1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hà Tĩnh:

Công nhân đình công vì cho rằng bị xâm phạm quyền lợi

(Dân trí) - Cho rằng công ty ép công nhân làm việc quá sức, chậm trả tiền lương, tiền tăng ca không thanh toán đầy đủ… sáng nay (23/6), nhiều công nhân của Cty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Nam Hà Tĩnh (phường Kỳ Thịnh, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã đình công đòi quyền lợi.

Công nhân tập trung tại C.ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Nam Hà Tĩnh để đình công phản đối
Công nhân tập trung tại C.ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Nam Hà Tĩnh để đình công phản đối

Chị N.T.N, công nhân thuộc công ty phản ánh: “Em là công nhân làm việc ở đây khá lâu năm, em nhận thấy ký hợp đồng với công nhân làm ngày 8 tiếng nhưng trên thực tế chúng em làm từ 10 – 13 tiếng/ ngày”.

Công nhân T. thì cho biết: “Bình thường cứ đến ngày 10 hoặc ngày 12 hàng tháng là được phát lương, bây giờ gần cuối tháng rồi vẫn chưa có lương. Công ty rất hay chậm lương của công nhân”.

“Cuộc sống của chúng tôi chỉ trông chờ vào lương hàng tháng. Việc trả lương chậm đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống”, anh T. nói thêm.

Ngoài ra, những công nhân này còn phản ánh như nhà vệ sinh chỉ mở cửa 2 giờ/ngày so với lương công nhân là 343 là quá tải. Mỗi công nhân vào làm việc phải đóng một khoản tiền đặt cọc từ 300.000đ – 500.000đ, sau ba tháng thì được nhận lại nhưng nhiều công nhân làm việc gần cả vẫn không được trả lại…

Ông Trần Đình Nam, Giám đốc C.ty Cổ phần xuất nhập khẩu Thủy sản Nam Hà Tĩnh cho biết: “Công nhân làm việc từ 6h30 đến 11h nghĩ ăn cơm trưa, buổi chiều từ 12h30 làm việc đến 17h30. Đôi khi đối tác cần hàng công nhân có thể làm thêm”.

“Công ty cũng xin lỗi công nhân cho đến hôm nay vẫn chưa được nhận lương. Tôi hứa chiều nay sẽ trả tiền lương cho công nhân”, ông Nam cho biết thêm.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Quốc Hà, Chủ tịch thị xã Kỳ Anh cho biết: “Thị xã đang tiến hành cho xác minh sự việc. Không thể để công ty bắt công nhân làm quá sức được. Nếu tăng thêm giờ mà không có thỏa thuận cam kết là sai với luật lao động sẽ xử lý. Đặc biệt không để tình trạng chậm lương của công nhân, hay hành xử bạo lực với công nhân”.

Xuân Sinh