1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Công nhân “đánh vật” với nỗi lo cơm áo

(Dân trí) - Lương tháng chưa tới một triệu đồng, để tiếp tục được làm... công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, người nhà gần thì phải về quê lấy gạo, mắm muối của gia đình, người quê xa thì chờ cho trời tối hẳn mới ra chợ mua đồ ế ăn cho rẻ...

Công nhân các Khu công nghiệp, Khu chế xuất (KCN, KCX) vốn đã eo hẹp về thu nhập, giờ càng ngày càng trăn trở, lao đao với tình hình vật giá leo thang.

Đi làm, về nhà xin… gạo 

Vừa đi chợ về, thả bó rau muống, Ngô Thị Quyên (Quảng Nam) chán nản: “Tụi em chưa thấy khi nào đời sống khó khăn như bây giờ”. Vào làm tại Công ty M.M. Đà Nẵng được gần 2 năm nay, lương của Quyên hơn 1 triệu/tháng, nhưng trừ hết các khoản, em chỉ còn nhận được khoảng 8 trăm ngàn đồng. Trong khi đó, tiền phòng, điện, nước đã gần 400 ngàn. Với tình hình giá cả leo thang như hiện nay, để tiếp tục “được” làm công nhân, hằng tháng Quyên phải về quê lấy gạo, mắm muối của gia đình.

 

Quyên tâm sự: “Gần nhà như em còn có nơi “tài trợ” chứ mấy người xa quê như Hà Tĩnh, Quảng Bình tội lắm. Ngày nào đi làm về cũng chờ cho trời tối hẳn mới ra chợ mua đồ ế cho rẻ”.

 

Nhiều doanh nghiệp làm ăn khó khăn cũng tiến hành chính sách “thắt lưng, buộc bụng”, và họ “thắt” luôn vào khoản lương, phụ cấp của các công nhân. Một công nhân xin giấu tên, làm việc tại một công ty chuyên sản xuất veston xuất khẩu sang Hàn Quốc ở KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng) cho biết: “Lương của em khoảng 900 ngàn đồng/tháng. Mà phải làm thêm ca và thêm giờ, trong lúc lương cũng không tăng thêm được là bao. Bữa cơm trưa do công ty đài thọ khoảng 6.000 đồng chỉ có cá ươn và “canh đại dương”. Ốm đau muốn nghỉ phải báo trước và rất ít khi được công ty cho nghỉ. Không chịu được “nhiệt”, một số công nhân ở KCN đã xin nghỉ việc”.

 

Lý Ngọc Kiều (Bạc Liêu) cùng bạn gái đến Đà Nẵng làm việc cho công ty sản xuất đồ chơi. Giờ thì cả hai đã nghỉ việc vì lương không đủ sống, trong khi giá cả tiêu dùng tăng chóng mặt. Kiều nói: “Thà thất nghiệp chứ tụi em không bám trụ được nữa, tiền đã không có còn bị người ta la mắng”. Cả hai vô tư khoe đã từng tham gia buổi đình công phản đối công ty: “Vui lắm!”.

 

Hiền một nữ công nhân tại KCN Hoà Khánh than: “Khó khăn trăm bề như hiện nay bọn em chỉ biết nước về quê thôi. Đời công nhân như nước chảy bèo trôi, sau này biết ai lấy…”.

 

Trước cổng một công ty cổ phần thuộc KCN Hòa Khánh, một nhóm công nhân đang nằm ngồi vật vờ dưới bóng cây. Anh Nguyễn Lộc (Quảng Nam) cho biết anh mới vào làm việc ở công ty gần 3 tháng nhưng đã tính chuyện nghỉ việc. Công ty công việc không ổn định, hàng lúc có lúc không nên lương công nhân cũng rất thấp. “Lương người cao nhất trong công ty khoảng 1 triệu/tháng, có người chỉ có 500 ngàn. Lương như thế sống làm sao nổi chứ!”.

 

Canh cánh nỗi lo tiền nhà

 

Nguyễn Thị Huệ (Quảng Bình) làm cho một công ty chế biến và xuất khẩu lâm sản, liệt kê: “Lương tháng có tăng ca cũng chưa tới một triệu đồng; trong khi đó tiền phòng trọ hết 300 ngàn, điện nước, ăn ở, sinh hoạt mất trên 300 ngàn nữa; chưa kể các khoản chi tiêu khác”.

