1. Dòng sự kiện:
  2. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
  3. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Công nghệ sinh học làm thay đổi diện mạo ngành nông nghiệp thế giới

Nguyễn Hải

(Dân trí) - Công nghệ sinh học là một công cụ khoa học mạnh mẽ trong những thập kỷ gần đây, đã làm thay đổi diện mạo của ngành nông nghiệp thế giới.

Thông tin trên được TS. Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đưa ra tại Diễn đàn "Thành tựu và định hướng ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế", tổ chức ngày 5/10, tại Hà Nội.

Theo ông Phát, chế phẩm sinh học được sử dụng rộng rãi trong cả trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản như một giải pháp hiệu quả để phát triển bền vững.

Nuôi cấy mô đã trở thành ngành công nghiệp ở nhiều nước để nhân giống cây trồng sạch bệnh và chất lượng ổn định. Công nghệ gen được áp dụng rộng rãi trong chọn tạo giống.

Đã có đến gần 200 triệu hecta trồng cây biến đổi gen, chiếm 78% diện tích gieo trồng đậu tương, 64% bông, 26% ngô, 24% cải dầu toàn cầu.

Công nghệ sinh học đã đem lại nhiều lợi ích, trong đó góp phần tăng mạnh năng suất nhiều loại cây trồng, nổi bật là ngô, đỗ tương, và bông, đồng thời cho phép giảm lượng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật...

Thời gian qua, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã quan tâm chỉ đạo nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học. Công nghệ sinh học được sử dụng trong nhiều lĩnh vực nông nghiệp nước ta. Nổi bật là việc sử dụng các chế phẩm sinh học, kit chẩn đoán bệnh, kỹ thuật nuôi cấy mô.

Công nghệ sinh học làm thay đổi diện mạo ngành nông nghiệp thế giới - 1

TS. Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch HĐQT Viện nghiên cứu lúa quốc tế (Ảnh: Anh Thơ).

Từ năm 2014, cây ngô và đậu tương biến đổi gen được phép trồng và sử dụng ở Việt Nam sau quá trình dài khảo nghiệm chặt chẽ theo các chuẩn mực quốc tế.

Năng lực phát triển công nghệ sinh học được nâng cao, cả về nhân lực, trang thiết bị và thể chế. Lợi ích của việc sử dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp là không thể phủ nhận. Trong khi đó, không có bằng chứng về tác hại như một số người lo ngại.

"Điều đáng tiếc lại là việc phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp nước ta quá chậm, khoảng cách với thế giới ngày càng tăng, không đạt các mục tiêu Đảng và Chính phủ đề ra và cản trở chính là nhận thức", ông Phát nói.

Tại diễn đàn, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cho biết, thời gian tới, hệ thống thú y cần có công nghệ cao, đủ sức chẩn đoán sớm, phòng ngừa từ xa với dịch bệnh, nhất là các bệnh mới nổi.

Công nghệ sinh học làm thay đổi diện mạo ngành nông nghiệp thế giới - 2

Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long phát biểu tại diễn đàn (Ảnh: Anh Thơ).

"Việt Nam có thể tự hào là sản xuất được rất nhiều vaccine phòng, ngừa bệnh trên đàn vật nuôi. Nguyên nhân là chúng ta làm chủ được khoa học công nghệ", ông Long nói và liệt kê một số loại vaccine phòng chống cúm trên gia cầm, vaccine dịch tả lợn châu Phi, các sản phẩm chống kháng thuốc…

Theo ông Long, các nhóm bệnh trên vật nuôi chủ yếu chia 2 loại. Vừa qua, một số chủng virus phức tạp đã xuất hiện, như gây cúm A(H5) trên hổ tại Đồng Nai, và gây bệnh trên bò sữa tại Lâm Đồng.

Đặc thù của ngành thú y là liên tục tiếp xúc với các mầm bệnh mới, các sản phẩm công nghệ sinh học mới từ quốc tế.

Ngoài ra, Việt Nam nằm trong nhóm thị trường lớn về tiêu thụ động vật. Do đó, hệ thống thú y cần có công nghệ cao, đủ sức chẩn đoán sớm, phòng ngừa từ xa với dịch bệnh, nhất là các bệnh mới nổi.

Cục trưởng Cục Thú y đề xuất một số vấn đề, trong đó nhấn mạnh tới cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển công nghệ sinh học.

"Trình một dự án công nghệ theo cơ chế Nhà nước mất nhiều thời gian, có thể khiến nghiên cứu cơ bản của Việt Nam bị teo tóp", ông Long bày tỏ và đề xuất cần có một mô hình cởi mở giữa cơ quan quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp để sớm đưa các nghiên cứu ra đồng ruộng, thay vì cất vào ngăn kéo.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm