Phó Thủ tướng:
Công nhân Bắc Giang phải được tiêm vắc xin trước khi đi làm trở lại
(Dân trí) - Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị tỉnh Bắc Giang không được chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch; để dập dịch nhanh thì tỉnh phải làm tốt hơn nữa công tác truy vết, khoanh vùng, xét nghiệm.
Chiều ngày 30/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cùng lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương đã làm việc với tỉnh Bắc Giang về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và bảo đảm sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới.
Dịch ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất kinh doanh
Theo báo cáo của tỉnh Bắc Giang, từ ngày 7/5 đến ngày 30/5, trên địa bàn có 3 ổ dịch Covid-19 (xã Phương Sơn (huyện Lục Nam), KCN Vân Trung và ổ dịch tại KCN Quang Châu), với 2.216 trường hợp F0, hơn 17 nghìn F1, hơn 78 nghìn F2, 1 người tử vong do Covid-19.
Công suất lấy mẫu xét nghiệm khoảng 20.000 - 22.000 mẫu/ngày và không còn mẫu tồn trong ngày. Đặc biệt, ngoài việc lấy mẫu cho công nhân, người dân trong các khu vực nguy cơ cao, từ ngày 28 - 29/5 các địa phương trong tỉnh đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm tầm soát ngoài cộng đồng. Về điều trị, toàn tỉnh có 14 khu điều trị cho bệnh nhân với công suất 3.651 giường; 1 đơn vị Hồi sức tích cực ICU với 58 giường đã đi vào hoạt động, sắp tới nâng công suất thêm 100 giường bệnh.
Tại buổi làm việc, một số ngành đã nêu ra những khó khăn gặp phải như: Dịch Covid-19 bùng phát tại các KCN gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD). Tỉnh đã phải tạm dừng hoạt động 4 KCN với 375 doanh nghiệp (DN), trên 163.000 công nhân. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 giảm mạnh (đạt 14.757 tỷ đồng), giảm 40,9% so với tháng 4 và giảm 33,3 % so với cùng kỳ năm 2020. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc sớm đưa các doanh nghiệp trở lại sản xuất, đến ngày 30/5, toàn tỉnh đã có 9 doanh nghiệp bắt đầu sản xuất trở lại.
Tuy nhiên, các DN này đang gặp phải một số khó khăn trong việc lưu thông nguyên liệu hàng hóa; tâm lý công nhân lo sợ nhiễm dịch chưa dám đi làm nên các DN khó khăn về lao động…
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương đề nghị Phó Thủ tướng, Bộ Y tế quan tâm sớm hỗ trợ Bắc Giang đội ngũ nhân lực và trang thiết bị điều trị cho bệnh nhân nặng tại các bệnh viện dã chiến. Ông Dương cho biết, về công tác xét nghiệm, tỉnh sẽ tiến hành tầm soát diện rộng tất cả các địa bàn với số lượng dự kiến khoảng 30 nghìn mẫu/ngày. Tuy nhiên, để thực hiện được việc này tỉnh cần bổ sung khoảng 400 tình nguyện viên lấy mẫu và 100 sinh viên công nghệ thông tin nhập liệu, mã hóa.
Tỉnh Bắc Giang đã xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin trên địa bàn, trong đó chú trọng tiêm cho công nhân để họ quay trở lại làm việc. Tuy nhiên, số lượng cần tiêm rất lớn nên cần hỗ trợ bổ sung thêm khoảng 200 nhân viên y tế, điều dưỡng có kinh nghiệm tiêm phòng. Về khôi phục sản xuất công nghiệp, tỉnh có chủ trương đưa cán bộ y tế vào doanh nghiệp để vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, vừa đảm bảo sản xuất. Dự kiến hết tháng 6 sẽ có khoảng 186/310 doanh nghiệp quay trở lại sản xuất.
Về tiêu thụ vải thiều, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành địa phương tạo điều kiện lưu thông ra thị trường nhất là thị trường nội địa.
Đảm bảo công nhân quay trở lại sản xuất phải được tiêm vắc xin
Trao đổi tại buổi làm việc, lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương đã chia sẻ khó khăn với tỉnh Bắc Giang, đồng thời đánh giá cao các phương án kịch bản bảo đảm sản xuất của doanh nghiệp và tiêu thụ nông sản của tỉnh. Bên cạnh đó, đề nghị các DN cần thành lập và duy trì các tổ an toàn Covid-19 tại các phân xưởng; hướng dẫn các DN bố trí hoạt động sản xuất để đảm bảo điều kiện khi có nguy cơ lây nhiễm dịch; bổ sung thêm lực lượng quân đội ở khu cách ly; ưu tiên vắc-xin cho Bắc Giang… Đại diện Bộ Y tế cho biết Bộ đã có kế hoạch bổ sung các kiến nghị về nhân lực, trang thiết bị cho các bệnh viện dã chiến của tỉnh Bắc Giang, đồng thời bổ sung lực lượng lấy mẫu và lực lượng tiêm phòng vắc xin Covid-19 cho tỉnh.
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Bắc Giang, với nhiều cách làm sáng tạo và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; các Bộ, ngành, địa phương, nhất là Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã tích cực hỗ trợ Bắc Giang trong phòng, chống dịch Covid-19.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tuy dịch bệnh còn nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống nhân dân, đặc biệt là công nhân nhưng kết quả đến nay là sự cố gắng rất lớn. Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh tập trung cao chiến lược tiêm phòng vắc xin, đặc biệt cho công nhân. Theo Phó Thủ tướng, đây là chiến lược dài hơi nhưng phải làm thật nhanh, thật gọn, đảm bảo công nhân quay trở lại sản xuất phải được tiêm vắc xin nhưng tiêm rồi vẫn phải có các phương án phòng, chống dịch, không để cho sản xuất rồi lại phải dừng.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch, để dập dịch nhanh thì tỉnh phải làm tốt hơn nữa công tác truy vết, khoanh vùng, xét nghiệm. Để đảm bảo hoạt động SXKD trở lại, Phó Thủ tướng đề nghị tất cả các Bộ, ngành tập trung tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tạo điều kiện cho các DN hoạt động sản xuất trở lại thuận lợi, đảm bảo hàng hóa của Bắc Ninh, Bắc Giang được lưu thông.
Đối với một số kiến nghị về vật tư trang thiết bị y tế, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế xem xét có phương án hỗ trợ Bắc Giang. Văn phòng Chính phủ tổng hợp những ý kiến của tỉnh, các Bộ, ngành để trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ chỉ đạo bảo đảm hàng hóa lưu thông bình thường, khôi phục sản xuất. Đối với kiến nghị về nhân lực của quân đội, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Quốc phòng hỗ trợ thêm nhân lực cho Bắc Giang.
Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Thái cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ, ban, ngành Trung ương đã chỉ đạo, hỗ trợ Bắc Giang; sự chia sẻ của các tỉnh bạn, các DN, tổ chức, cá nhân chung tay cùng Bắc Giang trong cuộc chiến phòng, chống dịch. Những khó khăn, vướng mắc của tỉnh đều được Chính phủ quan tâm tháo gỡ. Ông Thái mong muốn tới đây, các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục phối hợp cùng Bắc Giang tháo gỡ những khó khăn mà tỉnh đang gặp phải.
Bắc Giang xin hứa quyết tâm triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp với tinh thần "quyết tâm hơn, thần tốc hơn, hiệu quả hơn" để nhanh chóng dập dịch, khôi phục phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống nhân dân, đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước.