư”, ông Dũng nói.
Phó Giám đốc Sở GTVT TP Nguyễn Văn Tám cho biết, thành phố sẽ đẩy nhanh tiến độ lập, điều chỉnh thoát nước thành phố, qua đó tạo điều kiện triển khai các dự án và kết hợp nhiều quy hoạch liên quan để khắc phục những hạn chế trong thời gian qua.
“Thành phố sẽ đầu tư đồng bộ hệ thống thoát nước theo lưu vực. Thời gian qua, chúng ta làm kiểu ngập chỗ nào chống chỗ đó nên hiệu quả không cao”, ông Tám nói.
Thay mặt UBND thành phố, Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến cho biết, TPHCM thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế trong quản lý, điều hành chống ngập dẫn tới nạn ngập lụt nan giải thời gian qua.
“Nguyên nhân gây ngập có nhiều nhưng phần lớn do chúng ta tạo ra. Hiện, công tác xử lý thoát nước chưa tốt trong khi mưa có thể tăng do hưởng biến đổi khí hậu. Nhưng nếu làm hệ thống thoát nước tốt thì chúng ta vẫn giải quyết tình trạng ngập được”.
Theo ông Tuyến, công tác quy hoạch thoát nước của thành phố đã quá lạc hậu nên sẽ phải điều chỉnh lại. Đồng thời, rà soát lại công tác điều hành chống ngập của UBND TP. Thành phố cũng cần các giải pháp đột phá, đẩy nhanh xã hội hóa các dự án chống ngập, đổi mới công nghệ xử lý rác. Đặc biệt, thành phố sẽ kiên quyết xử lý các điểm lấn chiếm hệ thống thoát nước và đẩy mạnh tuyên truyền, xử lý hành vi xả rác bừa bãi.
Quốc Anh