Công nhân cheo leo làm việc xuyên đêm trên cao giữa sông Tiền
(Dân trí) - Những ngày cận Tết Quý Mão, công trường dự án cầu Mỹ Thuận 2 bắc qua sông Tiền (nối tỉnh Vĩnh Long - Tiền Giang) hoạt động ngày đêm, nhiều công nhân ở lại làm việc xuyên Tết để đảm bảo tiến độ.
Khi đôi bờ sông Tiền đã lên đèn, ở độ cao hơn 125m trên đỉnh hai trụ tháp của cầu Mỹ Thuận 2 đang dần thành hình, tiếng máy móc vẫn đều đặn cùng hàng chục kỹ sư, công nhân làm việc.
Đỉnh trụ tháp cầu Mỹ Thuận 2, nơi công nhân đang cheo leo làm việc xuyên đêm, cao hơn 6m so với đỉnh trụ tháp cầu Mỹ Thuận hiện hữu (cao 120m).
Theo Công ty cổ phần Trung Nam E&C (nhà thầu thi công), cầu Mỹ Thuận 2 có hai trụ tháp chính (T15 và T16) với chiều cao phần nổi của trụ hơn 125m và phần chân trụ chìm là 28m.
Công nhân thi công trên đốt cao nhất của trụ tháp T16 (phía bờ Vĩnh Long) cho biết, ở vị trí anh làm việc mưa luôn nặng hạt và gió thổi mạnh. Hơn nữa, đỉnh tháp có không gian hẹp, ai cũng phải làm việc trong trạng thái tập trung cao độ và luôn đảm bảo thăng bằng.
"Chỉ khi mưa nặng hạt gây lạnh và ướt quần áo, khi gió quá lớn, trời mây mù hạn chế tầm nhìn, chúng tôi mới tạm ngừng công việc để đảm bảo an toàn lao động và sức khỏe mọi người", kỹ sư Nguyễn Đình Tuẩn, cán bộ kỹ thuật phụ trách thi công trụ tháp T16 (thuộc Công ty cổ phần Trung Nam E&C), chia sẻ với Dân trí.
Chịu trách nhiệm thi công quanh đốt trụ đỉnh tháp thường có 12-14 người, luôn trong tư thế đu mình, bám víu, leo trèo... Hiện trên trụ tháp T16 có khoảng 110-120 công nhân làm việc trong 3 ca/ngày. Trong đó, hai ca chính trong ngày (7h-18h) có 80 người làm việc và đêm (18h-2h) có 40 người, ca còn lại là tăng cường.
Trụ tháp cao nhất đang được hoàn thiện đến đốt cuối cùng, chắc chắn hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2023 sau một năm thi công.
"Tầm nhìn của chúng tôi hầu như chỉ là ngước lên, nhìn xuống, rồi nhìn vào chi tiết thi công. Đứng trên cao nhưng không dám phóng tầm mắt ra xa, sợ lơ đễnh sẽ sảy chân ngã", một công nhân cho hay.
Sau khi hoàn thành trụ tháp T16, đội ngũ trên công trường sẽ bắt đầu thi công nhịp chính của cầu trong những ngày đầu tiên của năm Quý Mão.
Trong khi tổ thi công đỉnh trụ tháp phải treo mình trên cao, thì các công nhân phía dưới nhịp cầu đang làm việc ở giàn giáo chênh vênh thẳng đứng với mặt sông.
Đây là công trường thi công phần mặt đường của cầu nơi xe chạy sau này, rộng 28m, cách mặt sông khoảng 119m. Hầu hết kỹ sư, công nhân đang tập trung làm việc tại không gian này.
Tại đây, những khối đúc dầm bê tông sẽ được đúc nối dài tiến dần ra giữa sông và về phía bờ, để nối liền dọc chiều dài lộ cầu 1,9km.
Đối với công trường thi công trên cao, các công nhân di chuyển bằng vận thang từ mặt đất lên từng tầng công trình. "Riêng thang máy là một bộ phận kỹ thuật quan trọng. Người điều khiển thang là ông Bùi Văn Sơn được đào tạo và cấp chứng chỉ vận hành trước khi làm việc trên công trường", kỹ sư Nguyễn Đình Tuẩn (phải) cung cấp thông tin.
Trong lúc kỹ sư, công nhân đang cấp tập làm việc, anh Tuẩn tranh thủ rời công trường đi mua bữa tối cho anh em. "Mỗi người một suất, còn dư chia nhau nhé", anh Tuẩn í ới gọi anh em đang làm việc dừng tay nghỉ giải lao.
Bất cứ chỗ nào trên công trường cũng có thể là "bàn ghế" cho những công nhân ngồi ăn uống, nghỉ ngơi. Tranh thủ trú mưa dưới thanh dầm, công nhân Huỳnh Văn Minh (44 tuổi, quê An Giang) ăn vội hộp cơm. "Năm nay tôi đăng ký về quê ăn Tết, đang cố gắng tăng ca để hoàn thành công việc chung của tổ", ông Minh giãi bày.
"Tôi là tài vụ, không trực tiếp xây dựng, nhưng cuộc sống của tôi vẫn hầu như gắn với công trường", anh Nguyễn Công Danh (32 tuổi, quê Đồng Tháp) tâm sự. Anh giải thích mỗi tổ thi công sẽ có đủ người phụ trách từ thao tác kỹ thuật đến kiểm kê, sắp đặt vật liệu. Một tổ này sẽ đảm bảo thi công trọn gói từng hạng mục được giao, do đó tài vụ như anh cũng phải luôn có mặt để công việc không bị gián đoạn.
"Ráng ăn cơm hộp mấy ngày nữa là được về nhà ăn Tết rồi. Cố xong còn liên hoan tết niên", các công nhân động viên nhau trong khoảng 15-20 phút bữa tối nghỉ giữa giờ hôm 31/12/2022.
Đến khoảng 25 tháng Chạp, các công nhân sẽ được nhà thầu sắp xếp chuyến xe đưa về quê ăn Tết. Kỹ sư Nguyễn Đình Tuẩn nói rằng đơn vị đã động viên hơn 30 công nhân cùng đội ngũ kỹ sư ở lại công trình thi công xuyên Tết Âm lịch để đảm bảo tiến độ nhất có thể cho dự án.
Theo Ban quản lý dự án 7 (chủ đầu tư), tính đến tháng 1/2023, dự án cầu Mỹ Thuận 2 đạt tổng giá trị xây lắp khoảng 70% giá trị hợp đồng. "Chúng tôi sẽ rời công trường trong năm nay, cũng là lúc mọi người đi về miền Tây được bon bon lái xe qua cầu, tránh được kẹt xe trên cầu Mỹ Thuận bên cạnh", kỹ sư Tuẩn nói.