 

Căn phòng trọ của Huệ nằm sâu tít trong một con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Lương Bằng, chỉ rộng chừng 4m2. Huệ cho biết em còn may chán vì thuê được phòng trọ giá rẻ. Nhiều bạn ở nhà 4-5 trăm ngàn, tiền lương không đủ tiền nhà.

 

Ngoài chuyện tiền bạc còn nỗi lo về an ninh trật tự. Cách đây mấy tháng, khoản tiền tiết kiệm hơn 2 triệu đồng của Huệ đã bị kẻ gian vào nhà khoắng sạch. Huệ kể nhìn thấy trộm cũng không dám la vì sợ bị trả thù, ở đây các công nhân làm gì có ai bảo vệ.

 

Một con số thống kê cho thấy, số công nhân các KCN, KCX phải thuê nhà chiếm tới 72,7%, hầu hết là thuê nhà trọ tư nhân - không đảm bảo điều kiện sống và ANTT; số còn lại may mắn có nhà gần nơi làm việc hoặc được ở nhờ nhà người quen.

 

Lương tăng 1, giá tăng 10

Theo Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng, mức thu nhập bình quân hiện nay của người lao động là khoảng 1,2 triệu đồng/tháng. Nhìn chung thu nhập có tăng so với năm trước, một phần do nhà nước điều chỉnh mức lương tối thiểu, phần khác do doanh nghiệp cũng có chính sách điều chỉnh tăng lương hàng năm để giữ chân người lao động. Song mức tăng thu nhập trong các KCN thấp, không đáng kể so với chỉ số tăng giá cả sinh hoạt.

 

Ngoài ra, hầu hết các doanh nghiệp chưa xây dựng thang, bảng lương theo quy định với nhiều lý do. Đến nay, tính riêng các doanh nghiệp FDI trong KCN ở Đà Nẵng thì mới có 7 doanh nghiệp đăng ký thang bảng lương đã được chấp thuận và một số doanh nghiệp có thang bảng lương nhưng không đăng ký.

 

Các doanh nghiệp FDI sử dụng nhiều lao động chưa qua đào tạo hoặc tay nghề thấp, lao động trẻ, lao động nữ, những người mới tham gia thị trường lao động nên mức lương và phụ cấp không nhiều. Mức lương của người lao động làm việc lâu năm, tay nghề cứng cũng không cao hơn là mấy, chưa khuyến khích được người lao động ở lại với doanh nghiệp.

 

Chính vì nỗi vất vả cơm áo mà tại các KCN, KCX thường xuyên xảy ra đình công, lãn công; hàng loạt công nhân bỏ việc; công ty năm nào cũng phải tuyển nhân sự mới để bù cho những người đã ra đi. Tiến sĩ Nguyễn Hữu Cát, Vụ trưởng Vụ Xã hội - trong cuộc khảo sát về tình hình đời sống của người lao động ở các KCN, KCX trên địa bàn thành phố Đà Nẵng - nhận định: Tính chiến lược về tuyển dụng, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ người lao động ở hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn là chưa có.

 

Người sử dụng lao động phải điều chỉnh chính sách cho người lao động, không những cho phù hợp với pháp luật mà còn phải nâng cao chế độ về lương thưởng; đồng thời đòi hỏi các cơ sở đào tạo nghề cần phải có kế hoạch đào tạo, dạy nghề cụ thể, sát với nhu cầu thực tế. Các ngành chức năng ở địa phương cũng cần quan tâm và phối hợp chặt chẽ hơn nữa để cùng doanh nghiệp tạo cho người lao động có cuộc sống ổn định hơn…

 

Theo thống kê, đến nay trên địa bàn TP Đà Nẵng đã hình thành và phát triển được 6 KCN, thu hút 259 dự án đầu tư. Cùng với đó là lực lượng lao động đến làm việc tại các KCN, KCX trên địa bàn TP ngày càng tăng cao. Năm 2003 có hơn 28 nghìn lao động, đến năm 2007 tăng lên hơn 42 nghìn.

 

Khảo sát của Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng, cuối năm 2007, người lao động chi tiêu hàng tháng hết khoảng 70-73% tổng thu nhập. Riêng tiền thuê nhà ở, đa số người thuê nhà chỉ chấp nhận giá thuê từ 400.000 đồng trở xuống. Trong số rất ít ngành nghề, số tiền mà một người tiết kiệm được tối đa là 1,5 triệu đồng, còn lại đa số dưới 0,5 triệu, nhiều trường hợp lao động không để dành được đồng nào cho gia đình.

 

Minh San

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm